Thông tin được ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi chia sẻ tại Hội nghị Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn bền vững, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 14/8, tại Hà Nội.
Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thức ăn chăn nuôi gia súc của cả nước trong năm 2023 đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2022.
Xuất khẩu thức ăn chăn nuôi gia súc sang thị trường Trung Quốc - thị trường lớn nhất năm 2023 - đạt 577,41 triệu USD, tăng 30,1% so với năm 2022, chiếm 48,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Xuất khẩu thức ăn chăn nuôi gia súc sang thị trường Campuchia - thị trường lớn thứ 2 trong năm 2023 - tăng 1,2% so với năm 2022, đạt 166,73 triệu USD. Thị trường Malaysia xếp thứ 3 về kim ngạch, đạt 117,84 triệu USD, tăng 28,2% so với năm 2022.
Xuất khẩu thức ăn chăn nuôi gia súc sang thị trường FTA-RCEP trong năm 2023 tăng 15,1% so với năm 2022, đạt 982,86 triệu USD, chiếm 82% trong tổng kim ngạch. Xuất khẩu sang thị trường CPTTP tăng 9,9%, đạt 144,67 triệu USD, chiếm 12% trong tổng kim ngạch. Xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á tăng nhẹ 2,1% so với năm 2022, đạt 354,47 triệu USD, chiếm 29,6%.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nhóm hàng thức ăn chăn nuôi gia súc và nguyên liệu đạt trên 492,88 triệu USD, giảm 5,6% so với 6 tháng đầu năm 2023. Riêng tháng 6/2024 xuất khẩu đạt 86,6 triệu USD, giảm 6,2% so với tháng 5/2024 và giảm 10% so với tháng 6/2023.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nhiều nhất thức ăn chăn nuôi gia súc và nguyên liệu của Việt Nam, chiếm 40,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của cả nước.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thức ăn chăn nuôi gia súc và nguyên liệu sang thị trường này đạt trên 200,48 triệu USD, giảm 16,6% so với 6 tháng đầu năm 2023; riêng tháng 6/2024 xuất khẩu sang thị trường này đạt 36,59 triệu USD, giảm 12% so với tháng 5/2024 và giảm 24,4% so với tháng 6/2023.
Tiếp theo là thị trường Mỹ đạt gần 63,62 triệu USD, tăng 91,8%, chiếm 12,9%; Campuchia đạt 55,54 triệu USD, giảm 33,5%, chiếm 11,3%; Malaysia đạt 49,51 triệu USD, giảm 4,1%, chiếm 10%…
Ông Phạm Kim Đăng nhận định, những kết quả đạt được cho thấy, công nghệ và chất lượng thức ăn chăn nuôi của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Nguyễn Hạnh
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/trung-quoc-thi-truong-nhap-khau-nhieu-nhat-thuc-an-gia-suc-va-nguyen-lieu-cua-viet-nam-a23246.html