Thiếu tướng Trần Trung Hòa - Ủy viên Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban chỉ đạo 701), Tư lệnh Binh chủng Công binh, Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) dự và phát biểu chỉ đạo. Tham dự Hội nghị còn có Đại tá Đinh Ngọc Tường - Chính ủy Binh chủng Công Binh cùng Ban Tổng Giám đốc VNMAC; đại diện cơ quan Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động thương binh và xã hội, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam cùng các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước.
Theo số liệu báo cáo tại Hội nghị, mật độ ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam năm 2018 là 6,1 triệu ha đất đai, chiếm 18,82% diện tích đất đai của cả nước. Giai đoạn 2010 - 2020, toàn quốc đã triển khai khảo sát và rà phá bom mìn vật nổ được 485.000 ha với ngân sách 12.614 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trong nước 10.417 tỷ đồng, ngân sách viện trợ không hoàn lại trực tiếp của nước ngoài là 2.197 tỷ đồng (tương đương 95,5 triệu USD). Tính đến nay, diện tích ô nhiễm bom mìn đã giảm xuống còn 5,6 triệu ha đất đai, tương đương 17,71% diện tích.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thiếu tướng Trần Trung Hòa nhấn mạnh: Giai đoạn 2010 - 2020, công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam đã đạt được những thành công quan trọng. Cụ thể, đã xây dựng được hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất, làm cơ sở chắc chắn cho quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Đã khảo sát, rà phá được gần 500.000 ha đất; công bố Bản đồ ô nhiễm bom mìn toàn quốc; hỗ trợ hơn 5.000 nạn nhân và các đối tượng liên quan, tổ chức giáo dục nguy cơ cho hơn 3 triệu người dân và học sinh. Các mục tiêu, nhiệm vụ theo Kế hoạch của Chương trình đã cơ bản hoàn thành, góp một phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, bảo đảm an toàn và ổn định cuộc sống cho nhân dân.
Với thành tích đã đạt được, các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Quốc phòng tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 10 tập thể và 13 cá nhân, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho 14 tập thể và 14 cá nhân, trong đó có 04 tổ chức quốc tế.
Chương trình đã tổ chức cung cấp thông tin báo chí hưởng ứng “Ngày thế giới nâng cao nhận thức phòng tránh bom mìn 04/4/2022”, đã cung cấp thông tin cho các báo, đài về kết quả khắc phục hậu quả bom mìn trong năm 2021 và quý I/2022; các nhiệm vụ và giải pháp triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn giai đoạn tiếp theo. Đồng loạt các phương tiện thông tin đã đưa tin về công tác khắc phục quả bom mìn sau chiến tranh, thông qua đó đã góp phần tạo sức lan tỏa cao trong cộng đồng.
Cuộc thi “Nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam” năm 2022 được tổ chức từ ngày 4/4/2022 đến ngày 4/5/2022 trên phạm vi toàn quốc theo hình thức trực tuyến. Sau 01 tháng triển khai thu hút được số lượng lớn người dân tham gia, cụ thể đã có 1.360.372 lượt người tham gia. Số thí sinh dự thi trải đều trên 63/63 tỉnh thành phố trong cả nước. Các địa phương có người tham gia thi đồng nhất theo thứ tự là: Nghệ An có 204.382 lượt người; Hà Tĩnh có 91.695 lượt người; Thanh Hóa có 86.577 lượt người; Vĩnh Phúc có 77.322 lượt người; Hà Nội có 72.136 lượt người... Số lượng tham gia thi năm 2022 tăng 80,087% so với năm 2021 (năm 2021 số thi sinh tham gia đạt 752.120 lượt người).
Cuộc thi đã đạt vượt mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia dự thi, nhiều thí sinh ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi còn chịu ảnh hưởng nặng nề của bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, góp phần nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn do chiến tranh để lại ở Việt Nam; xây dựng, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu và sống an toàn trên các vùng đất còn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ. Cuộc thi cũng cho thấy vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều lĩnh vực khác nhau, khẳng định tính đúng đắn cho hướng đi mới trong hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam.
Nhân dịp này, Ban Tổ chức đã trao các giải thưởng cho các cá nhân đạt giải với cơ cấu sau: 01 giải Nhất; 02 giải Nhì; 03 giải Ba và 10 giải Khuyến khích.
Bài và ảnh: Xuân Kiên
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/nang-cao-nhan-thuc-phong-tranh-tai-nan-bom-min-vat-no-chien-tranh-de-lai-o-viet-nam-a2264.html