Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành y tế kiểm tra 232.702 cơ sở, phát hiện 15.046 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP), chiếm 6,46% cơ sở được kiểm tra, giảm so với cùng kỳ năm 2023.
"Bình quân số tiền phạt đối với 1 cơ sở trong 6 tháng đầu năm 2024 là 8,69 triệu đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (4,09 triệu đồng)", ông Đỗ Xuân Tuyên nói.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 70 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 2.942 người mắc và 12 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ tăng 4 vụ (6,1%), số người mắc tăng 1.986 người, số tử vong giảm 1 người.
Nguyên nhân là do đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm có số lượng lớn người mắc liên quan đến vi sinh vật (điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột).
Theo ông Đỗ Xuân Tuyên, công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai từ Trung ương đến địa phương, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Các chương trình giám sát ATTP được duy trì, mở rộng kiểm tra chuyên ngành sang thanh tra đột xuất đã giúp kịp thời phát hiện, cảnh báo, áp dụng các biện pháp khắc phục và xử lý nghiêm các vi phạm ATTP.
Đánh giá tình hình về ATTP thời gian qua, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM - địa phương đầu tiên của cả nước có Sở ATTP được hoạt động từ ngày 1/1/2024, cho biết, những tháng đầu năm, thành phố không xảy ra vụ việc nghiêm trọng về ATTP.
Tuy nhiên, Sở ATTP luôn đề cao cảnh giác trước nguy cơ mất ATTP vì dân số TPHCM rất lớn. Trong đó, nguy cơ lớn là tình trạng bùng phát các chợ tự phát, điểm bán hàng không phép, bàn hàng online. Bà Lan cũng nêu vướng mắc trong việc sử dụng bộ test nhanh ATTP, mong muốn Bộ Y tế hướng dẫn về các bộ test chuẩn.
Trong khi đó, đối với Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương, thành phố bảo đảm cung ứng 60% nhu cầu thực phẩm, còn lại là nhập từ các địa phương khác và từ nước ngoài. Do đó, việc kiểm tra xuất xứ nguồn gốc là vấn đề quan trọng. Dự kiến, thời gian tới, thành phố tập trung vào kiểm tra ATTP trong trường học, xung quanh trường học và dịp Tết Trung thu.
Ông cũng nêu thực trạng về việc khó kiểm tra sản phẩm kinh doanh qua mạng, "khi phát hiện sai phạm nhưng đến kiểm tra thì địa chỉ không đúng hoặc đóng cửa, trang web không hoạt động nữa".
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chế biến, Chất lượng và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết kiểm tra kênh thương mại điện tử còn khó khăn, "nhiều vật tư nông nghiệp được bán qua thương mại điện tử, kể cả sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành". Đây là thách thức đối với quản lý ATTP.
Theo đại diện Bộ NN&PTNT, Bộ đang tích cực triển khai chương trình OCOP, theo đó, đã công nhận 12.075 sản phẩm đạt chuẩn "OCOP 3 sao" trở lên, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (10.881 sản phẩm). Bộ đang hoàn thiện, trình Chính phủ Đề án "Phát triển hệ thống dịch vụ logistics nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030".
Theo đại diện Bộ Công an, thời gian qua, cơ quan Công an đã quyết liệt kiểm tra về ATTP. 6 tháng đầu năm, các đơn vị trong Công an nhân dân đã phát hiện, đấu tranh, xử lý 3.060 vụ (tăng 31 vụ so với cùng kỳ năm 2023) với 3.074 đối tượng vi phạm pháp luật về ATTP; khởi tố 6 vụ với 10 đối tượng (trong khi cùng kỳ năm 2023 chỉ khởi tố 1 vụ).
Các đại biểu phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Bà Nhữ Thị Như Nguyệt, Cục Phó V03 (Bộ Công an) nhấn mạnh tiếp tục kiểm tra, xử lý các vụ việc với tinh thần "làm 1 vụ cảnh tỉnh cả vùng".
Bà Nguyệt kiến nghị Chính phủ sớm kiện toàn mô hình quản lý ATTP theo hướng thống nhất đầu mối; xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về ATTP; ban hành danh mục đầy đủ các chất cấm sử dụng trong thực phẩm.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, có 2 yếu tố quan trọng đối với công tác bảo đảm ATTP là tuyên truyền và xử phạt nghiêm minh. Cần có mô hình tuyên truyền hiệu quả hơn, trong đó, chú ý nêu ra các định hướng cụ thể cho người dân, tuyên truyền về kỹ năng bảo đảm ATTP chứ không chỉ đưa thông tin về các vụ ngộ độc. Bộ trưởng đánh giá cao các đơn vị Công an đã khởi tố nhiều vụ án về ATTP, có tính răn đe.
Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành khẩn trương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về ATTP để kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành y tế.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, công tác bảo đảm vệ sinh ATTP được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, không chỉ đối với lĩnh vực liên quan đến Ban Chỉ đạo mà cả trong hoạt động thực thi của các bộ, ban, ngành, cơ quan.
Thời gian qua, các bộ, ngành, nhất là các bộ được giao nhiệm vụ trực tiếp về bảo đảm ATTP có nhiều cố gắng, đạt được kết quả tích cực. Phó Thủ tướng lấy ví dụ như TPHCM không để xảy ra các vụ ngộ độc nghiêm trọng hay Bộ NN&PTNT đã công bố thêm các sản phẩm OCOP.
Nhìn chung, chúng ta đã đi đúng hướng và các giải pháp đối với vấn đề này đã và đang phát huy tác dụng, Phó Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Nguy cơ mất ATTP vẫn hiện hữu. Trong đó, có những vấn đề nổi lên là ngộ độc thực phẩm với số lượng đông người mắc, số vi phạm phát hiện được và phải áp dụng các chế tài tăng… Theo Phó Thủ tướng, nhu cầu của xã hội ngày càng cao nhưng còn khoảng cách lớn giữa nguồn lực và khả năng đáp ứng của chúng ta đối với công tác này.
Về phương hướng thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ đã và đang được giao, các biện pháp trong Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Làm tốt nhiệm vụ trong khả năng, nguồn lực hiện có, làm sao sử dụng hiệu quả nhất, tập trung nhất.
Trước ý kiến của các bộ, địa phương về vấn đề tăng biên chế cho công tác này, Phó Thủ tướng cho rằng tăng thêm biên chế là rất khó khăn, cần nghĩ thêm giải pháp khác.
Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đề xuất hoàn thiện thể chế về ATTP, trong đó đề xuất sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và có đầu ra cụ thể, không nói chung chung. Giải pháp phải khả thi, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ Y tế nghiên cứu, xử lý đề xuất của TPHCM liên quan đến việc sử dụng bộ test nhanh ATTP.
Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương vận hành đúng công suất, thiết thực hệ thống cơ sở dữ liệu, tiếp tục đầu tư trong khả năng của mình để làm giàu cơ sở dữ liệu, kết nối với hệ thống của Bộ Y tế để vận hành một cách thông suốt.
Các cơ quan truyền thông, tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp tiếp tục vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân về tiêu dùng thông minh. Phó Thủ tướng nêu rõ, trong bảo đảm ATTP thì ý thức của người dân rất quan trọng; hình thành thói quen tiêu dùng thông minh, văn hóa tiêu dùng thì mới bền vững, chứ chỉ tăng lực lượng đi kiểm tra thì cũng chưa chắc hiệu quả.
Cần tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, khi phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm và truyền thông để cảnh tỉnh. TPHCM tiếp tục vận hành mô hình Sở ATTP, có đánh giá trong quá trình thực hiện thí điểm để đóng góp ý kiến cho Trung ương đề xuất mô hình, kiện toàn tổ chức, tăng cường nguồn lực.
Phó Thủ tướng đề nghị cuộc họp lần tới của Ban Chỉ đạo sẽ xem xét kết quả thực hiện các chỉ đạo đã nêu tại cuộc họp hôm nay và đánh giá xem các cơ quan đã triển khai công việc như thế nào.
Đức Tuân
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/xu-ly-nghiem-vi-pham-an-toan-thuc-pham-va-truyen-thong-de-canh-tinh-a23532.html