Chung tay phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường

Thực tế cho thấy bạo lực học đường thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng trong các trường học, thực sự trở thành hồi chuông cảnh báo cho các gia đình, nhà trường và cả xã hội. Qua đó, nhắc nhở chúng ta cần quan tâm và có biện pháp thích hợp để đẩy lùi vấn nạn này.

Học sinh và lãnh đạo Hội Phụ nữ tham quan góc truyền thông về các vấn đề phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường.
Học sinh và lãnh đạo Hội Phụ nữ tham quan góc truyền thông về các vấn đề phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường.

Ngày 24/9, tại huyện Thanh Oai, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức chương trình truyền thông “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường-Xây dựng trường học an toàn, thân thiện”, cho gần 2.000 học sinh.

Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Thị Thiên Hương cho biết, trong những năm gần đây, tình hình bạo lực học đường đã trở thành một vấn đề quan tâm của toàn xã hội.

Đáng chú ý, theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân Tối cao, trong khoảng 220 nghìn vụ ly hôn hằng năm, có đến 70-80% có lý do liên quan xung đột, bạo lực gia đình. Số học sinh có bối cảnh bạo lực gia đình liên quan đến bạo lực học đường có tỷ lệ rất lớn.

Thực tế cho thấy bạo lực học đường thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng trong các trường học, thực sự trở thành hồi chuông cảnh báo cho các gia đình, nhà trường và cả xã hội; nhắc nhở chúng ta cần quan tâm và có biện pháp thích hợp để đẩy lùi vấn nạn này.

Để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường, xây dựng trường học an toàn, thân thiện, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội đề nghị các cấp Hội phụ nữ, nhà trường, gia đình và các học sinh tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền trẻ em, phòng ngừa ứng phó bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em; chung tay phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường; xây dựng trường học an toàn, thân thiện, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch-văn minh.

Chung tay phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường ảnh 1

Học sinh trình diễn tiểu phẩm tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa.

Tại chương trình, nhiều hoạt động truyền thông sôi nổi, thiết thực đã diễn ra qua việc tuyên truyền trực tiếp; trao đổi của báo cáo viên; sân khấu hóa bằng biểu diễn tiểu phẩm. Đồng thời, tuyên truyền qua các góc truyền thông cho học sinh và phụ huynh về các vấn đề phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường.

Lê Thúy

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/chung-tay-phong-ngua-ung-pho-voi-bao-luc-hoc-duong-a24332.html