Bộ đội Tiểu đoàn Vượt sông 4, Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 9) xử trí tình huống ca-nô bị lệch. |
Thời gian gần đây, Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 9) đã chủ động bến vượt, nghiên cứu phương án tác chiến, chú trọng luyện tập cho bộ đội sát tình huống thực tế.
Trong buổi huấn luyện bài hạ tời ca-nô BMK-T, Đại úy Đinh Tấn Tài, Phó Đại đội trưởng Đại đội 10, Tiểu đoàn Vượt sông 4, thuộc Lữ đoàn Công binh 25, nêu tình huống kéo ca-nô lên xe bị lệch phải, không vào khớp. Sau khi phát lệnh, cán bộ, chiến sĩ đơn vị khẩn trương sử dụng dây, phối hợp lực lượng trên xe kéo ca-nô vào đúng vị trí.
"Đây là một trong những tình huống cơ bản được chúng tôi luyện tập tại đơn vị. Do khí tài nặng, ngoài yếu tố sức khỏe, đòi hỏi bộ đội phải luyện tập thường xuyên mới bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ khi có tình huống. Hay như luyện tập cầu bắc tạm qua sông, trường hợp thủy triều lên làm khoảng cách giữa hai bờ tăng lên, bộ đội triển khai đốt cầu dự phòng bảo đảm cho các lực lượng cứu hộ, cứu nạn hoặc thực hiện nhiệm vụ tác chiến...", Đại úy Đinh Tấn Tài cho biết.
Để vượt sông an toàn, hiệu quả, đơn vị chú trọng huấn luyện bộ đội sử dụng thành thạo trang bị, phương tiện, khí tài và các hình thức chiến thuật vượt sông. Thượng úy Trương Công Hiểu, Trung đội trưởng Trung đội 4, Đại đội 10, Tiểu đoàn Vượt sông 4 nêu biện pháp: "Nhiệm vụ vượt sông rất khẩn trương, bí mật, đòi hỏi chiến sĩ nắm chắc công việc của mình, thuần thục thao tác, nâng cao khả năng hiệp đồng giữa các bộ phận. Bên cạnh đó, tôi còn hướng dẫn bộ đội bơi cứu người và cách sử dụng vật chất tại chỗ để chuẩn bị bến vượt. Mục tiêu là, khi có tình huống phải cơ động nhanh, ứng phó kịp thời; sáu tháng đầu năm 2024, trung đội tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ diễn tập vượt sông, góp phần nâng cao khả năng, trình độ chuyên môn cho anh em".
Nhận thấy đơn vị có nhiều thiết bị nặng, tình huống sẵn sàng chiến đấu, hành quân cơ động, diễn tập... đòi hỏi khẩn trương, do vậy Đại úy Thạch Nhơn, nhân viên lái ca-nô, Đại đội 10, Tiểu đoàn Vượt sông 4 nghiên cứu sáng kiến "Cần cẩu mi-ni nâng (hạ) bình điện, thùng nhiên liệu lên (xuống) Ca-nô BMK-T".
"Để khởi động động cơ diezel 350 mã lực cần hai bình ắc-quy 12V-180Ah với trọng lượng 140 kg và phải có ba người kéo bằng tay rất mất thời gian, nhân lực, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Từ những trăn trở đó, tôi quyết tâm cải tiến cách thức chuẩn bị cho phương tiện với mục tiêu tiện lợi, nhanh chóng và an toàn. Sau một số lần thử nghiệm, sáng kiến đã được Hội đồng sáng kiến cải tiến kỹ thuật Lữ đoàn công nhận và cho áp dụng rộng rãi", Đại úy Nhơn chia sẻ.
Bảo đảm vượt sông là nhiệm vụ phức tạp, gồm nhiều nội dung, từ trinh sát bến vượt, xây dựng đường dẫn, ngụy trang, nghi binh, phối hợp các lực lượng, kết hợp giữa phương tiện, khí tài vượt sông hiện đại với trang bị, vật chất tại chỗ...
Thiếu tá Nguyễn Văn Đăng, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Vượt sông 4 cho hay: Thuận lợi của địa bàn sông nước giúp đơn vị vận chuyển vật chất, trang bị bằng đường thủy và làm vật cản tự nhiên trong chiến đấu. Từ thực tế huấn luyện, diễn tập thời gian qua, Tiểu đoàn đã thực hiện tốt công tác chuẩn bị lực lượng, xây dựng, bổ sung kế hoạch, phương án tác chiến theo yêu cầu nhiệm vụ; duy trì chặt chẽ các chế độ trực, tổ chức luyện tập các phương án, sẵn sàng cơ động lực lượng xử trí khi có tình huống; đồng thời chủ động trinh sát bến vượt, kiểm tra chất đất, độ sâu lòng sông, yếu tố ngụy trang; đánh giá tình hình địa hình, thời tiết, triển khai phương án vượt sông phù hợp thực tế và nguyên tắc chiến thuật.
Mặc dù được trang bị phương tiện hiện đại nhưng khi vượt sông, tham gia cứu hộ, cứu nạn đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải có bản lĩnh vững vàng, quyết tâm cao. Bởi trên địa hình sông nước luôn tiềm ẩn nguy hiểm, ngoài trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng thuần thục phương tiện phải tăng cường huấn luyện sát thực tế, địa bàn.
Trung tá Vũ Thanh Phú, Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn Công binh 25 cho biết: Lữ đoàn thường xuyên tổ chức trinh sát lại các khu vực bến vượt trong kế hoạch sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn để nắm sự thay đổi của địa hình, dòng chảy, điều chỉnh phương án, chương trình huấn luyện sát thực tế. Ngoài chương trình huấn luyện chung, đơn vị còn tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng điều khiển phương tiện vượt sông, động tác chèo xuồng khi hành quân; phương pháp chống lầy; làm đường, xây dựng công sự trận địa sở chỉ huy phù hợp địa bàn sông nước.
Từ thực tế địa bàn, ngành công binh Quân khu 9 đã chỉ đạo các đơn vị chú trọng huấn luyện đêm, đặc biệt coi trọng yếu tố ngụy trang, nghi binh phù hợp điều kiện tác chiến hiện nay. Bảo đảm công binh cho nhiệm vụ vượt sông cần dự kiến nhiều bến vượt, có bến chính, bến phụ, bến ngụy trang, nghi binh; đồng thời, phát huy tính lưỡng dụng của một số công trình dân sinh như bến phà, đò ngang, bờ kè,... khi có tình huống thì sử dụng được ngay. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn cần phối hợp chặt chẽ với địa phương, nắm chắc tình hình, khả năng huy động vật chất, trang bị tại chỗ để sẵn sàng bổ sung, củng cố các công trình trong khu vực bến vượt. Đại tá NGUYỄN MINH HẢI, Trưởng phòng Công binh, Bộ Tham mưu Quân khu 9 |
Bài và ảnh: PHAN HỮU TÀI (Báo Quân khu 9)
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/bao-dam-cong-binh-dia-ban-song-nuoc-a24064.html