Xuất khẩu dệt may đang có nhiều thuận lợi. |
Trong quý 3 và quý 4/2024, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) dự kiến sẽ xuất khẩu những đơn hàng đầu tiên đối với sản phẩm vải và trang phục chống cháy sang Indonesia, Ấn Độ, Trung Đông, Mỹ.
Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, đó là sản phẩm có thể có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, nhưng sẽ phụ thuộc nhiều vào chính sách của mỗi quốc gia, sản phẩm đặc thù không hoàn toàn như sản phẩm mà chúng ta đã làm trong những năm qua.
Ông Trường cho biết đây là mặt hàng có yêu cầu kỹ thuật cao, mang tính pháp lý, bản quyền, không phải mặt hàng thời trang thông thường, thông qua hợp tác giữa Vinatex với Tập đoàn Coast (Vương Quốc Anh) với mục tiêu doanh thu 2-2,5 triệu USD và trong 5 năm đầu tiên định hướng mỗi năm có thể tăng trưởng gấp đôi.
Theo các chuyên gia, sản phẩm ngách như quần áo và vải chống cháy, nếu so với các mặt hàng thông thường khác thì dư địa phát triển rõ ràng hơn, ít cạnh tranh hơn trên thị trường. Cho nên việc doanh nghiệp dệt may nội địa đón đầu thị trường ngách với sản phẩm chống cháy như vậy là rất đáng khích lệ, mở ra cánh cửa đầy hứa hẹn trước tiềm năng rộng mở về thị trường. Điều quan trọng là phía doanh nghiệp cần tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị và nhân lực, cũng như tiến tới làm chủ công nghệ, quy trình sản xuất.
Với vai trò là tập đoàn chủ lực trong ngành dệt may, thời gian qua, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã nỗ lực đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu dệt may theo hướng nỗ lực tìm các thị trường mới, sản xuất các mặt hàng mới để phục vụ nhu cầu trong và ngoài nước.
Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp ngành may đã có đủ đơn hàng sản xuất tới hết quý IV/2024 - mùa cao điểm cho các đơn hàng dịp Noel và Tết. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm 2024 tăng từ 8-10% so với năm 2023.
Có được những tín hiệu khả quan như vậy, bên cạnh sự hồi phục của kinh tế thế giới, tiêu dùng tăng trưởng trở lại còn nhờ sự nỗ lực tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu mới như châu Phi, Ấn Độ,... Việc chủ động tìm kiếm khách hàng mới, đặc biệt ở các thị trường ngách, được xem là chìa khóa giúp các doanh nghiệp dệt may giữ được sự ổn định trong giai đoạn hiện nay.
Còn tại Tổng Công ty May 10 sau khi thử nghiệm hướng chọn các đơn hàng phức tạp, số lượng nhỏ, năm nay họ tiếp tục duy trì các đơn yêu cầu kỹ thuật khó và linh hoạt thời gian nhận đơn. Việc chọn lựa các đơn hàng khó giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm các đơn hàng, bạn hàng tại các thị trường thế giới.
Về các thị trường mới, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) chia sẻ, từ sau dịch Covid-19, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang Nga tăng trưởng rất cao. Các sản phẩm may mặc của Việt Nam có chất lượng cao, mẫu mã phù hợp với thị hiếu và xu hướng thời trang tại thị trường Nga. Đây là thời điểm hết sức thuận lợi để doanh nghiệp dệt may Việt Nam tăng cường hợp tác với Liên bang Nga trong lĩnh vực này…
Thông tin từ Bộ Công thương, dự báo xuất khẩu mặt hàng dệt may của cả nước sẽ hồi phục tốt hơn trong những tháng tới. Nguyên nhân là do, theo thời vụ, các tháng trong quý III là thời điểm xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam đạt cao nhất trong năm. Đồng thời, hầu hết doanh nghiệp ngành may mặc đã có đủ đơn hàng sản xuất tới hết quý III/2024 và tiếp tục đàm phán ký kết đến hết quý IV/2024 - mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp Giáng sinh và Tết.
Doanh nghiệp đang nỗ lực tìm các thị trường mới. |
Song song với đó, theo khảo sát mới đây của Hiệp hội Thời trang Hoa Kỳ (USFIA) về lợi thế cạnh tranh giữa các quốc gia xuất khẩu hàng dệt may vào Hoa Kỳ cho thấy, Việt Nam có tổng điểm số cao hơn Trung Quốc và Bangladesh khi các doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển đổi nhà cung cấp khỏi Trung Quốc. Vì vậy, trong dài hạn, thị phần của ngành dệt may Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng tại thị trường này.
Bộ Công thương cho hay, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang có lợi thế hơn nhờ vị trí địa lý, hệ thống cảng lớn, khả năng sản xuất đa dạng các sản phẩm giá trị cao như áo vest, áo khoác mùa đông, đồ bơi… với mẫu mã phong phú, giao hàng nhanh. Tuy nhiên, trong dài hạn, nếu các nước bắt kịp khả năng sản xuất thì ngành dệt may Việt Nam sẽ đối mặt nhiều thách thức.
Song song với đó, dệt may và da giày là hai ngành có “độ mở” lớn khi xuất khẩu tới 70-80% sản lượng sản xuất, do đó phụ thuộc nhiều, đồng thời dễ bị tổn thương trước biến động của thị trường thế giới. Theo đó, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh “bỏ hết trứng vào một giỏ” là định hướng đúng đắn và được Bộ Công thương triển khai thực hiện từ nhiều năm nay.
Cụ thể, thông qua hoạt động giao ban xúc tiến thương mại hàng tháng, Bộ đã chỉ đạo, phối hợp cùng các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ doanh nghiệp trong việc khai thác và tìm kiếm khách hàng, đặc biệt là các thị trường đã ký kết hiệp định thương mại tự do.
Bảo vệ môi trường là một vấn đề mà doanh nghiệp ngành dệt may cũng phải chú trọng. Các doanh nghiệp cần quan tâm đến việc lựa chọn các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, có khả năng tái chế phù hợp với xu hướng kinh tế tuần hoàn. Bởi doanh nghiệp ngành này đang phải đối diện với hàng loạt khó khăn từ áp dụng cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong việc quản lý chất thải, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức và đặc biệt là chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”.
Trong đó, vấn đề xanh hoá và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản,… yêu cầu ở các nhà cung cấp bên cạnh các yếu tố về chất lượng, giá cả và thời gian giao hàng.
Dù vẫn còn nhiều tồn tại và thách thức, nhưng với nhiều tín hiệu tích cực cho giai đoạn cuối năm, ngành dệt may Việt Nam kỳ vọng sẽ hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2024.
HÀ ANH
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/doanh-nghiep-det-may-tim-manh-dat-moi-cho-san-pham-a23768.html