Các triển lãm tranh và tượng của ông đã truyền tới thông điệp về nỗi khắc khoải đau đáu của người nghệ sỹ uyên bác với lịch sử , với cội nguồn và cái tâm linh quằn quại không ngưng nghỉ của cõi người.
Chưa dừng lại , dù đã quá chiều kích thước của tác phẩm và tư duy cùng những trăn trở lớn lao, lần này Ngô Xuân Bính lại tiếp tục cho ra một triển lãm Gốm "khủng" với lối tìm tòi thể hiện mới trên chất liệu đất truyền thống của người Việt tự cổ tới giờ.
Những bức tượng Gốm, đất nung khổ lớn được ông sáng tác với bút pháp hiện thực mà mang đầy yếu tố gợi nhớ tâm linh.
Bằng vô số chấm nhỏ trên bề mặt các bức tượng có chủ ý từng mảng diện, tác giả đã tạo nên sự chuyển động tinh tế của tác phẩm bằng thị giác gợi nét sống động, tăng thêm sự gần gũi đanh mà xốp của chất gốm một cách thật hiệu quả .
Tạo hình vững chãi bề thế trên cơ sở những họa tiết cổ gợi nên những âm vang của đền đài cung điện lớn lao như từ miền cổ tích của Ăng Kor, của Ấn Độ, của đình chùa truyền thống Việt nam....
Thực sự với những tác phẩm Gốm lần này của ông, tôi đã thấy được, đã định hình được trong tôi và có thể chắc chắn sẽ định hình trong người yêu nghệ thuật một phong cách tạo hình đầy sức khám phá, đầy tiềm ẩn những giá trị liên thông từ cổ đại đến đương đại.
Cách sáng tác của ông, một nhà nghiên cứu lý luận lịch sử mỹ thuật, một nghệ sỹ mang đầy suy tư trăn trở và đầy tham vọng về một tình yêu vô bờ bến với những giá trị nhân văn cốt lõi.
Tượng gốm của ông, mỗi hình hài, đường nét dường như được bồi đắp tái tạo bằng sự cấu véo, vật vã từ chính tâm khảm, từ chính nhiệt huyết và nỗi khát khao thể hiện một nội tâm sôi sục và chúng tự mình mang, phát ra hào quang của huyền sử. Từ cuộc vật mình hồi sinh đó cái bóng ẩn hiện lúc tỏ lúc mờ của quá khứ dẫn dắt tâm trí cảm xúc người xem về những giá trị tâm linh đã và đang bị biến mất, bị phá hoại trong thế kỷ xô bồ hiện đại tạp nham ngày càng biến con người trở thành những kẻ nô lệ cho máy móc do chính mình tạo nên bởi sự khát khao thực dụng đến vô hồn, vô thần.
Những nhóm người quằn quại nhào lộn ngơ ngác trong kiếp nhân sinh cuộn vào nhau, đóng tảng vào nhau như trong cuộc đánh mất mình bầy đàn được diễn tả bằng chất gốm của đất mẹ mang nỗi đau nhân thế thoát thai từ cái tâm của nghệ sỹ mang tình yêu thương xót xa đến nao lòng.
Những linh vật Gốm của ông tựa những vị thần từ trong cổ tích , mỗi linh vật sừng sững chiều thế như một ngôi đền, gánh trên mình truyền thuyết mang đầy nét văn hóa nhắc nhở con người qua những họa tiết cổ, những ký tự từ ký ức xa xôi trong lịch sử hiện về .
Chất men màu xuyên suốt qua các tác phẩm của ông là chất men cổ sâu lắng , gần gũi mà thuyết phục .... đậm đà chiều sâu của thời gian của không gian để mỗi pho tượng tưởng như đang thở ra luồng hơi sống động của chiều dài kỷ nguyên mà tác giả gọi dậy.
Ngô Xuân Bính đích thực là một nghệ sỹ, một người hội đủ nhiệt huyết, đủ đam mê, uyên bác và cái tâm linh hun đúc trong trái tim để có thể hy vọng một công việc gọi dậy những hồn linh vật từ lịch sử bằng sức Gốm từ đất giản dị mà nhân từ .
Như một cánh chim cô đơn mang hùng tâm vẫy cánh xuyên qua lớp sương mù của lịch sử, của quên lãng con người , ông đang dùng tài sức mình để gợi nhớ, kết nối những thời gian truyền cảm hứng trong nhân sinh.
Từ tâm khảm, từ kiến thức và nhiệt huyết nghệ sỹ của ông, Họa sỹ - Điêu khắc gia Ngô Xuân Bính , một trưng bày, một triển lãm hiến lễ " Hiện Linh" với những tác phẩm điêu khắc Gốm kích thước lớn bằng chất liệu Việt cổ truyền đã được khai phóng đem dâng cho đời !
Nhà điêu khắc Nguyễn Tuấn Thịnh
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/gom-hien-linh-cua-ngo-xuan-binh-a23896.html