Ảnh minh họa. |
Trên tinh thần lắng nghe, cầu thị, ban lãnh đạo bệnh viện đã tổ chức các cuộc họp với trưởng các khoa, phòng và họp riêng với từng khối Nội, Ngoại, Xạ để xác minh thông tin phản ánh; đồng thời phổ biến, rà soát các quy định đã ban hành về công tác chuyên môn, tinh thần thái độ, giao tiếp với người bệnh và người nhà người bệnh. Quan điểm của Bộ Y tế cũng như Bệnh viện K trong vụ việc này là làm rõ, công khai và xử lý nghiêm “không có vùng cấm” nếu phát hiện tiêu cực.
Những năm qua, hoạt động nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh được toàn ngành y tế và từng bệnh viện triển khai tích cực, qua đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có sự thay đổi rất lớn. Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh phục hồi đáng kể so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19; nhiều kỹ thuật y học tiên tiến được các bệnh viện ứng dụng, triển khai; bác sĩ Việt Nam thực hiện được những kỹ thuật ngang tầm các nước tiên tiến trên thế giới… Tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh có sự thay đổi đáng kể.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành y tế còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là sự gia tăng số người đến khám, chữa bệnh lại tập trung ở các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến cuối dẫn đến tình trạng quá tải, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ và dễ nảy sinh tiêu cực, đòi hỏi toàn ngành và từng bệnh viện bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần chú trọng hơn nữa tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh.
Cải thiện chất lượng bệnh viện được xác định là nhiệm vụ “sống còn” của ngành y tế; “lấy người bệnh làm trung tâm” là mục tiêu xuyên suốt của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Đến nay các quy định, hướng dẫn đã cơ bản đầy đủ, do vậy, với mỗi bệnh viện, việc “lấy người bệnh làm trung tâm” cần được thực hiện thường xuyên, bằng những hoạt động cụ thể.
Các bệnh viện cần tiếp tục quán triệt Quy tắc ứng xử, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, quy định chuyên môn của nhân viên y tế; tăng cường tổ chức tập huấn các kỹ năng giao tiếp, ứng xử và chuyên môn, nghiệp vụ; luôn lắng nghe, cầu thị trong chăm sóc, điều trị người bệnh. Mặt khác, thường xuyên rà soát và chấn chỉnh hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; định kỳ lấy ý kiến người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế… để kịp thời khắc phục hạn chế, bất cập trong quy trình khám, chữa bệnh cũng như giao tiếp, ứng xử.
Các bệnh viện cần xác định công tác quản lý chất lượng bệnh viện là nền tảng. Trên cơ sở đó rà soát, xây dựng kế hoạch và kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác quản lý chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; bám sát các tiêu chí Bộ Tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam; triển khai thực hiện đo lường sự hài lòng của người dân và các hướng dẫn, quy định khác của Bộ Y tế để cải tiến, nâng cao chất lượng nhằm cung ứng dịch vụ y tế an toàn, chất lượng, hiệu quả, đem lại sự hài lòng cho người bệnh, người dân và nhân viên y tế.
Các cơ sở y tế cũng cần rà soát, giảm các thủ tục hành chính gây phiền hà cho người bệnh; thực hiện nghiêm việc công khai số điện thoại đường dây nóng của bệnh viện, của Bộ Y tế và những thông tin cần thiết phải công khai theo quy định; niêm yết tại nơi người bệnh, người nhà người bệnh dễ thấy, dễ tiếp cận để kịp thời nắm bắt các ý kiến phản hồi, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người bệnh; luôn lắng nghe, tiếp nhận thông tin phản ánh từ cơ quan thông tin báo chí để điều chỉnh những bất hợp lý cũng như xử lý những cá nhân có sai phạm.
Về phía người bệnh, cần nâng cao ý thức khi tham gia vào quy trình khám bệnh bằng việc tuân thủ quy định của ngành y tế, của cơ sở y tế, tránh “chen ngang” để không xảy ra tiêu cực cũng như mất trật tự trong khuôn viên bệnh viện; phản ánh kịp thời cho lãnh đạo bệnh viện, bộ phận chức năng về những việc làm sai, những hành vi vòi vĩnh, gây phiền hà của nhân viên y tế trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh.
MINH HOÀNG
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/de-nguoi-benh-that-su-la-trung-tam-a23679.html