Dâng hương tưởng niệm 582 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi

Lễ hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc, tỉnh Hải Dương năm 2024 diễn ra trong thời điểm hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc do 3 tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và Bắc Giang thực hiện đang được UNESCO thẩm định.

Cung tuyên văn tế tưởng niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.
Cung tuyên văn tế tưởng niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.

Mở đầu chuỗi hoạt động tại lễ hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc năm nay, sáng 18/9 (16/8 âm lịch) tại đền thờ Nguyễn Trãi trong khu di tích Côn Sơn, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hải Dương tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 582 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (1442-2024).

Dâng hương tưởng niệm 582 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi ảnh 1

Các đại biểu dâng hương tại Đền thờ Nguyễn Trãi.

Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, sinh năm 1380. Tuổi thơ, Nguyễn Trãi sống với ông ngoại ở Thăng Long và Côn Sơn. Năm 1400, ông đỗ Thái học sinh, sau ra làm quan dưới triều nhà Hồ.

Từ năm 1407, nhà Hồ suy yếu, đất nước ta dưới ách đô hộ của giặc Minh. Nguyễn Trãi đến Lam Sơn tụ nghĩa, dốc tâm huyết, một lòng thành giúp Bình Định vương Lê Lợi, trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh, giải phóng đất nước ở thế kỷ 15.

Dâng hương tưởng niệm 582 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi ảnh 2

Các đại biểu dự Lễ tưởng niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.

Kháng chiến thắng lợi, thừa lệnh Vua Lê Lợi, Nguyễn Trãi vinh dự viết bản "Bình Ngô đại cáo" bất hủ. Ông viết bằng cả tâm huyết, tài năng, trí tuệ của mình trong không khí chiến thắng hào hùng của dân tộc .

"Bình Ngô đại cáo" được người đời ghi nhận là bản “tuyên ngôn độc lập thứ hai”, là một áng “thiên cổ hùng văn”, là bản tổng kết tuyệt vời về lịch sử dân tộc và lịch sử kháng chiến chống Minh.

Qua "Bình Ngô đại cáo", Nguyễn Trãi đã nâng cao chủ nghĩa yêu nước, tinh thần nhân đạo và niềm tự hào dân tộc, vừa phản ánh sự nghiệp lẫy lừng của Lê Lợi và nghĩa quân, vừa thể hiện tâm hồn khí phách của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Trãi là người anh hùng vĩ đại trọn đời chiến đấu hy sinh cho dân tộc, nhà chiến lược thiên tài mà công lao to lớn đã góp phần quyết định trong cuộc đánh thắng quân Minh, giải phóng đất nước. Ông cũng là nhà văn, nhà thơ lỗi lạc đã để lại một di sản lớn về văn học với nhiều kiệt tác.

Ngoài những tác phẩm nhằm trực tiếp phục vụ cuộc chiến đấu giành độc lập mà tiêu biểu là "Quân trung từ mệnh" và "Bình Ngô đại cáo", ông còn viết "Phú núi Chí Linh" và "Văn bia Vĩnh Lăng" nêu bật công tích của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn, viết "Dư địa chí" - cuốn địa lý học lịch sử đầu tiên của nước ta...

Nguyễn Trãi đã sáng tác hàng trăm bài thơ chữ Hán, hàng trăm bài thơ chữ Nôm, về sau được sưu tập thành hai cuốn Ức Trai thi tập và Quốc âm thi tập.

Nguyễn Trãi là nhà trí thức uyên bác, tài đức vẹn toàn. Là nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới làm rạng rỡ non sông đất nước.

Ông là tinh hoa dân tộc, tiêu biểu cho những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Ông vươn tới đỉnh cao nhất trong phạm vi thời đại của ông, làm đầy đủ nhất những việc mà người trí thức trong hoàn cảnh của ông có thể làm. Ông hoàn toàn xứng đáng với lòng khâm phục và tự hào của dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới.

Nguyễn Trãi được UNESCO vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới nhân dịp kỷ niệm 600 năm ngày sinh của ông (1380-1980). Thân thế sự nghiệp của Nguyễn Trãi đã đi vào lịch sử, trở thành anh hùng vĩ đại của dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất.

Dù cuộc đời ông kết thúc bằng một bi kịch thương đau, nhưng cuộc đời, sự nghiệp của ông có tầm ảnh hưởng to lớn tới sách lược bảo vệ và xây dựng đất nước.

Tư tưởng và những giá trị trường tồn của chốn tổ Phật giáo Trúc Lâm tại chùa Côn Sơn và Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi đã góp phần quan trọng, đáp ứng các tiêu chí để minh chứng và biện luận trong hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc trở thành di sản thế giới mà UNESCO đang thẩm định.

QUỐC VINH

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/dang-huong-tuong-niem-582-nam-ngay-mat-cua-anh-hung-dan-toc-danh-nhan-van-hoa-the-gioi-nguyen-trai-a24178.html