Ảnh minh họa: Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc phục vụ nhân dân. |
Ngày 9/5/2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QÐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, có quy định rõ các tiêu chí về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Những phẩm chất căn cốt này của người cán bộ cách mạng đã được nhấn mạnh trong nhiều tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Văn kiện Ðại hội Ðảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư qua các thời kỳ.
Trong tác phẩm “Cần Kiệm Liêm Chính” năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Ðông. Ðất có bốn phương: Ðông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng giải thích rất cặn kẽ thế nào là cần, kiệm, liêm, chính và phải làm thế nào để có cần, kiệm, liêm, chính. Cụ thể, cần, kiệm là chăm chỉ, siêng năng, tiết kiệm trong lao động, sản xuất để xây dựng đất nước, liêm và chính là giữ mình trong sạch, ngay thẳng, không tham lam, không ăn cắp của công, không đục khoét của dân, luôn đặt công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà.
Ðây là những phẩm chất không tách rời của người cán bộ cách mạng, trong đó, phẩm chất “liêm, chính” có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong ngăn chặn, đẩy lùi, phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. |
Ðây là những phẩm chất không tách rời của người cán bộ cách mạng, trong đó, phẩm chất “liêm, chính” có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong ngăn chặn, đẩy lùi, phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, Ðảng ta luôn quan tâm, chỉ đạo nhằm trau dồi hai phẩm chất “liêm, chính”, xem đây là những tiêu chí quan trọng của một cán bộ chân chính. Ðại hội XIII của Ðảng nhấn mạnh cán bộ phải “Trung thực, không cơ hội” và “Không để lọt những người không xứng đáng, không bảo đảm tiêu chuẩn, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp…”.
Thực hiện chủ trương này, các tổ chức đảng thường xuyên quan tâm giáo dục, nâng cao phẩm chất liêm, chính cho cán bộ đảng viên, góp phần ngăn ngừa suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên trong giai đoạn vừa qua, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Nhiều sai phạm lớn, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình hình nêu trên là do công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực nhiều nơi còn hình thức, chưa thật sự hiệu quả.
Trong đó, các giải pháp để “không muốn” tham nhũng, tiêu cực chưa thật sự được một số cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt, nhất là công tác giáo dục đạo đức liêm chính, xây dựng văn hóa liêm chính.
Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác giáo dục liêm chính để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực đang là yêu cầu đặt ra đối với các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị hiện nay. Ðối tượng trước hết là cán bộ, đảng viên, những người đang nắm giữ quyền lực do nhân dân giao phó.
Ðể tăng cường công tác giáo dục liêm chính, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nội dung, ý nghĩa của phẩm chất liêm chính được bổ sung, làm rõ trong các văn kiện của Ðảng những năm gần đây, nhất là Quy định số 144-QÐ/TW của Bộ Chính trị.
Cần coi công tác giáo dục liêm chính là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị. Nâng cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện của đội ngũ cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Cấp ủy đảng các cấp tăng cường chỉ đạo đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục liêm chính trong các nhà trường; trước tiên đối với các học viện, nhà trường, trung tâm bồi dưỡng chính trị. Tiến hành xây dựng nội dung giáo dục phù hợp với từng đối tượng.
Ða dạng hóa các hình thức giảng dạy như nghiên cứu đưa nội dung giáo dục liêm, chính thành môn học riêng, xây dựng chuyên đề riêng, lồng ghép bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời chú trọng xây dựng môi trường làm việc trong sạch, lành mạnh, kỷ luật, kỷ cương, hình thành văn hóa liêm, chính trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị; tiến tới hình thành tư duy “không muốn” tham nhũng thường trực trong mỗi cán bộ, đảng viên.
ĐỨC HUY
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/giao-duc-liem-chinh-de-phong-ngua-tham-nhung-tieu-cuc-tu-goc-a24249.html