Toàn cảnh Hội thảo khoa học "Già hóa dân số Việt Nam: Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách". |
Tham dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; Nguyễn Thanh Bình, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam và gần 250 đại biểu...
Già hóa dân số hiện là một trong những xu hướng quan trọng nhất của thế kỷ 21; già hóa là thành tựu của quá trình phát triển, vừa tạo ra cơ hội mới nhưng cũng đặt ra thách thức về kinh tế, xã hội và văn hóa, lối sống cho mỗi cá nhân, gia đình, xã hội.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cho biết, trong bối cảnh nêu trên, hội thảo khoa học này có ý nghĩa rất quan trọng, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Người cao tuổi là vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng, là nguồn lực phát triển của đất nước; người cao tuổi phát huy truyền thống Diên Hồng, tiếp tục đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình phát biểu khai mạc hội thảo. |
Việt Nam là quốc gia có xu hướng già hóa rất nhanh, theo cơ sở dữ liệu của Bộ Công an, đến tháng 3/2023, cả nước có gần 17 triệu người cao tuổi; có hơn 7 triệu người vẫn đang tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh; gần 750 nghìn người tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cơ sở; có hơn 300 nghìn người tham gia các tổ hoà giải và an ninh, trật tự ở thôn bản... |
Trong bối cảnh già hóa dân số nhanh cùng với sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hội thảo khoa học “Già hóa dân số Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách” là rất cần thiết, với hơn 70 bài tham luận sâu sắc được tổng hợp và biên soạn trong Kỷ yếu, cùng nhiều ý kiến phát biểu, trao đổi đóng góp tại hội thảo là luận cứ khoa học giúp Ban Tổ chức hội thảo chắt lọc báo cáo trình Ban Bí thư, tham khảo đưa vào dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV, tổng kết Chỉ thị số 59/CT-TW ngày 27/9/1995 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII về “Chăm sóc người cao tuổi” và xem xét ban hành chủ trương mới; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia về người cao tuổi trong tình hình mới; tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời thích ứng với xu hướng già hóa dân số nhanh ở Việt Nam...
"Hội thảo khoa học này có ý nghĩa rất quan trọng, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Người cao tuổi là vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng, là nguồn lực phát triển của đất nước; người cao tuổi phát huy truyền thống Diên Hồng, tiếp tục đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa" - Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng ghi nhận và đánh giá cao tinh thần chủ động, sáng tạo, nhiệt huyết của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và các đơn vị phối hợp tổ chức.
Mục đích, yêu cầu, nội dung, hình thức và chương trình tổ chức hội thảo, nhất là các vấn đề căn cốt được nêu ra tại hội thảo, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, cung cấp luận cứ khoa học giúp cho Đảng, Nhà nước tham khảo để hoạch định chủ trương, chính sách mang tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong việc chủ động thích ứng với bối cảnh, xu hướng già hóa dân số nhanh trên thế giới và trong nước; tận dụng cơ hội còn lại của dân số vàng, phát huy truyền thống kế thừa tiền bối và “trọng lão” của dân tộc; đồng thời là sự tích cực thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền của người cao tuổi.
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng phát biểu ý kiến tại hội thảo. |
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, già hóa dân số là một vấn đề mang tính toàn cầu, nhưng ở nước ta có những đặc thù riêng; đó là, chúng ta đang ở giai đoạn cuối của thời kỳ dân số vàng. Tuy chúng ta còn có thể tranh thủ cơ hội này để phát triển, nhưng cũng đang đứng trước ngưỡng cửa thời kỳ già hóa dân số với sự chuyển biến rất nhanh từ một xã hội "già hóa" sang một xã hội "già".
Ở các nước phát triển, thời kỳ già hóa dân số diễn ra sau thời kỳ dân số vàng khi đất nước đã phát triển, có tích lũy, giàu có, có điều kiện bảo đảm an sinh xã hội đối với người cao tuổi. Trong khi đó, dù Việt Nam mới chỉ bước vào nhóm nước có mức thu nhập trung bình, nhưng số người cao tuổi đã chiếm tỷ lệ cao (hiện xấp xỉ 17 triệu người, khoảng 12% dân số). Ngoài một bộ phận không nhiều có lương hưu, số đông người cao tuổi phải dựa vào sự chăm sóc của con cháu và một phần từ sự bảo trợ xã hội.
Đặc biệt, sự chuẩn bị tâm thế, tài chính và các điều kiện bảo trợ xã hội ở nước ta hiện nay còn ở mức thấp; sự biến đổi môi trường sống, một số giá trị văn hóa gia đình, cộng đồng chịu nhiều tác động không thuận bởi xu hướng thay đổi quan niệm sống đáng lo ngại của một bộ phận thanh niên, như: không muốn lập gia đình, ngại sinh con, ít ràng buộc huyết thống, sử dụng dịch vụ chăm sóc để thay thế sự chăm sóc đối với ông bà, cha mẹ…
Tác động cộng hưởng của xu hướng chung và đặc thù riêng ở nước ta như vậy đặt ra những thách thức mới, nhất là thách thức của một xã hội “chưa giàu đã già”, đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới về vấn đề già hóa dân số; cần phải đổi mới tư duy chiến lược trong quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tính hài hòa, bền vững trong sự gắn kết cộng đồng, phát huy sức mạnh của nhân dân và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đứng trước hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, cách tiếp cận khoa học đối với vấn đề già hóa dân số còn phải bảo đảm tính nhạy cảm chính trị, sự tinh tế xã hội, tính triết lý nhân văn sâu sắc, coi người cao tuổi là hồng phúc xã hội; tin tưởng người cao tuổi là lực lượng xã hội hoàn toàn có thể có đóng góp những giá trị vật chất, tinh thần cho sự phát triển đất nước.
Theo số liệu của Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện mới có khoảng 39% người cao tuổi được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công và trợ cấp xã hội; 61% còn lại sống dựa hoàn toàn vào thu nhập không cao và không thường xuyên, chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp và phụ thuộc vào con cháu,… |
Tại hội thảo, các diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách cũng tập trung thảo luận vào các nội dung quan trọng, đó là: một số vấn đề chung về già hóa dân số, như vấn đề dân số và phát triển, vấn đề biến đổi cơ cấu xã hội, vấn đề lao động-việc làm, vấn đề an sinh xã hội, an ninh con người ở Việt Nam; làm rõ hơn thực trạng già hóa dân số ở Việt Nam; những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế; những thách thức cần vượt qua và cơ hội cần nắm bắt; các bài học kinh nghiệm ứng phó với già hóa dân số của các quốc gia trên thế giới; những tham khảo và điều kiện bảo đảm thực hiện của Việt Nam khi áp dụng kinh nghiệm các nước; dự báo xu hướng già hóa và các giải pháp, khuyến nghị chính sách thích ứng bối cảnh già hóa dân số nhanh ở Việt Nam.
NHẬT ANH
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/xay-dung-chinh-sach-va-chuong-trinh-ung-pho-voi-qua-trinh-gia-hoa-dan-so-nhanh-tai-viet-nam-a19494.html