Sinh viên ngành sư phạm Tiếng Anh, Trường đại học Đồng Tháp, trong giờ học tại “Phòng học thông minh”. (Ảnh HỮU NGHĨA) |
Việc tạo nguồn nhân lực sư phạm, nhất là nhân lực chất lượng cao, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, cơ sở đào tạo và nhà trường để giải quyết hiệu quả, căn cơ hơn.
Việc nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên sư phạm khu vực Tây Nam Bộ để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới đang được các cơ sở đào tạo chú trọng.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp, tính đến ngày 1/9, toàn tỉnh có hơn 16.670 giáo viên mầm non, phổ thông. So với nhu cầu chung, tỉnh còn thiếu 1.426 giáo viên; trong đó tập trung nhiều nhất là bậc mầm non, tiểu học và các bộ môn: Tiếng Anh, Tin học, Ngữ văn.
Tại An Giang, năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 402.000 học sinh của 714 trường học các cấp và chín cơ sở giáo dục có giảng dạy hệ giáo dục thường xuyên. Hiện tại số giáo viên ở cả hai cấp học giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông đều thiếu so với quy định về định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục.
Tính tới thời điểm 31/5, toàn tỉnh An Giang có gần 19.840 giáo viên, trong khi nhu cầu năm học 2024-2025 là 21.430 giáo viên. Thực tế cho thấy, đội ngũ giáo viên đang thiếu trong các trường đều rơi vào các môn Mỹ thuật, Công nghệ thông tin, Lịch sử, Địa lý và Khoa học tự nhiên.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang Trần Thị Ngọc Diễm cho rằng, những năm gần đây, số học sinh, số lớp đều tăng cao, trong khi đó, nguồn tuyển dụng viên chức không đáp ứng đủ số lượng theo nhu cầu (có chỉ tiêu tuyển dụng nhưng tuyển không đủ chỉ tiêu).
Năm học 2023-2024, ngành giáo dục tỉnh chưa tuyển dụng được số biên chế được cấp có thẩm quyền giao, do các đơn vị phải xây dựng (điều chỉnh) đề án vị trí việc làm theo quy định.
Các đơn vị còn biên chế chưa tuyển dụng thì không thể tuyển dụng hết số biên chế được giao do thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình đến năm 2026 phải giảm 10% số biên chế viên chức; một số giáo viên về hưu, thôi việc, chuyển công tác khác.
Còn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thúy Hà lý giải, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do số giáo viên về hưu đúng tuổi, nghỉ tinh giản biên chế hằng năm nhiều (cộng dồn nhiều năm).
Trong khi đó, số sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm đăng ký tuyển dụng hằng năm lại ít hơn nhiều so với số đã nghỉ (cung không đủ cầu), đã dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên trong nhiều năm qua.
Việc thừa và thiếu giáo viên gây khó khăn trong việc phân bổ và đào tạo nhân lực phù hợp với nhu cầu địa phương. Do đó, các đơn vị đào tạo đang tìm cách cân đối nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của các địa phương trong vùng…
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang đã tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế giáo viên cho ngành giáo dục hằng năm bảo đảm theo quy định về định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt việc tuyển dụng và sử dụng nhà giáo nhằm phát triển đội ngũ đủ về số lượng và ngày càng được cải thiện, nâng cao về chất lượng, trình độ, phẩm chất, năng lực.
Theo Trưởng khoa Sư phạm, Trường đại học An Giang (thành viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Phương Thảo, tính từ năm 2020 đến năm 2023, mỗi năm, trường tuyển tổng chỉ tiêu từ 371 đến 640 sinh viên ngành sư phạm, riêng ngành sư phạm Tiếng Anh thuộc Khoa Ngoại ngữ tuyển sinh mỗi năm từ 60 đến 100 sinh viên.
Năm học 2024-2025, trường tuyển 583 sinh viên ở 11 ngành học sư phạm. Tất cả chỉ tiêu tuyển sinh đều theo quy định của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp sẽ phối hợp các sở, ngành và địa phương rà soát, dự báo số giáo viên sẽ về hưu, thôi việc. Đồng thời, tổng hợp số giáo viên còn đang thiếu để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định chỉ tiêu đào tạo (hoặc đặt hàng đào tạo) sinh viên sư phạm phù hợp.
Hằng năm, sở cùng các địa phương trong tỉnh rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế giáo viên theo định mức giáo viên trên lớp theo quy định (nếu còn thiếu).
“Trước mắt, trong năm học 2024-2025, ngành giáo dục tỉnh đề ra một số giải pháp tạm thời để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, trong đó có việc cơ sở giáo dục ký hợp đồng với sinh viên tốt nghiệp sư phạm ra trường đang chờ tuyển dụng. Các cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng tiếp tục rà soát nhu cầu, tổ chức tuyển dụng giáo viên theo thẩm quyền quy định”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thúy Hà cho biết thêm.
Theo báo cáo thống kê mới đây về tình hình việc làm của sinh viên Trường đại học Đồng Tháp tốt nghiệp năm 2022 cho thấy, trong các ngành đào tạo sư phạm, sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm chiếm tỷ lệ cao.
Trong đó, qua khảo sát, có một số ngành như: Sư phạm mỹ thuật, giáo dục thể chất, sư phạm Tiếng Anh… tỷ lệ có việc làm trên tổng số sinh viên phản hồi từ 96,3% đến 100%.
Tiến sĩ Hồ Văn Thống, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Tháp cho biết, bên cạnh cải tiến công tác tuyển sinh, trường cũng đã thực hiện đổi mới chương trình đào tạo với việc điều chỉnh liên tục để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là hai môn Tin học và Tiếng Anh có nhu cầu giáo viên đang tăng cao.
Cùng với đó, tăng cường gắn kết với các trường phổ thông để sinh viên có cơ hội tiếp cận nhiều, tiếp cận sớm với môi trường giáo dục thực tế nhằm giúp sinh viên ra trường không bị bỡ ngỡ, có thể thực hiện ngay nhiệm vụ giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trường đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và đầu tư cơ sở vật chất.
Hiện tại, Trường đại học Đồng Tháp thực hiện chính sách hỗ trợ sinh viên, như: Hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên theo ngành sư phạm không gặp quá nhiều khó khăn về tài chính.
Trường cũng tham gia bồi dưỡng giáo viên cốt cán các cấp theo nhiệm vụ do Bộ Giáo dục và Đào tạo giao.
Trường luôn xác định kiến tập, thực tập là hoạt động quan trọng hàng đầu trong công tác đào tạo, giúp sinh viên tiếp cận thực tế, nắm vững nghiệp vụ sư phạm, trau dồi phẩm chất, năng lực và kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu xã hội.
Bà Nguyễn Thúy Hà cho rằng, kiến thức chuyên môn, chuyên ngành là quan trọng, nhưng với sinh viên, nhất là sinh viên nhóm ngành sư phạm, phải được tăng cường đào tạo những kỹ năng mềm, những chủ trương, đường lối đổi mới của ngành. Sinh viên nhóm ngành này cần thực tập nhiều hơn để khi tốt nghiệp, có tay nghề tốt hơn…
LÂM NGHĨA DŨNG
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/bai-toan-giao-vien-o-tay-nam-bo-a24430.html