Nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm để có giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tốt hơn

Sáng 28/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bão số 3. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bão số 3. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Hội nghị được truyền trực tuyến tới điểm cầu trụ sở Ủy ban nhân dân 26 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc.

Phát biểu ý kiến khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hội nghị nhằm sơ kết trong dự báo, phòng, chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và hoàn lưu bão, từ đó để có thêm kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai hiệu quả hơn, kịp thời hơn.

Cơn bão số 3 vừa qua gây thiệt hại lớn về người và tài sản, để lại hậu quả hết sức nặng nề, thiệt hại về người rất lớn, nhiều người còn mất tích; sang chấn tinh thần, nhiều gia đình vẫn phải ở tạm, nhiều bản làng phải mất thời gian rất lâu mới trở lại bình thường, nhiều công trình hạ tầng bị đổ sập; trong đó có cầu Phong Châu bị sập ở Phú Thọ.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng đang tích cực triển khai làm cầu phao thay thế cầu này để phục vụ việc đi lại của nhân dân. Chúng ta phải khôi phục hạ tầng giao thông đi lại cho người dân, cùng với đó là khôi phục hệ thống điện, nước, sóng viễn thông cho người dân, doanh nghiệp.

Hiện nay, người dân, doanh nghiệp đã vươn lên tự lực, tự cường, thể hiện tinh thần dân tộc rất rõ, không trông chờ ỷ lại, bên cạnh đó được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, người dân, doanh nghiệp. Qua đây, chúng ta thấy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc rất rõ.

Thủ tướng nêu rõ, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, ngay trong lúc hoàn lưu bão còn diễn ra, Bộ Chính trị đã họp và cho ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo; Chính phủ chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, dự báo tình hình, triển khai lực lượng, tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp để lãnh đạo tuỳ theo diễn biến tình hình; cử các Thành viên Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc tại các địa phương, tổ chức ngay các cuộc họp để đánh giá tình hình, rút kinh nghiệm. Ngay sau hội nghị ngày 15/9 để đánh giá tình hình khắc phục hậu quả cơn bão số 3, ngày 17/9, Chính phủ đã ban hành kịp thời Nghị quyết 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng đánh giá, sự phối hợp giữa các lực lượng, các bộ, ngành, việc huy động sức mạnh của người dân, doanh nghiệp được thể hiện rất rõ; cả nước chung tay góp sức, góp của, góp công với tinh thần "tương thân, tương ái", "tình dân tộc, nghĩa đồng bào", “ai có của góp của, ai có công góp công, ai có ít góp ít, ai có nhiều góp nhiều”.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương tinh thần trách nhiệm của các Thành viên Chính phủ, các Trưởng ngành ngân hàng, tài chính, bộ, ngành, cơ quan, địa phương, các lực lượng chủ công như Quân đội, Công an, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương… đã trực tiếp ứng phó cơn bão số 3 và khắc phục hậu quả do bão lũ, các tập đoàn EVN, VNPT… đã vào cuộc kịp thời, tích cực.

Nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm để có giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tốt hơn ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cảm ơn sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp luôn đồng hành, chia sẻ với sự tin tưởng rất cao đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể chính trị để tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và hoàn lưu bão. Thời gian có ít, công việc thì nhiều, yêu cầu thì cao, phải bảo đảm hiệu quả ngay sau Hội nghị này, do đó Thủ tướng yêu cầu tất cả với tinh thần vì nhân dân, vì sự phát triển đất nước để khắc phục hậu quả bão số 3, các đại biểu cần nghiên cứu tài liệu để đóng góp ý kiến, chỉ rõ những việc làm được, chưa làm được, nguyên nhân vì sao để thời gian tới có thêm kinh nghiệm lao động chỉ đạo tốt hơn.

Thủ tướng nêu rõ Việt Nam là một trong 5-6 nước trên thế giới chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu vì có bờ biển dài, do đó cần phải rút kinh nghiệm để lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp tình hình. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm.

Thủ tướng nêu rõ, vừa qua, lĩnh vực nông nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ. Trước tình hình đó, ngày 27/9, Thủ tướng đã kịp thời ban hành Công điện về tập trung phát triển nông nghiệp vì nông nghiệp vẫn là bệ đỡ của nền kinh tế, do đó không được để nhân dân thiếu lương thực, thực phẩm, thiếu mặc; phải bảo đảm kiểm soát lạm phát, chống thao túng thị trường, găm hàng, đội giá, lợi dụng tình hình thiếu hụt hàng hoá do bão lũ, làm méo mó thị trường để trục lợi.

Nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm để có giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tốt hơn ảnh 2

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng nhấn mạnh cần đánh giá nghiêm túc việc dự báo, phòng chống, khắc phục hậu quả, rút ra bài học kinh nghiệm gì để nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, khôi phục lại sản xuất, kinh doanh, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm để đạt mục tiêu đã đề ra trong năm 2025, tạo tiền đề cho năm 2025 – năm cuối cùng của nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Do đó, Thủ tướng mong các đại biểu tập trung trí tuệ, từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, sau hội nghị này sẽ ban hành văn bản phù hợp, trên cơ sở đó, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của năm 2024.

* Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về thiệt hại và tác động của bão số 3 đến phát triển kinh tế-xã hội: mặc dù đã rất nỗ lực, khẩn trương, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tập trung mọi nguồn lực, huy động tối đa sức người, sức của đề phòng chống, ứng phó từ sớm từ xa, nhưng do Bão số 3 có phạm vi ảnh hưởng lớn, cường độ và diễn biến rất phức tạp, chưa từng có tiền lệ, nên mức độ thiệt hại là lớn. Cụ thể tình hình thiệt hại đến ngày 27/9 như sau:

Đến nay đã có 334 người chết, mất tích (318 người chết, 26 người mất tích), 1.976 người bị thương và tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai, nhất là trẻ em, người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương, gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân và nhà nước tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm để có giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tốt hơn ảnh 3

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương tham dự Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Tổng thiệt hại kinh tế ước tính sơ bộ chưa đầy đủ trên 81 nghìn tỷ đồng:

Về nhà ở: khoảng 282 nghìn căn nhà, 3.755 trường học, điểm trường bị hư hỏng, tốc mái, bị ngập, vùi lấp do sạt lở đất. Về nông nghiệp: khoảng 285 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, hư hại; 189.982ha rừng bị thiệt hại; 11.832 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; khoảng 5,6 triệu con gia súc, gia cầm bị chết.

Nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại như: 14 sự cố đường dây 500kV, 40 sự cố đường dây 220kV, 190 sự cố đường dây 110kV; 1.678 sự cố đường dây trung thế; 8.290 tuyến cáp quang bị hư hại; 210 cột ăng ten viễn thông bị gãy đổ; 9.235 trạm BTS bị mất liên lạc; đã xảy ra 796 sự cố đê điều trên 15 tỉnh, thành phố, trong đó có 433 sự cố trên các tuyến đê lớn từ cấp III trở lên và 363 sự cố trên các tuyến đê dưới cấp III; 820 vị trí trên các tuyến đường quốc lộ bị ách tắc và nhiều tuyến đường nội tỉnh bị sạt lở với tổng khối lượng đất đá khoảng 13.348 nghìn m³; tuyến đường sắt phía bắc bị ách tắc tại đoạn Đoan Thượng-Lào Cai; khoảng 3.517 công trình thủy lợi, cấp nước bị hư hỏng.

Tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại. Tăng trưởng GDP Quý III của cả nước có thể giảm 0,35%, quý IV giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3. Ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản, ước tăng trưởng có thể đạt 6,8-7%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%, công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%.

Nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm để có giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tốt hơn ảnh 4

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai... giảm trên 0,5%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, về các biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả bão lũ đã triển khai: công tác hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão lũ, ổn định đời sống được triển khai chủ động, kịp thời, bám sát chủ trương của Bộ Chính trị là dành ưu tiên cao nhất cho khắc phục hậu quả bão lũ; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 với 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cụ thể để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Về công tác hỗ trợ khắc phục hậu sau bão: các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội và toàn thể nhân dân đã chủ động phối hợp chặt chẽ, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ. Huy động gần 700 nghìn người và gần 9 nghìn phương tiện ứng phó với bão, mưa 10, sạt lở đất, lũ quét; chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Các lực lượng nhất là quân đội, công an tổ chức tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương (1.935 người bị thương). Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành 7 Quyết định trích dự phòng ngân sách trung ương, xuất cấp gạo từ dự trữ quốc gia (350 tỷ đồng và 432,585 tấn gạo) để các địa phương, cơ quan thực hiện các chính sách hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại và cứu trợ cho người dân có nguy cơ thiếu đói ; hỗ trợ 19 tấn hoá chất khử khuẩn môi trường (Chloramin B) và 3,0 triệu viên khử khuẩn nước Aquatabs; hạt giống lúa, ngô, rau màu; hoá chất khử trùng phòng, chống dịch bệnh trong nông nghiệp; vật tư, trang thiết bị từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh khắc phục hậu quả bão, mưa lũ.

Nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm để có giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tốt hơn ảnh 5

Đại diện lãnh đạo các tập đoàn, ngân hàng, doanh nghiệp chủ chốt tham dự Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)

Bộ Y tế: Xuất cấp 1.765.000 viên sát khuẩn nước Aquatabs 67mg, trị giá 1,24 tỷ đồng cho 6 địa phương (Lào Cai: 1.000.000 viên; Phú Thọ: 100.000 viên; Bắc Kạn: 50.000 viên; Vĩnh Phúc: 15.000 viên; Điện Biên: 100.000 viên; Cao Bằng: 200.000 viên) và cho Bộ Y tế 300.000 viên để cấp cho các địa phương (xin số lượng nhỏ lẻ) và các đơn vị thuộc Bộ Y tế để phòng, chống dịch bệnh.

Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, truyền thống tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều"; phát động phong trào quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Tính đến hết ngày 23/9, các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ, chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương với tổng số tiền là 1.714 tỷ đồng; Ban Vận động cứu trợ cấp tỉnh, thành phố của 26 địa phương đã tiếp nhận 1.654,3 tỷ đồng. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã quyên góp kinh phí, hiện vật để hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão, lũ lụt.

Lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế gửi điện thăm hỏi, chia sẻ với Việt Nam về thiệt hại do bão lũ. Các quốc gia và tổ chức quốc tế đã cam kết hỗ trợ trên 22 triệu USD cho Việt Nam để khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó cam kết hỗ trợ kinh phí 15 triệu USD thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trực tiếp nhận hơn 220 tấn hàng cứu trợ (trị giá 3 triệu USD) từ Chính phủ Australia, Thuỵ Sĩ, Ấn Độ, Nga, Singapore và các tổ chức quốc tế qua đường hàng không và chuyển ngay đến các địa phương như Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Kạn để hỗ trợ người dân vùng lũ.

Thanh Giang

 

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/nghiem-tuc-danh-gia-rut-kinh-nghiem-de-co-giai-phap-ung-pho-khac-phuc-hau-qua-thien-tai-tot-hon-a24411.html