Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN) |
Suy nghĩ sâu xa về vị thế đó, tôi thêm khâm phục tầm nhìn của Ðảng trong lĩnh vực phát triển văn hóa. Bởi suốt chặng đường lãnh đạo đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng với những chủ trương, đường lối xây dựng hệ thống chính trị và phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và phát triển văn hóa cách mạng luôn là mối quan tâm hàng đầu trong tiến trình cách mạng, trong đường lối chính trị của Ðảng.
Ðề cương về Văn hóa Việt Nam được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Ðảng tháng 2/1943, trong đó, Ðảng ta nhận thức rằng cách mạng văn hóa chính là làm thế nào để khơi dậy động lực phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự cường. Trong diễn văn khai mạc hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nền văn hóa mới của Việt Nam phải lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Ðây là kim chỉ nam cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tạo sự đoàn kết thống nhất tư tưởng, động viên văn nghệ sĩ nêu cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, quyết tâm giành độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất nước nhà. Dưới sự lãnh đạo kiên trì của Ðảng với đường lối phát triển văn hóa dân tộc, với tinh thần “văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận”, giai đoạn 1945-1975, văn hóa cách mạng Việt Nam đã có những đóng góp lớn lao, tạo nên sức mạnh tinh thần, tư tưởng to lớn cùng với sức mạnh chính trị, quân sự, kinh tế để chiến thắng các kẻ thù xâm lược, giành thắng lợi vẻ vang, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII năm 1998 xác định hai nhiệm vụ của văn hóa cách mạng thời kỳ mới. Ðó là: Xây dựng văn hóa Việt Nam phải lấy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc làm cơ sở, nền tảng. Xây dựng văn hóa Việt Nam cần phải học tập, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, bổ sung các giá trị mới.
Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI năm 2014 nhấn mạnh việc gắn mục tiêu xây dựng văn hóa với xây dựng con người, đồng thời mở rộng, làm rõ hơn các đặc trưng, thống nhất luận điểm “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”.
Văn kiện Ðại hội XIII xác định xây dựng và phát huy giá trị, sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam là một trong các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược. Phải phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; đồng thời khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội.
Văn kiện Ðại hội XIII xác định xây dựng và phát huy giá trị, sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam là một trong các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược.
Trong bối cảnh hiện nay, giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc đang đối diện với những thách thức lớn. Ðó là, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đã đi ngược lại, cản trở khát vọng vươn lên xây dựng đất nước.
Một số biểu hiện của sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, môi trường văn hóa có diễn biến phức tạp, làm gia tăng mâu thuẫn, xung đột xã hội, trái với truyền thống đoàn kết, gắn bó, nhân ái của dân tộc. Các vấn đề xã hội gây áp lực lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, như già hóa dân số, chênh lệch giàu nghèo và trình độ phát triển, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng nhanh với cường độ mạnh, khó lường, nhất là ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19…
Trên cơ sở các quan điểm của Ðảng về phát triển văn hóa dân tộc, cần làm cho cả hệ thống chính trị và nhân dân nhận thức đầy đủ các thách thức tác động đến việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, để có tâm thế chủ động phòng ngừa và ứng phó hiệu quả; thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội.
Các cấp ủy đảng, chính quyền cần chủ động và đầu tư phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Các giải pháp giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc phải được tích hợp các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, tạo môi trường và điều kiện phát triển lành mạnh.
Chính phủ cần quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức ngành văn hóa, nhất là ở cơ sở, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phổ cập rộng rãi các tác phẩm văn học, nghệ thuật, các chương trình giáo dục văn hóa, nghệ thuật truyền thống và hiện đại; mở rộng giao lưu, hợp tác văn hóa các nước và tổ chức quốc tế, đồng thời chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật.
LÊ NGUYÊN PHƯƠNG
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/tam-nhin-cua-dang-ta-trong-dinh-huong-phat-trien-van-hoa-dan-toc-a24250.html