* Lục quân Litva sẽ được trang bị súng tiểu liên MP7 A2
Bộ Quốc phòng Litva cho biết lực lượng vũ trang nước này sẽ sớm được trang bị súng tiểu liên MP7 A2 do nhà sản xuất Heckler & Koch của Đức cung cấp. Chi tiết số lượng không được tiết lộ.
Súng tiểu liên MP7 A2 có thiết kế nhỏ gọn, nhẹ. Súng dài khoảng 638mm khi mở báng và dài 415mm khi báng gập. Súng có trọng lượng khoảng 2,1kg khi không có đạn.
Súng tiểu liên MP7 A2 nhỏ gọn, có khả năng xuyên giáp và bắn tự động. Ảnh: HK/Oliver Louven |
MP7 A2 hoạt động bằng hệ thống bu lông xoay trích khí, đảm bảo cho súng bắn ổn định, giảm nguy cơ kẹt đạn, đảm bảo hiệu suất ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt. MP7 A2 sử dụng đạn xuyên giáp cỡ 4,6×30mm. Đáng chú ý, súng tiểu liên MP7 A2 có tốc độ bắn liên thanh cực nhanh: Khoảng 950 phát/phút, bảo đảm các phát bắn ổn định.
Súng tiểu liên MP7 A2 có nhiều điểm gắn các phụ kiện như bộ giảm thanh, thiết bị quang học và đèn chiến thuật, cho phép người sử dụng tùy chỉnh vũ khí để đáp ứng nhu cầu cụ thể của các nhiệm vụ như chống khủng bố hay giải cứu con tin.
Theo Military.com, đặc tính nhỏ gọn, khả năng xuyên giáp và tính năng bắn tự động khiến MP7 A2 trở thành vũ khí không thể thiếu trong cận chiến và các chiến dịch đặc biệt. Thiết kế của súng tiểu liên cho phép nó được sử dụng hiệu quả bằng một tay, tăng cường tính linh hoạt của súng.
Các đơn vị tác chiến đặc biệt tinh nhuệ, như SEAL Team 6 và SAS, đánh giá cao hiệu suất, các tùy chọn tùy chỉnh, khả năng xuyên giáp và tốc độ bắn của súng tiểu liên MP7 A2.
* Ba Lan giới thiệu xe chiến đấu bộ binh lội nước Borsuk
Tại Triển lãm Công nghiệp quốc phòng quốc tế lần thứ 32 (MSPO 2024) tổ chức tại Ba Lan từ ngày 3 đến 6-9, Huta Stalowa Wola, một thành viên của Polska Grupa Zbrojeniowa (PGZ SA), đã giới thiệu xe chiến đấu bộ binh lội nước Borsuk, được thiết kế để thay thế các xe chiến đấu bộ binh BWP-1 đã phục vụ trong Lực lượng vũ trang Ba Lan từ năm 1973.
Xe chiến đấu bộ binh lội nước Borsuk đang được trưng bày tại MSPO 2024. Ảnh: Army Recognition/MSPO 2024 |
Xe chiến đấu bộ binh lội nước Borsuk dài khoảng 7,6m, rộng 3,4m, nặng khoảng 25 tấn. Xe được trang bị động cơ MTU 8V199 TE20 công suất 720 mã lực, cho phép xe đạt tốc độ 65km/giờ trên đường bằng và 8km/giờ dưới nước. Xe có thể được trang bị xích thép hoặc xích đàn hồi. Ngoài kíp lái 3 người gồm 1 chỉ huy, 1 lái xe và 1 pháo thủ, xe có thể chở thêm tối đa 6 binh sĩ.
Khung gầm của xe có hệ thống truyền động bằng bộ nguồn, khả năng chống vũ khí nhỏ và mìn, hệ thống lọc độc, chống vũ khí sinh học, phóng xạ và hạt nhân, hệ thống chữa cháy và dập lửa, hệ thống quan sát đa hướng.
Xe được trang bị hệ thống tháp pháo điều khiển từ xa ZSSW-30, được thiết kế để tấn công nhiều loại mục tiêu, bao gồm mục tiêu bọc thép hạng nhẹ và hạng nặng, cơ sở hạ tầng của đối phương. Tháp pháo gồm một pháo tự động 30mm, hệ thống nạp đạn kép, một súng máy đồng trục 7,62mm, 8 ống phóng lựu đạn khói và một ống phóng kép cho tên lửa chống tăng có điều khiển SPIKE.
Cũng được giới thiệu tại MSPO 2024 là biến thể RAK M120G của Borsuk, được trang bị hệ thống tháp pháo cối tự hành 120mm.
Bloomberg dẫn lời các quan chức châu Âu cho biết có thể Moscow sẽ tiếp nhận tên lửa đạn đạo từ Tehran.
Chi tiết về chủng loại, số lượng hoặc thời gian giao tên lửa vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, theo nguồn tin, việc giao hàng có thể bắt đầu trong những ngày tới.
Tên lửa Zolfaghar được trang bị đầu đạn nặng 579kg, tầm bắn 700km, có thể đạt tốc độ Mach 5 thuộc top ứng viên được chuyển giao. Ảnh: en.iswnews.com |
Trong khi chờ kiểm chứng thông tin, hãy cùng khám phá kho vũ khí của Tehran. Theo Bulgarian Military, một số tên lửa đạn đạo tiềm năng có thể bàn giao gồm: (1) Fateh-110/313: Tên lửa đạn đạo tầm ngắn nhiên liệu rắn, cơ động đường bộ có tầm bắn 300-500km. Dòng tên lửa này nổi tiếng về độ chính xác. Phiên bản nâng cấp của Fateh-110 là Zolfaghar có tầm bắn khoảng 700km. Ngoài ra còn có tên lửa đạn đạo tầm ngắn nhiên liệu lỏng Qiam-1 với tầm bắn khoảng 800km; (2) tên lửa Shahab-3 có tầm bắn 1.300-2.000km. Đây là tên lửa nhiên liệu lỏng, nền tảng của lực lượng tên lửa chiến lược của Iran. Emad, bản nâng cấp của Shahab-3, có độ chính xác cao hơn với tầm bắn ước tính khoảng 1.700km. Một biến thể khác của Shahab-3 là Ghadr-110 có tầm bắn 1.800-2.000km, với khả năng cơ động và độ chính xác cao; (3) tên lửa nhiên liệu rắn, hai tầng Sejjil có tầm bắn khoảng 2.000 đến 2.500km. Đây là một trong những tên lửa đạn đạo tiên tiến nhất của Iran, có khả năng sống sót vượt trội và khả năng phóng nhanh hơn so với các loại tên lửa nhiên liệu lỏng.
Theo phân tích, tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fateh-110/313 và Zolfaghar là ứng cử viên hàng đầu cho việc chuyển giao, nhờ thiết kế nhiên liệu rắn cho phép triển khai nhanh chóng và khả năng cơ động cao hơn. Tầm bắn ngắn hơn khiến chúng đặc biệt phù hợp để sử dụng trong các cuộc xung đột tương tự như cuộc xung đột ở Ukraine.
Mặc dù sử dụng nhiên liệu lỏng, Qiam-1 có thể là một lựa chọn thú vị vì tầm bắn xa hơn so với dòng Fateh. Thiết kế dựa trên tên lửa Scud của nó cũng giúp nó dễ dàng lắp vào các hệ thống tên lửa hiện có của Nga.
Nga cũng có thể sẽ xem xét tên lửa đạn đạo tầm trung Shahab-3/Emad/Ghadr-110 nếu xét về khả năng tầm xa hơn. Tuy nhiên, bản chất nhiên liệu lỏng và kích thước lớn hơn của chúng có thể khiến chúng kém hấp dẫn hơn khi cần triển khai nhanh. Do tính chất chiến lược nên Sejil ít có khả năng được chuyển giao.
MAI HƯƠNG (tổng hợp)
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/quan-su-the-gioi-hom-nay-4-9-nga-tim-kiem-nguon-ten-lua-dan-dao-tu-iran-a23782.html