Võ Phó bảng Nguyễn Long, phó tướng thân tín của Tổng đốc Hoàng Diệu

(tapchivietduc.vn) - Năm 1882, bất chấp triều đình Huế đã chấp nhận đầu hàng, Tổng đốc thành Hà Nội Hoàng Diệu đã chỉ đạo quân dân Hà Nội tử thủ chống lại quân đội Pháp. Võ Phó bảng Nguyễn Long với vai trò Thủy vệ quân cơ, Phó tướng thân tín của Tổng đốc Hoàng Diệu chỉ huy trấn giữ các cửa sông Hà Nội, cùng nhân dân Hà Nội chiến đấu anh dũng trước quân đội Pháp.

20240819-115336-1724043247.jpg
Tượng chân dung Võ Phó bảng Nguyễn Long. Ảnh: Xuân Kiên

Võ Phó bảng Nguyễn Văn Hậu có tên hiệu là Nguyễn Long. Tại khoa võ mở tại kinh thành Huế năm Canh Thìn (1880) niên hiệu Tự Đức thứ 33, Cụ Nguyễn Long là một trong 15 vị đỗ Võ Phó bảng. Võ Phó bảng Nguyễn Long được bổ nhiệm làm Thủy vệ quân cơ, hỗ trợ cho Tổng đốc thành Hà Nội Hoàng Diệu trấn giữ những cửa sông tại Hà Nội. Sau đó, Cụ làm nhiếp phủ Đa Phúc và đi giám sát trường Nam.

Về việc tử thủ bảo vệ thành Hà Nội, tiểu thuyết lịch sử “Những trận đổ máu hồi người Pháp mới sang nước ta đến ngày nay” xuất bản năm 1935 của nhà văn Ngô Tất Tố đã ghi lại câu chuyện “tiết tháo”, “quyết tử giữ thành Hà Nội” của Tổng đốc thành Hà Nội Hoàng Diệu và người phó tướng thân tín Võ Phó bảng Nguyễn Long.

Ngoài ra, Tạp chí Tri Tân số 6 năm 1941 ghi chép: “Nguyễn Long là con trai quan suất đội Nguyễn Văn Nghĩa, cháu quan Nam thiên thượng trấn tổng trấn Nguyễn Văn Luận, làm Thủy vệ quân cơ hồi quân Pháp hạ thành Hà Nội năm Nhâm Ngọ (1882), sau quyền nhiếp phủ Đa Phúc, đi giám sát trường Nam, có sự bất đồng với quan chủ khảo, xin cáo hồi”.

Tạp chí Tri Tân số 9 năm 1941, ở mục Sử liệu sống có bài ghi chép với nhan đề “Một chuyện tù sổng” mô tả hai cụ Phó bảng Nguyễn Long và Võ cử Nguyễn Đình Trọng đã cùng xông pha bắt được 12 tên giặc cướp đã đâm chết chủ ngục rồi bỏ trốn khỏi nhà ngục thành Hà Nội năm 1881.

20240819-113522-1724042529.jpg
Bức chân dung cổ Võ Phó bảng Nguyễn Long được vẽ truyền thần từ cách đây hơn 100 năm.

Hiện nay, tại phố Thụy Khuê, Hà Nội, gia đình ông Nguyễn Ngọc Quý, cháu nội Võ Phó bảng Nguyễn Long còn lưu giữ bức chân dung cổ của vị Võ Phó bảng Nguyễn Long. Bức tranh truyền thần có kích thước 45x75cm được vẽ cách đây hơn 100 năm với bút tích và dấu triện của vua triều Nguyễn trên tranh. 

20240819-114720-1724042971.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Quý, cháu nội của Võ Phó bảng Nguyễn Long bên ban thờ, bức ảnh chân dung và tượng chân dung Võ Phó bảng. Ảnh: Xuân Kiên

Nhận xét về bức chân dung cổ, Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam đánh giá: “Đây là một tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa nhất định trong việc tìm hiểu phong cách vẽ truyền thần hay chừng mực nào đó là vẽ chân dung ở đầu thế kỷ trước. Việc lưu giữ những tác phẩm như thế này sẽ góp phần đóng góp vào việc tìm hiểu lịch sử nghệ thuật của đất nước nói chung.”

Ông Nguyễn Ngọc Quý chia sẻ: “Bức tranh và sự nghiệp cụ Võ Phó bảng Nguyễn Long mãi là niềm vinh dự và tự hào của cả dòng tộc. Trong những năm chiến tranh, lớp lớp con cháu cụ Nguyễn Long đi theo kháng chiến, kiến quốc, nỗ lực tiếp nối và gìn giữ truyền thống cha ông”.

Thời gian qua, các tư liệu về Võ Phó bảng Nguyễn Long được các nhà sử học, các tổ chức, cá nhân quan tâm sưu tầm, nghiên cứu tuy nhiên tư liệu về Cụ Võ Phó bảng chưa nhiều. Hội thảo khoa học về thân thế sự nghiệp và những đóng góp của Võ Phó bảng Nguyễn Long với đất nước và Hà Nội sẽ được tổ chức thời gian tới sẽ làm rõ tinh thần quả cảm, chiến đấu anh hùng, giữ trọn tiết nghĩa, vì nước quên mình của Tổng đốc Hoàng Diệu, của Võ Phó bảng và quân dân Hà Nội./.

XUÂN KIÊN

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/vo-pho-bang-nguyen-long-pho-tuong-than-tin-cua-tong-doc-hoang-dieu-a23355.html