Giờ ăn trưa của học sinh Trường tiểu học Chất lượng cao Tràng An, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. |
Theo nguyên Phó Viện trưởng Dinh dưỡng quốc gia PGS, TS Lê Bạch Mai, với sự nỗ lực của ngành giáo dục, ngành y tế, nhiều chương trình, đề án về dinh dưỡng cho trẻ em đã được triển khai hiệu quả. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ học đường đã giảm đáng kể, bữa ăn được chú trọng hơn về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, bên cạnh tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng đang tiếp tục giảm theo các năm thì tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì đang trên xu hướng tăng nhanh. Vì vậy, cần cung cấp chế độ dinh dưỡng đủ về số lượng, cân đối về chất lượng và đa dạng, phù hợp với độ tuổi sẽ giúp học sinh phát triển một cách tối ưu cả về thể lực và năng lực học tập.
Việc tổ chức bữa ăn học đường cho học sinh là một nhiệm vụ thiết thực và có ý nghĩa trong công tác giáo dục. Đây là một trong những chương trình quan trọng nhằm bảo đảm sức khỏe và phát triển toàn diện của trẻ em. Bữa ăn học đường không chỉ cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể mà còn là cơ hội để giáo dục học sinh về văn hóa ẩm thực, thói quen ăn uống lành mạnh. Thực tế những năm qua nhiều trường học đã thực hiện tốt tổ chức bữa ăn học đường. Tại Trường tiểu học chất lượng cao Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) luôn giám sát nguồn gốc thực phẩm đầu vào cũng như quy trình chế biến món ăn thường xuyên, hằng tuần trên tinh thần khách quan, trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm. Cô giáo Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Để bảo đảm đủ dinh dưỡng cho học sinh với những bữa ăn ngon, hợp khẩu vị, nhà trường đã xây dựng thực đơn theo tuần, theo tháng và theo mùa nhờ sự cố vấn của chuyên gia dinh dưỡng với cân định lượng theo quy định và được công khai trên trang web của nhà trường để tất cả các bậc cha mẹ học sinh được biết. Các bữa ăn luôn đa dạng và thay đổi theo mùa, bảo đảm đủ lượng, đủ chất dinh dưỡng, thức ăn luôn nóng sốt, phù hợp với khẩu vị của học sinh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, việc triển khai bữa ăn học đường bảo đảm đủ dinh dưỡng kết hợp với hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh vẫn còn gặp nhiều khó khăn do hạn chế về nhân lực, kinh phí. Việc giáo dục dinh dưỡng cho học sinh chưa được tiến hành lồng ghép hợp lý vào các môn học cũng như các mặt hoạt động khác của nhà trường. Khâu kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng bữa ăn học đường còn chưa được thực hiện thường xuyên. Mặt khác, công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong thực hiện chế độ ăn khoa học, hợp lý, bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ ở một số cơ sở giáo dục chưa thật sự hiệu quả… Thành viên Tiểu ban Giáo dục thể chất thuộc Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực Đàm Quốc Chính cho biết: Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay, nếu vấn đề về thể chất của con người không đúng với các tiêu chuẩn thì khó có thể đáp ứng trước đòi hỏi về nguồn nhân lực trong tương lai. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác truyền thông vấn đề này đến các tầng lớp trong xã hội bởi khi xã hội có những nhận thức, thay đổi tích cực thì mục tiêu về dinh dưỡng hợp lý ở trẻ em, học sinh mới đạt được hiệu quả.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018-2025”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án. Các Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện và hướng dẫn triển khai lồng ghép phù hợp, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả. Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Y tế các bộ, ngành liên quan để ban hành nhiều tài liệu chuyên môn hướng dẫn về dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực rèn luyện sức khỏe cho học sinh, sinh viên.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi cho biết: Để công tác bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho trẻ em, học sinh, sinh viên được thực hiện bài bản, có hiệu quả, các địa phương cần đánh giá đúng thực trạng trên địa bàn để triển khai các hoạt động. Việc đánh giá thực trạng phải được thông qua các số liệu cụ thể, khoa học và bám sát thực tiễn để từ đó, các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, đề xuất các tiêu chí, quy chuẩn, mục tiêu cụ thể. Ngoài ra, việc thay đổi nhận thức, tư duy về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho trẻ em, học sinh, sinh viên không chỉ dừng lại ở giáo dục trong nhà trường mà cần có sự phối, kết hợp chặt chẽ cùng gia đình và xã hội. Về công tác truyền thông, tuyên truyền, tùy vào điều kiện của mỗi địa phương để xây dựng các phương án truyền thông cụ thể, hiệu quả như xây dựng tài liệu truyền thông, thông tin, tổ chức hoạt động ngoại khóa, hội thảo, tập huấn…■
BÀI VÀ ẢNH: QUỲNH NGUYỄN
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/cham-lo-bao-dam-suc-khoe-toan-dien-cho-hoc-sinh-a23599.html