Hành động thiết thực để giải quyết vấn đề bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học

Sáng 22/5, tại bãi biển Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Ủy Ban nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2024, với chủ đề “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học”.

Các đại biểu tham gia hoạt động thả cá tại Lễ kỷ niệm.
Các đại biểu tham gia hoạt động thả cá tại Lễ kỷ niệm.

Tham dự chương trình có lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy Ban nhân dân tỉnh, các đơn vị trực thuộc Bộ, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và đông đảo người dân trên địa bàn.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 22/5 hằng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động về đa dạng sinh học.

Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5) năm 2024 được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học”, là lời kêu gọi các bên liên quan hãy cùng đóng góp vào việc thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (GBF) nhằm ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học trong thập kỷ “Phục hồi hệ sinh thái”, đồng thời, nâng cao nhận thức của các bên liên quan về Khung GBF và Hội nghị các bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học (COP16) sẽ diễn ra từ ngày 21/10 đến ngày 01/11 năm 2024 tại Thành phố Cali, Colombia.

Phát biểu ý kiến tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: Theo Báo cáo đánh giá toàn cầu về Đa dạng sinh học và Dịch vụ hệ sinh thái cho thấy: Trong nửa thế kỷ qua, thế giới đang chứng kiến tốc độ suy thoái đa dạng sinh học và hệ sinh thái chưa từng có trong lịch sử nhân loại với ước tính một triệu loài động, thực vật đứng bên bờ vực tuyệt chủng; 75% hệ sinh thái trên bề mặt trái đất bị biến đổi, các hệ sinh thái trên cạn suy giảm 23% năng suất; 85% diện tích khu vực đất ngập nước bị mất đi; 14/18 dịch vụ cơ bản của đa dạng sinh học cho duy trì các hoạt động sống và phát triển của con người đang có xu hướng suy giảm trên toàn cầu.

Hành động thiết thực để giải quyết vấn đề bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học ảnh 1

Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng trên là do sự biến mất của môi trường tự nhiên, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng các sản phẩm gây nguy hại đến đa dạng sinh học như thuốc trừ sâu, các sản phẩm nhựa... và kể cả các loài xâm lấn.

Việt Nam được đánh giá một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học, là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu với các nguồn gen quý, hiếm, sự phong phú, đa dạng về hệ sinh thái.

Với những nỗ lực bảo vệ các giá trị thiên nhiên vô giá của đất nước, đến nay, Việt Nam đã thiết lập hệ thống gồm 178 khu bảo tồn thiên nhiên, với tổng diện tích hơn 2,6 triệu ha bao gồm các khu vực trên cạn và biển; chín vùng đất ngập nước được công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Khu Ramsar); 11 khu Dự trữ sinh quyển thế giới; sáu khu Di sản thiên nhiên thế giới; 12 vườn di sản ASEAN. Có khoảng hơn 62 nghìn loài sinh vật đã được xác định và vẫn liên tục phát hiện các loài mới cho khoa học, trong số đó số lượng loài đặc hữu, chỉ xuất hiện ở Việt Nam rất cao.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái về đa dạng sinh học cùng với những thách thức to lớn khác như ô nhiễm môi trường và nguồn nước, suy thoái đất đai, rác thải nhựa đại dương và những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu. Thực trạng này buộc chúng ta phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc thực hiện bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học song hành với quá trình phát triển, bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa con người.

Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh: Hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2024, với chủ đề “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học”, là cơ hội để chúng ta cùng nhau khẳng định quyết tâm, thay đổi nhận thức, thống nhất hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức đặt ra, ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ suy giảm đa dạng sinh học, bảo đảm cân bằng sinh thái. Gấp rút triển khai các nội dung của Khung Đa dạng sinh học toàn cầu với những hành động cụ thể, hướng tới xây dựng một tương lai “Sống hài hòa với thiên nhiên” vào năm 2050. Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân hãy có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, trong đó tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

Một là, tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học và các giá trị của đa dạng sinh học trong cải thiện sinh kế bền vững, xóa đói giảm nghèo và chiến lược phát triển bền vững của quốc gia; xây dựng lối sống hài hòa với thiên nhiên.

Hai là, tổ chức triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; lồng ghép yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học vào trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của các Bộ, ngành, địa phương để bảo đảm sự công bằng, toàn diện và đồng bộ trong quá trình ra quyết định có liên quan đến đa dạng sinh học.

Ba là, kiểm soát các hoạt động gây tác động tiêu cực gây suy giảm đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên; tăng cường các hoạt động khẩn cấp ngăn chặn tình trạng khai thác quá mức và buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã, giảm thiểu sự xuất hiện và tác động của các loài ngoại lai xâm hại đối với đa dạng sinh học; kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Hành động thiết thực để giải quyết vấn đề bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học ảnh 2

Các đại biểu tham gia hoạt động thả cá bổ sung loài thủy sản bản địa, loài thủy sản đặc hữu vào vùng nước tự nhiên tại khu vực Hội An.

Bốn là, nghiên cứu và áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát huy các thực hành tốt thân thiện với đa dạng sinh học trong các ngành sản xuất; tăng cường năng lực điều tra, kiểm kê, quan trắc, giám sát thông tin, dữ liệu về đa dạng sinh học; đẩy mạnh năng lực về ứng dụng khoa học công nghệ trong giám sát đa dạng sinh học, phát triển các giải pháp đổi mới nhằm cải thiện việc bảo tồn cũng như sử dụng bền vững đa dạng sinh học.

Năm là, thúc đẩy và thiết lập mối quan hệ đối tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm vận động sự ủng hộ, hỗ trợ về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phát hiện và tôn vinh những cá nhân, tập thể, cộng đồng có những nỗ lực ngăn chặn và suy giảm đa dạng sinh học.

Phát biểu hưởng ứng tại Lễ kỷ niệm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, Bùi Ngọc Ảnh cho biết: Quảng Nam là khu vực có nhiều hệ sinh thái rừng và biển rất đặc trưng, mang lại nhiều giá trị cảnh quan và kinh tế; là nơi phân bố của nhiều loài quý hiếm, đặc hữu như: Sao la, Hổ, Voi, Voọc chà vá, Mang Trường Sơn, Sâm Ngọc Linh, san hô, cỏ biển…. được xếp địa phương có tính đa dạng sinh học cao trong cả nước, nằm trong vùng cảnh quan ưu tiên Trung Trường Sơn và là một trong 200 “điểm nóng” về đa dạng sinh học của thế giới.

Tỉnh Quảng Nam là một trong những tỉnh tiên phong hành động về đa dạng sinh học, là một trong các địa phương sớm ban hành Chiến lược bảo tồn, kế hoạch hành động. Đặc biệt, tỉnh đã tranh thủ được nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế triển khai nhiều nhiệm vụ bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái, xúc tiến thành lập các Khu bảo tồn, hành lang đa dạng sinh học tỉnh. Đáng chú ý, trong Quy hoạch phát triển tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định định hướng phát triển Quảng Nam thành một trong các tỉnh tiên phong về việc phát triển nền kinh tế tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và có tính cân đối hài hòa giữa môi trường và phát triển.

Hành động thiết thực để giải quyết vấn đề bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học ảnh 3

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam phát biểu hưởng ứng tại lễ kỷ niệm.

Để tiếp tục thể hiện trách nhiệm của địa phương đóng góp vào quá trình phục hồi đa dạng sinh học của quốc gia, cũng như toàn cầu, tỉnh Quảng Nam đã có sáng kiến đề xuất tổ chức Năm Phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia- Quảng Nam 2024- Chung sống hài hòa với thiên nhiên với hơn 40 hoạt động liên quan đã được tổ chức từ tháng 3 đến tháng 12/2024 trên toàn tỉnh. Với mục đích, góp phần triển khai Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050; gắn với tham gia hưởng ứng Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái 2021-2030 của Liên hợp quốc; thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế tại Hội nghị lần thứ 15 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học, đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động điều tra, khảo sát, phục hồi các hệ sinh thái ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học cho người dân trên địa bàn.

Hành động thiết thực để giải quyết vấn đề bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học ảnh 4

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Dịp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo “Thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (GBF) và Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ở Việt Nam”. Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung như: Các chương trình, dự án, sáng kiến đang triển khai đóng góp vào việc thực hiện GBF tại Việt Nam; sự tham gia của các bên liên quan trong thực hiện GBF; công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của tỉnh Quảng Nam; trao đổi kinh nghiệm và giải pháp thực hiện các mục tiêu của GBF và Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ở Việt Nam.

KHÁNH HUY

 

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/hanh-dong-thiet-thuc-de-giai-quyet-van-de-bao-ton-thien-nhien-da-dang-sinh-hoc-a20811.html