Đoàn nghị sĩ Thượng viện Nhật Bản kiểm tra, khảo sát dự án ODA tại Bệnh viện Bạch Mai. |
Đoàn nghị sĩ Thượng viện Nhật Bản gồm: ông Nakanishi Yusuke, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ tự do (trưởng đoàn); bà Ishigaki Noriko, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ lập hiến; ông Kubota Tetsuya Thượng nghị sĩ đảng Công minh.
Tham gia đoàn có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam và Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam
PGS,TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong gần 30 năm qua, Chính phủ Nhật Bản đã bốn lần viện trợ phát triển cho Bệnh viện Bạch Mai. Các dự đều phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng giúp Bệnh viện Bạch Mai thực hiện tốt công tác khám, điều trị bệnh cho người dân; là bệnh viện tuyến cuối, tuyến cao nhất tại các tỉnh, thành phố phía bắc.
Bốn dự án ODA đã triển khai đó là: Dự án nâng cấp Bệnh viện Bạch Mai (giai đoạn 1998-2000); Dự án tăng cường năng lực Bệnh viện Bạch Mai (giai đoạn 2000-2005); Dự án tăng cường năng lực đào tạo của Bệnh viện Bạch Mai cho các bệnh viện tuyến tỉnh (giai đoạn 2006-2009); Dự án tăng cường chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống khám, chữa bệnh y tế (giai đoạn 2010-2015).
Trong đó, Dự án nâng cấp Bệnh viện Bạch Mai với việc xây dựng tòa nhà hiện đại bậc nhất (thời điểm đó) với nhiều trang thiết bị y tế được gọi là tòa nhà Việt- Nhật. Sau 24 năm sử dụng, tòa nhà vẫn bảo đảm chất lượng sử dụng.
PGS,TS Đào Xuân Cơ báo cáo về hiệu quả các dự án ODA tại Bệnh viện Bạch Mai. |
Hợp tác về chuyên môn, khoa học kỹ thuật, đào tạo, nghiên cứu khoa học với phía Nhật Bản tại Bệnh viện Bạch Mai cũng rất hiệu quả, là dấu ấn trong lĩnh vực hợp tác y tế giữa Việt Nam-Nhật Bản. Hàng trăm lượt chuyên gia của Nhật Bản thuộc nhiều lĩnh vực được cử sang Bệnh viện Bạch Mai để đào tạo, chuyển giao kỹ thuật; 70 cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai được cử sang đào tạo tại Nhật Bản về công tác quản lý bệnh viện, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiên cứu khoa học… Từ các cán bộ được cử đi đào tạo tại Nhật Bản, nhiều người đang là những chuyên gia đầu ngành trong khám chữa bệnh và chuyển giao kỹ thuật cho các đồng nghiệp tại bệnh viện tuyến dưới.
Bệnh viện Bạch Mai là trung tâm đào tạo y tế lớn nhất Việt Nam góp phần nâng cao năng lực cho các bệnh viện tuyến tỉnh. Đồng thời cũng là cơ sở thực hành cho sinh viên đại học y, dược, học viên trong nước và quốc tế.
PGS,TS Đào Xuân Cơ khẳng định, nhờ cơ sở vật chất được nâng cấp, trang thiết bị hiện đại được hỗ trợ, cán bộ được đào tạo, năng lực của Bệnh viện Bạch Mai được cải thiện trên nhiều mặt. Từ đó, hàng chục triệu lượt người bệnh được hưởng lợi từ các dự án.
Bên cạnh các dự án ODA, những năm qua Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản cũng có nhiều hỗ trợ Bệnh viện Bạch Mai thông qua các hoạt động đào tạo, cung cấp trang thiết bị y tế, cũng như nghiên cứu khoa học...
Trao đổi với đoàn các Thượng nghị sĩ, PGS,TS Đào Xuân Cơ chia sẻ, ứng phó với thảm họa y tế, rất cần mô hình cấp cứu đa năng, trong khi đó, Bạch Mai là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, tuyến cuối, tiếp nhận điều trị người bệnh nặng nên rất cần xây dựng trung tâm cấp cứu đa năng. Do vậy, Bệnh viện Bạch Mai mong muốn Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ xây dựng một Trung tâm cấp cứu đa năng mang tầm khu vực và quốc tế, có đủ năng lực thực hiện cấp cứu mọi người bệnh khi được chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai, phối hợp chặt chẽ với các Bệnh viện của Hà Nội và các tỉnh thành, bảo đảm cấp cứu kịp thời trong thời gian nhanh nhất.
Trung tâm Cấp cứu mới có quy mô năng lực cấp cứu 600 đến 800 lượt cấp cứu/ngày và là trung tâm của hệ thống cấp cứu ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía bắc.
Đoàn nghị sĩ Thượng viện Nhật bản khảo sát hiệu quả trang thiết bị y tế trong các dự án ODA. |
TS,BS Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Trong lịch sử phát triển của Bệnh viện Bạch Mai, cấp cứu luôn là một mũi nhọn. Trung tâm Cấp cứu A9 đóng vai trò trung tâm của mạng lưới cấp cứu của các tỉnh khu vực phía bắc; đồng thời giữ vai trò kết nối giữa hệ thống các bệnh viện (kể cả tư nhân); kết nối cả cấp cứu nội viện và cấp cứu ngoại viện.
Đáng chú ý, đến nay Trung tâm cấp cứu A9 đã thành lập các nhóm bác sĩ của toàn miền bắc trên các nền tảng mạng xã hội. Hiện đã có khoảng 5.000 bác sĩ (gồm gần như tất cả các bác sĩ làm công tác cấp cứu tại các cơ sở y tế) tham gia. Qua các nhóm bác sĩ đó có thể rút kinh nghiệm chuyên môn hay điều phối ưu tiên các ca cứu.
TS,BS Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, trong tương lai, hệ thống cấp cứu sẽ phát triển theo hướng chuyên sâu như các nước phát triển, bao gồm các cấp cứu đáp ứng thảm họa như cháy nổ, tai nạn thương tích, thảm họa tự nhiên… và đa chuyên khoa. Nghĩa là người bệnh không thể tách ra chuyên khoa nào cả. Khi người bệnh vào cấp cứu sẽ được xử lý trong thời gian nhanh nhất, không phải di chuyển nhiều nơi để thực hiện chiếu, chụp, xét nghiệm… kể cả phải phẫu thuật.
Với vai trò như vậy, trung tâm cấp cứu đa năng nói chung và tại Bạch Mai nói riêng là nhu cầu bức thiết. Nếu trung tâm cấp cứu mới được Chính phủ Nhật Bản tài trợ xây dựng sẽ có đầy đủ các chuyên khoa để có thể kết nối, xử lý ngay các ca cấp cứu.
Trung tâm có đầy đủ nhân lực, trang thiết bị như: hệ thống phòng mổ, chụp chiếu can thiệp mạch máu não, can thiệp tim mạch, can thiệp đột quỵ… quy mô lớn nhất Đông Nam Á có khả năng tiếp nhận cấp cứu 600 đến 800 ca/ngày. Người bệnh vào cấp cứu không phải di chuyển nhiều, giúp tận dụng được tối đa thời gian vàng trong cấp cứu.
Sau cấp cứu người bệnh mới chuyển về các khoa chuyên khoa sâu để tiếp tục điều trị. Đây cũng sẽ là mô hình chuẩn để cho các bệnh viện khác trong toàn quốc học tập xây dựng theo nhưng khác nhau về quy mô.
MINH HOÀNG
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/cac-du-an-oda-cua-chinh-phu-nhat-ban-ho-tro-benh-vien-bach-mai-phat-huy-hieu-qua-a23596.html