Cần một "Nghị quyết 10" về chuyển đổi số trong kỷ nguyên mới

Bài viết "Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc thực hiện Cách mạng chuyển đổi số.

Đại diện FPT trình diễn, giới thiệu công nghệ phục vụ công tác chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp.
Đại diện FPT trình diễn, giới thiệu công nghệ phục vụ công tác chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp.

Năm 1988 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp đã tạo thời cơ cho một cuộc đổi thay kinh tế-xã hội toàn diện, đưa nước ta bước vào giai đoạn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo ra sự phát triển nhảy vọt về kinh tế-xã hội đất nước.

Năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sau đó được hiện thực hóa bằng các quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã xác định vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong thời đại mới.

Mới đây nhất, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết "Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới" thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc thực hiện chuyển đổi số, coi đây là cuộc cách mạng tiếp theo sẽ thay đổi lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, đưa vị thế và tầm vóc dân tộc lên tầm cao mới.

Với sự trùng hợp trong thời điểm và ý nghĩa lịch sử giai đoạn này, tôi tin rằng đã đến lúc chúng ta cần một "Nghị quyết 10" về cách mạng chuyển đổi số. Từ góc độ doanh nghiệp công nghệ trực tiếp tham gia vào hoạt động lên chiến lược, triển khai và đào tạo nhân lực tham gia vào chuyển đổi số, tôi muốn chia sẻ những góc nhìn thực tế của mình trước vận hội mới được người đứng đầu Đảng đưa ra.

Định nghĩa mới về phương thức sản xuất số. Nếu chúng ta nghiên cứu kỹ các phương thức sản xuất số trên thế giới hiện nay, ta sẽ thấy tập trung vào việc áp dụng công nghệ số trong sản xuất.

Trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, định nghĩa phương thức sản xuất số mà chúng ta đã được quy hoạch rõ ràng hơn rất nhiều. Lần đầu tiên, các công nghệ mới đã và đang tham gia sâu vào những thay đổi lớn nhất hiện nay như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (cloud…) được định nghĩa là những công cụ sản xuất mới. Hạ tầng số đã trở thành một trong những hạ tầng bắt buộc của xã hội cùng với điện, đường, trường, trạm. Đặc biệt, dữ liệu đã được định nghĩa như một tài nguyên, một tư liệu sản xuất quan trọng.

Việc thực hiện chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là quá trình số hóa, mà còn là bước đột phá trong sản xuất và quản lý xã hội. Đó là nhận thức mới mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đề cập trong bài viết của mình: "Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế-xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - "phương thức sản xuất số", trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số".

Chuyển đổi số phải bắt đầu từ ý chí nhà lãnh đạo. Với kinh nghiệm thực hiện chuyển đổi số cho nhiều đơn vị trong và ngoài nước, tôi đã không ít lần chứng kiến các đối tác, kể cả các lãnh đạo đơn vị, hiểu sai về chuyển đổi số. Chuyển đổi số là chuyển đổi cách làm việc, phối hợp, phục vụ người dân, khách hàng và doanh nghiệp. Lúc này số hóa trở thành công cụ, "vũ khí" để thúc đẩy sự thay đổi.

Một lần nữa tôi rất đồng tình nhận định của đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông về mục đích của chuyển đổi số: Chuyển đổi số tập trung mang lại giá trị cho người dùng, cho khách hàng, cho người dân; lấy người dân làm trung tâm; lấy người dùng, người sử dụng làm trung tâm. Cam kết của lãnh đạo là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công cách mạng chuyển đổi số.

Tôi muốn chia sẻ công thức 3H "Heart-Head-Hand" trong chuyển đổi số của FPT. Chữ H đầu tiên là Heart-trái tim. Quan trọng nhất là người đứng đầu phải thực tâm khao khát thực hiện cách mạng chuyển đổi số để phục vụ người dân, bảo đảm chính quyền minh bạch, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thuận lợi.

Chữ H thứ hai là Head-cái đầu. Muốn chuyển đổi số thành công, lãnh đạo phải có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược, năng lực học tập, áp dụng những bài học thành công và thất bại ngoài nước, để từ đó chọn đúng hướng đi, công cụ, người làm… để việc chuyển đổi số về đích. Điều này đòi hỏi sự sáng suốt, năng lực tập hợp lực lượng của nhà lãnh đạo.

Chữ H thứ ba là Hand-bàn tay. Ngoài việc đứng ra cam kết chỉ đạo, nhà lãnh đạo cần đích thân tham gia vào quá trình triển khai. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, sự sát sao của lãnh đạo phải liên tục từ sáu tháng đến một năm đầu tiên thực hiện nhằm bảo đảm việc chuyển đổi số đồng bộ và hiệu quả. Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia do đích thân Thủ tướng đứng đầu, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong cách mạng chuyển đổi số.

Cách mạng chuyển đổi số không phải là điều gì xa vời mà phải mang lại những kết quả cụ thể. Chính mỗi cá nhân chúng ta đang hưởng lợi một phần từ hoạt động này, thí dụ như việc số hóa cấp độ 4 ở tất cả các dịch vụ dành cho người dân và doanh nghiệp.

Trong một thời gian ngắn (dự kiến hết năm 2025), 100% các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp thực hiện được tại nhà và văn phòng, gần như 100% các thủ tục hành chính có thể thực hiện từ xa. Đây sẽ là bước một đột phá ấn tượng về chuyển đổi số trong hành chính công.

Đề án 06 của Chính phủ (theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) về việc triển khai căn cước công dân (sắp tới là căn cước) là thí dụ điển hình.

Người dân chỉ cần thẻ căn cước có thể tích hợp đầy đủ thông tin bằng lái xe, giấy khai sinh, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, và thậm chí là thông tin ngân hàng… Đề án này do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khi còn là Bộ trưởng Bộ Công an trực tiếp chỉ đạo đã được triển khai quyết liệt đến nay đã có sự lan tỏa tới từng địa phương của cả nước.

Khi nói đến phương thức sản xuất số, chúng ta phải đề cập đến quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất. Cách mạng chuyển đổi số cần những con người số. Điều này có nghĩa là toàn dân cần được đào tạo để thích ứng với công nghệ, phải làm sao để từ trẻ em đến người cao tuổi đều có thể dùng được các ứng dụng như VNeID để thay thế các loại giấy tờ, giao dịch ngân hàng, khám bệnh, và bảo hiểm…

Thực tế cho thấy chúng ta đang trong quá trình đạt được điều đó. Đơn giản như quét mã QR thanh toán, hai năm trước còn rất lạ lẫm, đến nay từ cốc trà đá đến một ngôi nhà đã có thể thanh toán một chạm.

Ngoài việc đào tạo cho toàn dân về năng lực thích ứng công nghệ, chúng ta cần chuẩn bị một lực lượng lớn chuyên gia, nhân sự làm việc trong ngành công nghệ, những chiến sĩ nhanh nhạy phát triển công nghệ mới, trong ứng dụng và triển khai công nghệ vào các ngành nghề. Điều này đòi hỏi sự chung tay của các trường đại học, đơn vị đào tạo và doanh nghiệp công nghệ lớn nhỏ trong và ngoài nước cùng hợp lực.

Thời cơ đã tới, vận nước đã mở cho một Việt Nam hùng cường, cho dân tộc phồn vinh. Đã đến lúc chúng ta cần một "Nghị quyết 10" mới về cách mạng chuyển đổi số.

HOÀNG NAM TIẾN

Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường đại học FPT

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/can-mot-nghi-quyet-10-ve-chuyen-doi-so-trong-ky-nguyen-moi-a24071.html