Thời gian qua, giá đất nền có sự tăng trưởng đột biến, đặc biệt là liên tiếp có những “cơn sóng” đất nền đấu giá. Trước đó, tại Hà Nội, huyện Hoài Đức tổ chức đấu giá 19 lô đất tại thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên. Trong đó, có lô đất được trả giá 133,3 triệu đồng/m2 - gấp hơn 18 lần so với giá khởi điểm. Lô đất này có diện tích 113m2 nên tổng giá trị lên tới 15 tỷ đồng. Còn tại huyện Thanh Oai, đã đấu giá 68 thửa đất tại thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, trong đó có lô đất được trả giá lên đến 100 triệu đồng/m2, gấp 8 lần so với giá khởi điểm.
Trước những diễn biến “nóng” của phân khúc đất nền đấu giá nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã có đạo nhằm chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phải cử đoàn kiểm tra đột xuất công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại 2 huyện Thanh Oai, Hoài Đức, để kiểm tra việc chấp hành các quy định về xác định giá khởi điểm, đánh giá sự phù hợp giá trúng đấu giá với giá đất thực tế trên thị trường; điều kiện trình tự, thủ tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, kiểm tra thực địa khu đất được đưa ra đấu giá và các nội dung khác có liên quan.
Các chuyên gia cho rằng, việc tăng giá trị tiền đặt cọc sẽ hạn chế được tình trạng đầu cơ, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản. (Ảnh minh họa) |
Có thể thấy, các vị trí khu đất nêu trên ở hai huyện nằm khá xa trung tâm Hà Nội, mặc dù hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa thực sự được tốt, nhưng khi tổ chức đấu giá, một “cơn sóng” đẩy giá đã diễn ra, khiến không ít người trong cuộc cũng phải “chóng mặt”. Và, nghi vấn có hay không hành vi “thổi giá”, đầu cơ, trục lợi xảy ra trong những phiên đấu giá này được đặt ra cũng là điều dễ hiểu.
Bởi trên thực tế, thời gian qua trong rất nhiều phiên đấu giá ở các địa phương trên cả nước, nhiều người tham gia với mục đích đầu cơ, sẵn sàng bỏ một số tiền ra đặt cọc để tham gia đấu giá và trúng với mức giá cao ngất ngưởng, sau đó sẵn sàng bỏ cọc nếu không bán sang tay được. Đây cũng là điều đáng lo ngại của các địa phương mỗi lần tổ chức đấu giá đất.
Theo quy định giá trị tiền đặt cọc tối đa là 20% giá khởi điểm. Các chuyên gia bất động sản cho rằng, việc này là hoàn toàn hợp lý vì mức đặt cọc cao sẽ hạn chế được những người bỏ cọc gây nhiễu, gây ảnh hưởng kết quả trong các phiên đấu giá nhằm trục lợi.
Tuy nhiên, trên thực tế, do việc xác định giá khởi điểm thấp, quá chênh với thực tế nên giá trị tiền cọc so với mức giá đất sau khi phiên đấu giá kết thúc chỉ ở mức 3-5%, thậm chí có trường hợp chỉ tương ứng với 1% điều này dẫn đến tình trạng bỏ cọc vì nhiều lý do, có thể do tính toán nhầm, có thể do câu kết đẩy giá… Nếu giá cọc từ 10-20% giá trị thực tế của những lô đất đã trúng thì sẽ không có tình trạng này. Đây được coi là giải pháp hiệu quả giữa bối cảnh đất nền có dấu hiệu “sốt ảo” như hiện nay.
Các chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, hiện tượng giá đất tăng cục bộ ở một số địa phương sẽ gây ảnh hưởng, mất đi ưu thế về thu hút vốn đầu tư của địa phương, phá vỡ quy hoạch sử dụng đất và làm ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần nâng cao hiệu quả công tác đấu giá quyền sử dụng đất.
Cùng với đó, bên cạnh công tác tuyên truyền, cơ quan quản lý cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra tổ chức, hoạt động của các tổ chức đấu giá tài sản, giám sát việc tuân thủ pháp luật, tuân theo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ đấu giá viên. Đồng thời, cần kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có của tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên và cá nhân, tổ chức có liên quan.
Ngọc Tiến
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/tinh-trang-sot-nong-dau-gia-dat-o-ha-noi-phai-ngan-chan-tinh-trang-dau-co-thoi-gia-the-nao-a23524.html