Được tổ chức 5 năm một lần, cuộc bầu cử thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận khi EP là cơ quan có vai trò quyết định trong quá trình lập pháp, phê duyệt ngân sách và kiểm tra, giám sát hoạt động của EU. EP cũng là Nghị viện “siêu quốc gia” duy nhất trên thế giới được bầu trực tiếp bởi người dân. Số ghế của các nước thành viên tại nghị viện được quyết định bằng quy mô dân số của nước đó. Trong cuộc bầu cử năm nay, diễn ra từ ngày 6 đến 9/6, cử tri EU sẽ lựa chọn 720 nhà lập pháp đại diện cho lợi ích của họ ở cấp độ EU.
Giới quan sát nhận định, chưa bao giờ cuộc bầu cử EP lại được quan tâm như hiện nay. Theo các cuộc khảo sát, tỷ lệ cử tri đi bầu có thể lên tới hơn 70%, tăng đáng kể so mức khoảng 50% hồi năm 2019. Lý giải nguyên nhân người dân châu Âu ngày càng quan tâm đến cuộc bầu cử, nhiều nhà phân tích cho rằng, sự kiện chính trị này diễn ra trong bối cảnh EU đang bị bủa vây bởi những thách thức chưa từng có, đe dọa phá vỡ sự đoàn kết và thịnh vượng của khối. Liên minh 27 nước phải đối mặt những “cơn sóng dữ” về an ninh, kinh tế, xã hội mà không quốc gia thành viên nào có thể đơn độc vượt qua.
Trước hết là vấn đề an ninh. Theo giới chức EU, những diễn biến địa chính trị hiện nay đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với liên minh trong việc chủ động bảo đảm an ninh và chuẩn bị để đối phó hiệu quả các cuộc khủng hoảng, mà không phụ thuộc đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương. Ngoài ra, nền kinh tế EU cũng được dự đoán sẽ phải vượt qua nhiều thách thức trong thời gian tới. Cựu Thủ tướng Italia Enrico Letta cho rằng, EU có thể bị tụt hậu về kinh tế và công nghệ, nếu không có những điều chỉnh đáng kể đối với thị trường chung.
Liên minh này cũng chịu sự cạnh tranh lớn về đầu tư. Theo nghiên cứu của Tập đoàn kiểm toán EY, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào EU trong năm 2023 giảm 11% so với mức năm 2019, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Nhà kinh tế trưởng hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Sylvain Broyer nhấn mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh là bài toán khó mà EU cần sớm tìm được lời giải.
Bên cạnh đó, cử tri EU cũng coi cuộc bầu cử EP là cơ hội để truyền tải thông điệp tới các nhà lãnh đạo về nhiều vấn đề khác nhau. Giới phân tích cho rằng, thực tiễn môi trường địa chính trị biến động và các cuộc xung đột trên thế giới gia tăng trong thời gian qua khiến vấn đề môi trường không còn nằm trong danh sách ưu tiên hàng đầu của người dân.
Thay vào đó là mối bận tâm khác như sức mua, tăng trưởng kinh tế, lạm phát, an ninh hay nhập cư. Kết quả cuộc khảo sát mới đây của Eurobarometer cho thấy, tình trạng nghèo đói, sức khỏe, việc làm, quốc phòng và an ninh là những chủ đề cử tri EU quan tâm nhất.
Quan điểm của các ứng cử viên về những vấn đề nóng mà cử tri quan tâm là nhân tố quan trọng quyết định kết quả cuộc bầu cử EP. Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) được dự báo sẽ giành nhiều phiếu nhất và có thể liên minh với các đảng thân EU để tiếp tục chiếm thế đa số tại cơ quan lập pháp của châu Âu.
Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy một xu hướng đáng lo ngại khi Lục địa Già chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc và đảng cực hữu. Trên thực tế, những đảng này đã lên nắm quyền tại Hungary và Italia, tham gia chính phủ ở Phần Lan và Slovakia, mới nhất là giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tại Hà Lan.
Nhiều chuyên gia lo ngại, nếu giành được khoảng 25% trong số 720 ghế tại EP, phe cực hữu có thể tác động đến một loạt chính sách của EU đối với các vấn đề “nóng”, từ đó làm phức tạp hơn nỗ lực thông qua chương trình nghị sự mới, hoặc kéo theo sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong nội bộ khối.
Trong bối cảnh EU bị bủa vây bởi thách thức chưa từng có về cả an ninh, kinh tế và xã hội, người dân châu Âu trông đợi các nhà lập pháp trong EP nhiệm kỳ mới sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh duy trì sự đoàn kết, thịnh vượng của “ngôi nhà chung”
TƯỜNG VŨ
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/cuoc-bau-cu-dinh-hinh-tuong-lai-eu-a21376.html