Sau 1 tháng, robot Thần tốc đã đào được 150m metro Nhổn - ga Hà Nội

Tròn 1 tháng thi công, robot TBM 1 mang tên Thần tốc đã đào được 150m đoạn ngầm metro Nhổn - ga Hà Nội. Hiện, toàn bộ thân máy dài hơn 100m đã nằm trong hầm sâu gần 18m dưới lòng phố Kim Mã.

Tròn 1 tháng thi công, robot TBM 1 mang tên Thần tốc đã đào được 150m đoạn ngầm metro Nhổn - ga Hà Nội. Hiện, toàn bộ thân máy dài hơn 100m đã nằm trong hầm sâu gần 18m dưới lòng phố Kim Mã.
Tròn 1 tháng thi công, robot TBM 1 mang tên Thần tốc đã đào được 150m đoạn ngầm metro Nhổn - ga Hà Nội. Hiện, toàn bộ thân máy dài hơn 100m đã nằm trong hầm sâu gần 18m dưới lòng phố Kim Mã.

Ngày 30/8, ông Vũ Thế Mạnh, kỹ sư phụ trách thi công hầm thuộc liên danh nhà thầu Hyundai - Ghella cho biết, sau đúng 1 tháng vận hành, robot đào ngầm Tunnel Boring Machine (TBM) đã đào được 150m tính từ tường vây của nhà ga.

Quá trình khoan hầm diễn ra liên tục 24 giờ mỗi ngày; một ca bao gồm 17 kỹ sư (cả Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài) cùng công nhân vận hành máy.

"Đây là lần đầu các kỹ sư, công nhân được tiếp cận với phương pháp đào ngầm TBM. Trải qua tròn 1 tháng, tất cả đã quen với công việc", ông Mạnh thông tin thêm.

Sau 1 tháng, robot Thần tốc đã đào được 150m metro Nhổn - ga Hà Nội ảnh 1

Quá trình khoan hầm diễn ra liên tục 24 giờ mỗi ngày; một ca bao gồm 17 kỹ sư (cả Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài) cùng công nhân vận hành máy.

Robot TBM hoạt động trên nguyên lý cân bằng áp lực đất. Phía sau khiên đào được bố trí một vách ngăn kín. Đất từ khiên đào sẽ rơi vào khoang kín và tạo ra sự cân bằng áp lực giữa đất đào và đất chưa đào, làm cho gương đào ổn định và không sạt lở. Áp lực của đất trong khoang cân bằng được theo dõi bởi các thiết bị đặc biệt đặt trực tiếp trong thân máy.

Dưới đáy hầm, đơn vị thi công đã chuẩn bị sẵn hệ thống ray trượt, có vai trò đỡ máy khoan TBM và trượt ngang từ vị trí lắp đặt vào vị trí khoan, hỗ trợ việc di chuyển TBM trong đường hầm.

Về quy trình, mỗi khi đào được 1,5m, TBM sẽ dừng lại để lắp vỏ hầm. Lúc này, cánh tay robot hiện đại sẽ tiến hành lắp ráp. Mất khoảng 30-35 phút cho một đốt hầm gồm 6 miếng. Trong khi đó, phế thải trong quá trình đào sẽ được vận chuyển theo hệ thống riêng, trước khi dồn vào các toa xe chuyên dụng đưa ra khỏi công trường.

Sau 1 tháng, robot Thần tốc đã đào được 150m metro Nhổn - ga Hà Nội ảnh 2

Về quy trình, mỗi khi đào được 1,5m, TBM sẽ dừng lại để lắp vỏ hầm. Lúc này, cánh tay robot hiện đại sẽ tiến hành lắp ráp.

Theo kế hoạch, sau khi máy TBM1 đào được 240m, máy TBM2 mang tên "Táo bạo" sẽ bắt đầu hoạt động.

"Quá trình vận hành máy không gặp sự cố. Hoàn thành khởi chạy 240m đầu tiên, máy khoan hầm đang dần tăng tốc đến tốc độ tiêu chuẩn khoảng 10m/ngày để tiếp cận những điểm ga tiếp theo", ông Mạnh thông tin thêm.

Sau 1 tháng, robot Thần tốc đã đào được 150m metro Nhổn - ga Hà Nội ảnh 3

Bên trái là robot TBM2 dự kiến sẽ bắt đầu đào hầm vào trung tuần tháng 9. Bên phải là khu vực hầm đang được TBM1 đào, hiện đã đạt độ dài 150m.

Hai robot đào hầm TBM1 và TBM2 được thiết kế riêng cho địa chất Hà Nội, theo dọc tuyến có độ sâu từ khoảng 10m đến 28m. Vị trí sâu nhất là vị trí thoát hiểm tại ngã ba Núi Trúc. Theo kế hoạch, 2 máy đào sẽ mất khoảng 16 tháng để hoàn thành toàn bộ 4km hầm ngầm.

Metro Nhổn - ga Hà Nội là một trong những công trình trọng điểm quốc gia. Công trình đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm với tổng chiều dài là 12,5km, trong đó đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4km, depot đặt tại Nhổn.

 

TIN: QUỐC TOẢN - SƠN BÁCH

ẢNH: THÀNH ĐẠT

 

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/sau-1-thang-robot-than-toc-da-dao-duoc-150m-metro-nhon-ga-ha-noi-a23743.html