Du khách trải nghiệm trò chơi vận động tại khu du lịch sinh thái Ông Đề ở huyện Phong Điền. |
Du lịch sông nước được xác định là sản phẩm đặc thù, chủ lực của du lịch Cần Thơ. Trong đó, chợ nổi Cái Răng gắn với các điểm du lịch sinh thái miệt vườn ven sông Cần Thơ trên địa bàn huyện Phong Điền là điểm đến trong định hướng chiến lược phát triển du lịch đường sông của Cần Thơ.
Các điểm du lịch gắn với sông nước được nhiều du khách biết đến và tham gia trải nghiệm như: Làng du lịch cộng đồng Cồn Sơn (quận Bình Thủy), cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt). Đến với Cồn Sơn, du khách tham quan vườn cây ăn trái, thưởng thức các món ăn truyền thống, các loại bánh dân gian Nam Bộ, tham quan bè nuôi cá loại cá quý của sông Mê Công, xem cá lóc bay, xiếc ếch… rất hấp dẫn.
Chị Lê Ngọc Hậu, du khách đến từ tỉnh Bình Phước cho biết: “Trải nghiệm du lịch Cồn Sơn mang đến nhiều điều thú vị. Cồn Sơn như miền Tây thu nhỏ, đến đây, du khách trải nghiệm đời sống, nét văn hóa của cư dân miền sông nước, độc đáo, hấp dẫn”.
Bên cạnh đó, Cần Thơ đang phát triển du lịch nông nghiệp đô thị và du lịch nông nghiệp công nghệ cao nhằm giữ chân du khách. Du lịch nông nghiệp phát triển dựa trên các điểm nhà vườn, các cơ sở kinh doanh đã hình thành, như: Can Tho Farm; Xà No Farm; Làng hoa kiểng Bà Bộ (quận Bình Thủy); Bảo Gia Trang Viên (quận Cái Răng) và các điểm vườn ở Phong Ðiền… cũng thu hút đông du khách.
Thành phố Cần Thơ có lợi thế phát dịch du lịch MICE với hơn 600 cơ sở lưu trú, nhiều khách sạn, trung tâm hội nghị đạt chuẩn 5 sao, thuận lợi về giao thông, chuỗi hệ thống các trung tâm thương mại…
Đền thờ Vua Hùng ở quận Bình Thủy, Cần Thơ thu hút du khách trong vùng đến tham quan. |
Du lịch MICE là loại hình du lịch dành riêng cho khách hàng có khả năng chi trả lớn với chất lượng sản phẩm, dịch vụ phải đạt tiêu chuẩn cao. Hiện, du lịch MICE ở Cần Thơ chỉ mới phát triển ở Meeting tour (du lịch gặp gỡ) và Incentive tour (du lịch khen thưởng); còn Conference tour (du lịch hội thảo) và Event tour (du lịch sự kiện/triển lãm) Cần Thơ chưa phát triển xứng tầm do cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực còn hạn chế, công tác quảng bá, xúc tiến chưa được quan tâm.
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện kinh tế thành phố Cần Thơ cho biết, để du lịch MICE thành phố Cần Thơ phát triển xứng tầm, ngoài đầu tư hạ tầng du lịch, thành phố cần tập trung vào việc xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu cho nhân lực MICE, bao gồm cả kỹ năng tổ chức sự kiện, quản lý khách sạn và phát triển dịch vụ khách hàng. Các chương trình đào tạo bao gồm các khóa học về quản lý sự kiện, văn hóa vùng miền và các quốc gia.
Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 29/12/2021 của Thành ủy Cần Thơ về phát triển du lịch trong tình hình mới với mục tiêu đến năm 2025, ngành du lịch thành phố Cần Thơ cơ bản thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có sức cạnh tranh cao; điểm đến hấp dẫn trong khu vực và cả nước.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ cho biết, để đạt được mục tiêu, thành phố Cần Thơ chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách, tạo môi trường du lịch thông thoáng để thu hút đầu tư; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, mở rộng liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, thành phố Cần Thơ đã và đang tập trung xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển du lịch, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch của thành phố Cần Thơ...
THANH TÂM
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/can-tho-phat-trien-cac-san-pham-du-lich-dac-trung-de-thu-hut-du-khach-a24429.html