Kết luận 76 đưa ra những chủ trương, quyết sách lớn, phát huy tiềm năng, thế mạnh của đất nước nói chung, ngành dầu khí nói riêng, là những định hướng chỉ đạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo động lực mới và mở ra không gian phát triển mới để ngành dầu khí vượt qua các thách thức, phát triển bền vững.
Để tạo thuận lợi cho ngành dầu khí phát triển trong giai đoạn mới, đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật; tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam). Đồng thời, trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành dầu khí cần quan tâm phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp, nhất là hạ tầng số gắn với thực hiện chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu, sử dụng hiệu quả Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ... “Để các chủ trương, định hướng của Đảng về phát triển ngành dầu khí đi vào cuộc sống, cần sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy đảng cần nghiên cứu, quán triệt đầy đủ, triển khai đồng bộ từ thể chế hóa, xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược, chương trình, kế hoạch liên quan, đồng thời với công tác giám sát, kiểm tra thực hiện kịp thời, hiệu quả”, đồng chí Nguyễn Đức Hiển nêu rõ.
Công trường thi công chân đế điện gió ngoài khơi. |
Để thực hiện tốt chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam, Petrovietnam đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động của Đảng ủy Tập đoàn thực hiện Kết luận 76. Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam khẳng định, các văn bản, chủ trương, định hướng chiến lược phát triển, đồng thời với hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan tạo điều kiện cho ngành dầu khí Việt Nam, Petrovietnam phát triển. Đây chính là cơ hội, điểm tựa để Petrovietnam vượt qua khó khăn, tự tin thực hiện mục tiêu phát triển trở thành tập đoàn công nghiệp-năng lượng quốc gia có năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế.
Trên cơ sở định hướng trở thành tập đoàn công nghiệp-năng lượng quốc gia, Petrovietnam xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Trước hết, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền để xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo thuận lợi cho ngành dầu khí, Petrovietnam phát triển nhanh và bền vững; hoàn thiện hạ tầng ngành dầu khí theo hướng đồng bộ, thông minh, đạt trình độ tiên tiến khu vực ASEAN, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và xu thế chuyển dịch năng lượng; nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp toàn Petrovietnam. Cùng với đó, Petrovietnam tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cho phát triển, quản trị tốt danh mục dự án đầu tư; xây dựng chiến lược phát triển và đề án cơ cấu lại Petrovietnam theo mô hình tập đoàn công nghiệp-năng lượng quốc gia, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam, bảo đảm mục tiêu tiếp tục giữ vững thị phần lĩnh vực dầu khí truyền thống với chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, đồng thời mở rộng lĩnh vực hoạt động thông qua tham gia chuỗi giá trị năng lượng mới, năng lượng tái tạo; thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại, bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Bối cảnh hiện nay, bên cạnh những khó khăn, thách thức cũng mở ra cơ hội lớn cho ngành dầu khí nếu kịp thời nắm bắt và phát huy được thế mạnh về kinh nghiệm, năng lực hạ tầng, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành dầu khí. Kết luận 76 của Bộ Chính trị sẽ được cấp ủy các cơ quan, đơn vị của ngành dầu khí tích cực triển khai đồng bộ, hiệu quả để tiếp tục xây dựng, phát triển ngành dầu khí Việt Nam nhanh, bền vững, hiện đại và hội nhập.
Bài và ảnh: AN SƠN
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/tao-nen-tang-dua-nganh-dau-khi-phat-trien-nhanh-ben-vung-a24164.html