Khoan lòng mạch và đặt stent cứu sống bệnh nhân tái hẹp mạch vành nặng

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, bệnh viện vừa khoan lòng mạch và đặt stent cứu bệnh nhân tái hẹp mạch vành nặng.

Theo đó, ông H. (74 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau ngực dữ dội, động mạch vành tái hẹp trên nền stent cũ, nguy cơ nhồi máu cơ tim đe dọa tính mạng.

Ông H. có tiền sử bệnh tim mạch 10 năm với hai lần đặt stent vào năm 2013 và 2017. Theo dõi xơ vữa động mạch ở bệnh viện gần nhà, ông được bác sĩ tư vấn mổ tim hở để bắc cầu thân chung động mạch vành trái. Tuy nhiên do bệnh nhân tuổi cao, sức khỏe yếu, lo lắng nguy cơ tai biến phẫu thuật cao nên từ chối điều trị.

Khoan lòng mạch và đặt stent cứu sống bệnh nhân tái hẹp mạch vành nặng
Các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khoan lòng mạch và đặt stent cứu sống bệnh nhân tái hẹp mạch vành nặng. Ảnh: BVCC 

Ngày 18-6, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đức Hưng, Phó khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, người bệnh được cấp cứu lúc 4 giờ sáng trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, cơn đau tăng lên khi gắng sức, nghỉ không bớt đau. Kết quả chụp cắt lớp vi tính các trung tâm khác ghi nhận thân chung động mạch vành trái của người bệnh bị hẹp khít hơn 90% và tái hẹp ngay trên nền stent cũ. “Tình trạng hẹp khít động mạch vành nuôi tim của bệnh nhân rất nặng, nguy cơ cao tắc nghẽn, đột tử, ê kíp nhanh chóng hội chẩn, cấp cứu can thiệp tái thông động mạch vành”, bác sĩ Hưng nói.

Ca can thiệp tái thông rất phức tạp do tổn thương thân chung động mạch vành bên trái là tổn thương ngay phần gốc có vị trí nguy hiểm, phức tạp nhất trong phân loại các tổn thương mạch vành. Đặc biệt, mạch này không được nuôi hỗ trợ bởi các cầu nối hoặc mạch vành bên phải (tổn thương thân chung không được bảo vệ). Khó khăn hơn nữa khi người bệnh bị tổn thương tái hẹp trong stent cũ vôi hóa.

Với sự trợ giúp của hệ thống máy móc hiện đại, phối hợp nhịp nhàng giữa bác sĩ phẫu thuật tim, hồi sức tim mạch, gây mê… ca can thiệp thành công sau 90 phút. Chỉ sau 8 tiếng kể từ khi cấp cứu, ông H. hết tức ngực, khó thở, cảm giác nhẹ nhõm thoải mái, có thể đi lại, vận động nhẹ nhàng, thoát khỏi nguy cơ tử vong do biến chứng nhồi máu cơ tim. Siêu âm trong lòng mạch trước và sau thủ thuật ghi nhận stent nở tốt, áp sát thành mạch, giảm tối đa nguy cơ tiếp tục tái hẹp sau này.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đức nhấn mạnh, việc đặt stent chỉ xử lý tình trạng hẹp khít ở một đoạn mạch và không thể giải quyết dứt điểm tình trạng xơ vữa mạch máu vẫn diễn tiến âm thầm ở nhiều vị trí khác trong cơ thể. Vì vậy, sau khi đặt stent, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt theo phác đồ điều trị nội khoa của bác sĩ, đồng thời tái khám định kỳ để có thể phát hiện sớm những bất thường.

Những người có bệnh nền cao huyết áp, tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành cao hơn các đối tượng khác. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh tim mạch thì nguy cơ sẽ càng cao. Do đó, bác sĩ khuyến cáo mọi người chủ động thăm khám sức khỏe tim mạch định kỳ, nhằm phát hiện sớm bất thường, điều trị kịp thời, tránh để bệnh diễn biến nặng, cấp có thể dẫn tới tử vong.

THÁI SƠN

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/khoan-long-mach-va-dat-stent-cuu-song-benh-nhan-tai-hep-mach-vanh-nang-a21640.html