Công đoàn và sự an toàn của đoàn viên, người lao động

An toàn lao động có vai trò rất quan trọng không chỉ đối với người trực tiếp lao động sản xuất, doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển chung của nền kinh tế và toàn xã hội.

Cơ quan chức năng tổ chức khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn lao động tại Yên Bái. (Ảnh: THANH SƠN)
Cơ quan chức năng tổ chức khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn lao động tại Yên Bái. (Ảnh: THANH SƠN)

Những báo cáo về an toàn vệ sinh lao động thời gian qua cho thấy, những tín hiệu khả quan khi các doanh nghiệp ý thức hơn về công tác này.

Tuy nhiên, thực tế tính chất của các vụ tai nạn lại nghiêm trọng hơn, thương tâm hơn theo từng năm. Có thể dẫn chứng: vụ sập mái kính khiến 4 người thương vong tại một công trình thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; vụ cháy khí mê-tan làm 4 công nhân tử vong tại Công ty than Thống Nhất (TKV); vụ tai nạn lao động tại Công ty cổ phần Xi-măng và Khoáng sản Yên Bái khiến 7 người chết, 3 người bị thương...

Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tình hình vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của người sử dụng lao động. Phần lớn là do doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ, chưa tuân thủ quy định an toàn vệ sinh lao động, vi phạm về công tác huấn luyện, khám sức khỏe định kỳ, trang bị bảo hộ lao động. Bên cạnh đó, bản thân người lao động chưa thực hiện nghiêm quy định an toàn vệ sinh lao động.

Số liệu của các cơ quan chức năng cho thấy, có tới 70% vụ tai nạn lao động là vi phạm quy trình vận hành.

Nhận thức rõ việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động là lợi ích thiết thân nhất đối với người lao động, trong Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, ngay khâu đột phá đầu tiên, nêu rõ các yêu cầu cốt lõi, là đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động.

Công tác an toàn, vệ sinh lao động được tổ chức công đoàn đặc biệt quan tâm, coi đó là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức nhằm bảo vệ, bảo đảm an toàn, sức khỏe cho đoàn viên, người lao động.

Từ thực tế cho thấy cần thường xuyên quan tâm, khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức đại diện quyền lợi của người lao động tham gia xây dựng “văn hóa an toàn” trong mỗi doanh nghiệp và mỗi đoàn viên, người lao động.

Khi doanh nghiệp có nền văn hóa an toàn, sẽ tạo cho mỗi người lao động, mỗi quy trình sản xuất những thói quen ưu tiên công tác an toàn ở tất cả các khâu, công đoạn sản xuất; từ đó, các tiêu chuẩn về lao động sẽ luôn gắn liền với thói quen an toàn trong mọi thao tác. Cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các yêu cầu này, bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt quy định, quy trình mọi lúc, mọi nơi.

Thời gian qua, công đoàn các cấp đã rất nỗ lực và đạt được những kết quả tốt trong công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức về an toàn vệ sinh lao động. Tuy nhiên vẫn còn thiếu các chiến lược cho công tác này một cách dài hơi, bền vững.

Chiến lược đó không chỉ là những khóa huấn luyện, chương trình bổ túc kiến thức an toàn cho đoàn viên, người lao động, các đợt tuyên truyền cao điểm, Tháng Hành động về An toàn vệ sinh lao động mà còn cần đồng bộ từ công tác đào tạo đội ngũ an toàn vệ sinh viên; phân định rõ trách nhiệm từ chủ doanh nghiệp, cán bộ phụ trách dây chuyền, cán bộ công đoàn, đội ngũ an toàn vệ sinh viên cho đến từng người lao động.

Công đoàn các cấp phải cùng doanh nghiệp, các cơ quan chức năng điều tra, tìm hiểu, phân tích rõ nguyên nhân sau mỗi vụ tai nạn lao động để người lao động và chủ sử dụng lao động cùng rút kinh nghiệm sâu sắc, tránh lặp lại sai lầm.

Là tổ chức đại diện cho người lao động, các cấp công đoàn cần tiếp tục chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thông qua tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật an toàn, vệ sinh lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp.

Trong đó, có cả việc bảo đảm cho người lao động được trang cấp và sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân đạt tiêu chuẩn. Mỗi cán bộ công đoàn nâng cao trách nhiệm, cần tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ hơn để đại diện lên tiếng, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động.

Yêu cầu đặt ra là mỗi cán bộ công đoàn, người lao động được trang bị, đào tạo và tự trang bị kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật an toàn để tham gia hiệu quả từ quá trình kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội, quy trình điều tra tai nạn lao động... nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

PHÚC QUÂN

 

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/cong-doan-va-su-an-toan-cua-doan-vien-nguoi-lao-dong-a20102.html