Mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp, đề xuất sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đang tiến hành rà soát, đánh giá các luật thuế; trong đó có Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Bộ Tài chính cho biết sẽ dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10-2025 và thông qua vào tháng 5-2026.

Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, khi thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công, cá nhân được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định… số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, cá nhân phát sinh thu nhập chịu thuế thì mới phải nộp thuế theo quy định.

Luật Thuế thu nhập cá nhân (áp dụng từ ngày 1-1-2009) quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.

Mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp, đề xuất sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân
 Hướng dẫn doanh nghiệp và người dân nộp thuế. 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13 (áp dụng từ ngày 1-7-2013) quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.

Ngày 2-6-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020). Theo đó, nâng mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc thực hiện chính sách thuế thu nhập cá nhân có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại theo từng giai đoạn phát triển của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng với các nguồn thu khác, nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân đã tạo nên quỹ ngân sách nhà nước để đáp ứng rất nhiều các nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh này hiện không còn phù hợp với giá cả thực tế và chi phí cho nhu cầu cuộc sống. Bên cạnh đó, cách tính mức giảm trừ gia cảnh chỉ căn cứ vào biến động CPI là chưa đủ mà còn phải tính theo xu hướng phát triển nhu cầu tiêu dùng của người dân. 

Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định chỉ số giá tiêu dùng biến động hơn 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành, hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Qua theo dõi chỉ số giá tiêu dùng từ năm 2020 đến nay, mức giảm trừ chưa biến động đến mức 20%, nên thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi diễn biến của chỉ số này để chủ động đề xuất theo quy định. Bộ Tài chính được Chính phủ giao rà soát tổng thể các luật thuế. Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ sửa đổi vào năm 2025 theo đúng lộ trình đã báo cáo Chính phủ và được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo TTXVN

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/muc-giam-tru-gia-canh-khong-con-phu-hop-de-xuat-sua-luat-thue-thu-nhap-ca-nhan-a20629.html