Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị còn có các đồng chí: Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06/ Chính phủ; Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. |
Về phía thành phố Hà Nội có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thị Tuyến, Phó bí thư Thường trực Thành ủy; Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC), chuyển đổi số và Đề án 06 của TP Hà Nội.
Hội nghị được kết nối trực tiếp tới điểm cầu 30 quận, huyện và 579 xã, phường, thị trấn với trên 33.000 đại biểu là thành viên Ban chỉ đạo các cấp, Tổ chuyển đổi số cộng đồng trên địa bàn.
Thời gian qua, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện Đề án 06/Chính phủ, lấy người dân làm trung tâm, đột phá để phát triển. Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 6,5 triệu công dân Thủ đô đã có căn cước công dân, được cập nhật trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hơn 5,2 triệu công dân có tài khoản định danh mức độ 2; 19/30 quận, huyện, thị xã thành phố thực hiện cập nhật số hóa hồ sơ dữ liệu hộ tịch điện tử; các nhóm dữ liệu được cập nhật với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để từ đó khai thác, sử dụng hiệu quả.
Các đại biểu khai trương vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06/Chính phủ trên địa bàn TP Hà Nội. |
TP Hà Nội tiếp tục là địa phương đầu tiên trên toàn quốc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho người dân khi thực hiện qua VneID; ngân sách thành phố thực hiện hỗ trợ khoảng 9,7 tỷ đồng cho đến hết ngày 31-12-2024. Số lượng ước tính chi phí cắt giảm của các cơ quan Nhà nước khi giảm thiểu được các yếu tố phục vụ tại trụ sở như: Điện, nước, không gian, cơ sở vật chất: Giấy, in, nhân lực, thời gian lao động - ước giảm khoảng 10 tỷ đồng/năm. Hiện nay, trung bình mỗi ngày có 1.000 hồ sơ lý lịch tư pháp nộp qua VneID. 5 tháng đầu năm 2024, thành phố thu hơn 2.500 tỷ đồng thuế từ các sàn thương mại điện tử.
Hà Nội cũng đã triển khai thí điểm xây dựng Hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử; Kết nối, chia sẻ dữ liệu sức khỏe người dân với ứng dụng “Công dân Thủ đô số” – thuận tiện trong tra cứu dữ liệu sức khỏe cá nhân về các chỉ số, yếu tố nguy cơ, kết quả khám chữa bệnh trước đó (khoảng 1,77 triệu dữ liệu sẵn sàng và tiếp tục cập nhật...).
Hà Nội cũng kiến nghị Tổ công tác chính phủ, các Bộ ngành nhiều vấn đề để tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ và tháo gỡ các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình thành phố triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ, đặc biệt các vướng mắc liên quan đến các quy định pháp lý, quy định chuyên ngành; thực hiện các giải pháp kỹ thuật, thống nhất và chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống, phần mềm chuyên ngành, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các Bộ, ngành với hệ thống của thành phố. TP Hà Nội cũng đề xuất Bộ Y tế phê duyệt kết quả thí điểm của thành phố; nghiệm thu, đánh giá “Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử” thành phố đã hoàn thành xây dựng để nghiên cứu, đề xuất triển khai trên toàn quốc...
Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu trải nghiệm ứng dụng phòng họp thông minh. |
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của TP Hà Nội trong triển khai Đề án 06 thời gian qua. Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng còn thấp; còn một số dịch vụ công trực tuyến mang tính hình thức; Tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa chưa cao; Hạ tầng số chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; Kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn nhiều hạn chế, bất cập; Công tác bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều cơ quan chưa được quan tâm đúng mức.
Từ sơ kết công tác triển khai trong thời gian qua và trên cơ sở nhận diện những tồn tại, hạn chế đã nêu, Thủ tướng đã chỉ rõ những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn để thành phố Hà Nội lưu ý quán triệt trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh, phải luôn quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Trung ương Đảng, Thành ủy, tuân thủ nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thúc đẩy triển khai hiệu quả Đề án 06.
Ứng dụng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo của Đề án 06, TP Hà Nội sắp ra mắt. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô đến năm 2025, nhất là đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai có hiệu quả Đề án 06, Thủ đô cần chú trọng 5 mục tiêu chủ yếu triển khai Đề án 06 trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với tất cả các dịch vụ, tiện ích; tiết giảm chi phí (về thời gian, vật chất, chi phí tuân thủ); kiểm soát rủi ro, đẩy lùi tiêu cực, giảm phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp; phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số; bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân; đẩy mạnh tích hợp, kết nối, chia sẻ, khai thác kết quả số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử giữa các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Hà Nội thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia…
Đồng chí Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo, đồng hành sát sao cùng Hà Nội, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thành phố ngày càng phát triển. Thời gian tới, Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06, mang lại nhiều thành công, thắng lợi mới và những lợi ích cụ thể, thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Tin, ảnh: TUẤN SƠN
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/de-an-06-se-giup-tp-ha-noi-cai-cach-hanh-chinh-cong-va-giam-chi-phi-hang-tram-ty-dong-a21860.html