Tại sao việc cắt giảm lãi suất của FED lại ảnh hưởng đến thị trường vàng?

Khi lãi suất tăng, vàng trở nên kém hấp dẫn hơn. Ngược lại, lãi suất giảm làm giá vàng tăng vì vàng được xem là tài sản trú ẩn an toàn chống lại lạm phát.

Giá vàng thế giới chững lại khi các nhà đầu tư háo hức mong đợi quyết định chính sách tiền tệ sắp tới của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Việc FED cắt giảm lãi suất không chỉ gây chú ý ở Mỹ mà giới đầu tư toàn cầu đều quan tâm đến động thái này.

Quy mô cắt giảm đầu tiên và mức độ nới lỏng chung vẫn còn là chủ đề tranh luận, trong khi cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ là một yếu tố phức tạp khác đối với các nhà đầu tư và các ngân hàng trung ương toàn cầu đang tìm kiếm chỉ dẫn từ Fed và hy vọng vào một nền kinh tế "hạ cánh mềm", tức giảm lạm phát nhưng không gây suy thoái.

Tại sao việc cắt giảm lãi suất của FED lại ảnh hưởng đến thị trường vàng?
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Jerome Powell. Ảnh: Reuters

"Chúng ta vẫn chưa biết chu kỳ này sẽ như thế nào - liệu nó sẽ giống như năm 1995 khi chỉ cắt giảm 75 điểm cơ bản hay giống như năm 2007-2008, khi cắt giảm tới 500 điểm cơ bản", Kenneth Broux, Trưởng bộ phận Nghiên cứu doanh nghiệp, Ngoại hối và Lãi suất tại Societe Generale, cho biết.

Dưới đây là những điểm đáng chú ý đối với các thị trường toàn cầu:

Giá vàng hưởng lợi

Trong hàng hóa, kim loại quý và các kim loại cơ bản như đồng sẽ được hưởng lợi từ việc FED cắt giảm lãi suất. Đối với mặt hàng này, triển vọng nhu cầu và sự "hạ cánh mềm" là yếu tố then chốt.

Lãi suất thấp hơn và đồng USD yếu hơn, không chỉ làm giảm chi phí cơ hội khi nắm giữ kim loại, mà còn làm giảm chi phí mua kim loại đối với những người sử dụng các loại tiền tệ khác, có thể thúc đẩy đà tăng trưởng.

Tại sao việc cắt giảm lãi suất của FED lại ảnh hưởng đến thị trường vàng?
Lãi suất giảm sẽ làm giá vàng tăng. Ảnh: P.C

Ehsan Khoman của MUFG cho biết: "Lãi suất cao là lực cản quan trọng đối với kim loại cơ bản, gây ra sự biến dạng nhu cầu vật chất tiêu cực đáng kể do tình trạng bán tháo hàng tồn kho và gây áp lực lên các phân khúc nhu cầu cuối thâm dụng vốn".

Khi sự việc thực sự xảy ra, tức giá vàng đạt mức cao như dự đoán, họ bán ra để thu lợi nhuận (bán sự thật). Nói cách khác, giá vàng có thể không duy trì mức cao kỷ lục lâu dài nếu các nhà đầu cơ quyết định xả hàng lúc giá đạt đỉnh họ muốn.

Ngoài kim loại quý, kim loại cơ bản như đồng cũng hưởng lợi. Lãi suất thấp hơn và USD có thể yếu hơn một chút giúp chi phí mua kim loại nhẹ hơn, giúp kích cầu tiêu thụ. "Lãi suất cao là lực cản quan trọng đối với kim loại cơ bản, gây ra áp lực về nguồn cầu đáng kể", Ehsan Khoman cho biết.

Thị trường chứng khoán phục hồi

Gần đây, do lo ngại về tăng trưởng khiến đà đi lên của thị trường chứng khoán toàn cầu chậm lại. Các thị trường chứng khoán đã giảm hơn 6% trong ba ngày đầu tháng 8/2024, sau số liệu việc làm yếu kém của Mỹ.

Tuy nhiên, thị trường sẽ phục hồi nếu lãi suất ở Mỹ thấp hơn thúc đẩy hoạt động kinh tế và tránh được suy thoái.

Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu châu Âu tại Barclays, Emmanuel Cau, cho biết, thị trường chứng khoán luôn không ổn định sau lần hạ lãi suất đầu tiên của ngân hàng trung ương, khi gây ra những hoài nghi về lý do cho động thái này.

Nhưng nếu có một đợt cắt giảm mà không đi kèm suy thoái, thường thị trường có xu hướng đi lên trở lại. Barclays cho rằng, các lĩnh vực sẽ hưởng lợi từ lãi suất thấp là bất động sản và tiện ích.

Việc kinh tế Mỹ "hạ cánh mềm" cũng mang lại lợi ích cho thị trường châu Á vì tạo ra môi trường ổn định hơn cho các nền kinh tế khác. Đến nay, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã giảm hơn 10% từ mức cao kỷ lục vào tháng 7/2024 do đồng yen và lãi suất tăng ở Nhật Bản.

Đồng USD sẽ khó giảm sâu

Các nền kinh tế có thể thất vọng trong việc giá trị đồng nội tệ nâng cao nhờ USD suy yếu khi Mỹ hạ lãi suất. JPMorgan chỉ ra rằng, 3 trong 4 chu kỳ nới lỏng tiền tệ gần đây, USD thực tế đã mạnh lên.

Bởi lẽ, triển vọng USD phụ thuộc nhiều vào tương quan so sánh giữa mức lãi suất của Mỹ và lãi suất của các quốc gia khác. Nếu lãi suất ở Mỹ cao hơn so với các nước khác, USD thường trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư và ngược lại.

Tại sao việc cắt giảm lãi suất của FED lại ảnh hưởng đến thị trường vàng?
Việc Mỹ hạ lãi suất sẽ khiến đồng USD suy yếu hơn. Ảnh: Reuters

Đồng Yen và Franc Thụy Sĩ được xem là các loại tiền tệ trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, theo khảo sát của Reuters, mức chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và hai nước này có thể giảm một nửa vào cuối 2025. Nghĩa là hai đồng tiền này có thể kém hấp dẫn hơn, làm cho các nhà đầu tư tiếp tục cân nhắc giữ USD.

Bảng Anh (GBP) và đôla Australia có thể chỉ đạt được chênh lệch lãi suất tương đối nhỏ, tức ngay cả khi lãi suất ở hai nước có cao hơn Mỹ một chút thì vẫn không đủ lớn để làm cho hai đồng tiền này hấp dẫn hơn đáng kể so với USD. Vì vậy, USD sẽ tiếp tục duy trì sự hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế trừ khi Mỹ có lãi suất thực sự thấp.

Trong bối cảnh này, các nền kinh tế châu Á đã "đi trước thị trường" trong việc dự đoán Mỹ cắt giảm lãi suất, dẫn đến nhiều đồng tiền như won Hàn Quốc, baht Thái Lan và ringgit Malaysia tăng giá vào tháng 7 và 8. Nhân dân tệ cũng đã phục hồi khoản mất giá từ đầu năm so với USD. Điều này cho thấy, các thị trường châu Á đã phản ứng tích cực với kỳ vọng về việc Mỹ cắt giảm lãi suất, làm tăng giá trị các đồng tiền của họ so với USD.

"Dắt mũi" các ngân hàng trung ương hạ lãi suất

Vào mùa xuân, khi lạm phát ở Mỹ cao hơn dự kiến, lo ngại về việc Fed sẽ giữ nguyên lãi suất cả năm nay nổi lên. Trong kịch bản này, các tổ chức như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hoặc Ngân hàng Canada gặp khó trong việc lựa chọn có nên hạ lãi suất hay không, nhằm kích thích kinh tế.

Nhưng giờ, việc Fed bắt đầu hành động giúp ngân hàng trung ương các nước phát triển khác dễ cân nhắc chính sách tiền tệ hơn. Các nhà giao dịch đang dự đoán các ngân hàng trung ương khác sẽ lần lượt đi theo Fed. Tuy nhiên, ECB và Ngân hàng Trung ương Anh khả năng có số lần cắt giảm ít hơn Fed vì vẫn còn cảnh giác với lạm phát.

Ngoài ra, thị trường trái phiếu toàn cầu cũng hưởng lợi, vì nó vốn thường diễn biến theo trái phiếu kho bạc Mỹ. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ, Đức và Anh đều đang hướng đến mức giảm quý đầu tiên kể từ cuối năm 2023, khi Fed tiến gần bước ngoặt hạ lãi suất ngày 18/9. Điều này có nghĩa giá trái phiếu tăng.

Bên cạnh đó, lãi suất thấp hơn ở Mỹ có thể giúp các ngân hàng trung ương ở thị trường mới nổi có nhiều không gian hơn để tự điều chỉnh và hỗ trợ tăng trưởng trong nước. Bởi lẽ, áp lực phải giữ lãi suất cao để ngăn dòng vốn chảy ra ngoài và bảo vệ tỷ giá hối đoái sẽ nhẹ nhàng hơn khi Mỹ hạ lãi suất.

Từ đó, họ có thể giảm lãi suất để kích thích tiêu dùng và đầu tư trong nước. Khoảng một nửa trong số 18 thị trường mới nổi do Reuters theo dõi đã bắt đầu cắt giảm lãi suất trong chu kỳ này, dẫn đầu là các nước Mỹ Latinh và châu Âu.

Tuy nhiên, biến động và bất ổn xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là một thách thức. Bà Trang Nguyen, Trưởng bộ phận chiến lược tín dụng thị trường mới nổi toàn cầu tại BNP Paribas, đánh giá cuộc bầu cử sẽ ảnh hưởng lớn, thực sự làm phức tạp chu kỳ cắt giảm lãi suất. "Chúng ta có thể thấy nhiều hành động đặc thù hơn giữa các ngân hàng trung ương xoay quanh sự kiện này", bà dự đoán.

Phương Cúc

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/tai-sao-viec-cat-giam-lai-suat-cua-fed-lai-anh-huong-den-thi-truong-vang-a24187.html