Khoảng trống định danh di sản
Chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc tại thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Đây là ngôi chùa cổ có từ thời Lý, đến thế kỷ 13 được Phật hoàng Trần Nhân Tông tu bổ, xây dựng thành trung tâm Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm. Đây không chỉ là nơi để du khách thập phương về chiêm bái, lễ Phật mà còn là nơi lưu giữ quốc bảo Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm-Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương do UNESCO công nhận năm 2012. Kho mộc bản với hơn 3.000 bản ván khắc, trong đó hầu hết là kinh, sách, luật giới nhà Phật, trước tác của Tam thế tổ và một số vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử (thơ, phú, nhật ký...). Bộ mộc bản được khắc bằng chữ Hán và chữ Nôm không chỉ là tác phẩm thư pháp nghệ thuật tuyệt mỹ mà còn hàm chứa những giá trị tư tưởng, giáo lý sâu sắc của Phật phái Trúc Lâm, đồng thời đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Nôm qua các thời đại. Ngoài ra, chùa Vĩnh Nghiêm còn có nhiều bức hoành phi, câu đối; hệ thống văn bia với 8 tấm ghi lại toàn bộ tiến trình lịch sử và phát triển của Trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm...
Năm 2017, từ nguồn lực địa phương và xã hội hóa, Bắc Giang đã cho xây dựng nhà lưu giữ và trưng bày những tấm mộc bản này với kinh phí gần 30 tỷ đồng. Nhưng từ đó đến nay, đây cũng là nguồn kinh phí duy nhất để bảo vệ di sản, bởi Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là loại hình di sản không được điều chỉnh trong bất kỳ nội dung nào của Luật Di sản văn hóa.
Ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang cho biết, khi chưa có các quy định trong Luật Di sản văn hóa, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, bổ sung nội dung di sản tư liệu vào Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là hết sức cần thiết để cộng đồng, các cơ quan, đơn vị có cách thức nhận diện, cách thức quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị của di sản tư liệu này.
Bia tiến sĩ của Văn Miếu - Quốc Tử Giám chưa có quy định cụ thể trong Luật Di sản văn hóa nên rất khó có giải pháp bảo tồn, phát huy. |
Với bề dày gần 1.000 năm, Văn Miếu-Quốc Tử Giám hiện có 82 bia tiến sĩ tương ứng với 82 khoa thi từ năm 1484 đến 1780, ghi tên các vị đỗ đại khoa tại các khoa thi. Đây là những bản tư liệu gốc duy nhất, được coi là một trong những di sản văn hóa vô giá của cha ông để lại. Các bia đá này đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức thế giới từ năm 2010. Nhưng đến nay, Văn Miếu-Quốc Tử Giám vẫn còn một khoảng trống để định danh trong Luật Di sản văn hóa của Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tú, Phó giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho rằng: “Nếu không kịp thời điều chỉnh luật để bảo vệ di sản tư liệu thì chúng ta có thể mất đi một khối lượng di sản vô cùng quý giá của dân tộc. Bởi di sản tư liệu không chỉ nằm trong các trung tâm lưu trữ, các đình, chùa mà còn rải rác trên cả nước; và di sản tư liệu ở rất nhiều loại hình khác nhau như trên đá, trên giấy...”.
Hành lang pháp lý bảo vệ di sản
Từ năm 2009 đến nay, Việt Nam có 9 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, trong đó có 3 di sản tư liệu thế giới, gồm: Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Bia tiến sĩ Văn Miếu-Quốc Tử Giám; 6 di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Mộc bản trường học Phúc Giang, Hành trình đi sứ Trung Hoa, Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng và Văn bản Hán-Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943). Nhưng trong tất cả các văn bản luật hiện hành không quy định đây là loại hình di sản gì và các biện pháp bảo tồn, phát huy...
Vừa qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Các ý kiến tập trung phân tích quy định nhằm làm rõ quan điểm nhân dân làm chủ thể trong quá trình bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Di sản văn hóa cần quy định về “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu”, trong đó cần quy định tiêu chí ghi danh, kiểm kê, phân loại, đánh giá, xếp hạng di sản tư liệu; đồng thời cụ thể hóa quy trình hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu.
Tiến sĩ Trần Đức Nguyên, Trưởng Khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đề xuất: “Cần thiết phải đưa loại hình di sản tư liệu vào luật. Tạo ra hành lang pháp lý để chúng ta có thể tiến hành tổ chức các hoạt động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị các loại hình di sản tư liệu; ví dụ có thể phân loại, đưa ra tiêu chí nhận diện, tiến hành quy trình để kiểm kê, ghi danh di sản tư liệu và phân định rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quá trình bảo vệ, phát huy giá trị di sản tư liệu. Bên cạnh đó, bảo đảm sự thống nhất trong quản lý nhà nước về di sản văn hóa”.
Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, hiện nay vấn đề còn lại đang phải giải quyết là sự giao thoa, chồng lấn giữa Luật Di sản văn hóa với dự thảo Luật Lưu trữ. Có một đối tượng trong Luật Lưu trữ, đó là tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, nội dung này giao thoa với nhóm tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt được công nhận là bảo vật quốc gia. Hiện nay, Chính phủ giao cho hai bộ (Bộ Nội vụ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xem xét, đưa ra giải pháp cụ thể để thống nhất về tiêu chí bảo đảm phân định rõ ràng.
Bài và ảnh: ĐINH THU
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/can-tao-hanh-lang-phap-ly-cho-di-san-tu-lieu-a19304.html