Quy định về bảo đảm giao thông sau khi thông cầu phao tạm thay thế cầu Phong Châu

Đúng 6 giờ sáng 30-9, cầu phao PMP 60T thay thế cho cầu Phong Châu do Lữ đoàn 249 (Binh chủng Công binh) triển khai bắc đã tổ chức thông xe, phục vụ đi lại cho người dân hai bên bờ sông Thao thuộc huyện Tam Nông và Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ).

Ngay sau khi thông xe, bà con hai bên bờ sông đã phấn khởi lưu thông trên chiếc cầu phao do bộ đội Công binh lắp đặt, dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 249 và các lực lượng khác trên địa bàn làm nhiệm vụ trực chốt trên cầu và các khu vực bến hai bên bờ.

Quy định về bảo đảm giao thông sau khi thông cầu phao tạm thay thế cầu Phong Châu
Người dân hai bên bờ sông Thao, địa phận huyện Tam Nông và Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) vui mừng lưu thông trên cầu phao sáng 30-9. Ảnh: THÙY ANH 

Theo thông báo của Binh chủng Công binh, sau khi thông cầu, tạm thời, các loại phương tiện xe thô sơ, xe máy, xe gắn máy, xe mô tô 3 bánh sẽ được phép lưu thông trên cầu phao theo 2 chiều; vận tốc khi đi trên cầu phao dưới 5km/giờ. Đối với các loại phương tiện xe ô tô, bước đầu, chỉ cho phép các loại xe ô tô con, xe bán tải (có 2 đến 4 chỗ ngồi) lưu thông 1 chiều khi đi qua cầu; thời gian mỗi chiều khi lưu thông 10 phút; khoảng cách giữa các xe khi đi trên cầu từ 30m trở lên; vận tốc khi đi trên cầu phải dưới 10km/giờ.

Sau thời gian thử nghiệm, đánh giá mức độ an toàn, các cơ quan, đơn vị sẽ trao đổi, thống nhất để mở rộng đối tượng, nâng tải trọng của các loại phương tiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại, thông thương hàng hóa của người dân.

Được biết, thời gian bảo đảm giao thông qua cầu từ 6 giờ đến 22 giờ hằng ngày; ngoài thời gian trên, đơn vị tổ chức cắt cầu cho các phương tiện thủy lưu thông từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau; trong khoảng thời gian từ 5 giờ đến 6 sáng hằng ngày các bộ phận của đơn vị tiến hành khớp nối cầu.

Quy định về bảo đảm giao thông sau khi thông cầu phao tạm thay thế cầu Phong Châu
Lực lượng Lữ đoàn 249 (Binh chủng Công binh) chốt trực tại các điểm lên, xuống để hướng dẫn người dân lưu thông qua cầu phao. Ảnh: THÙY ANH 

Chỉ huy Lữ đoàn 249 cho biết, hiện tại, đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng, cơ quan chức năng trên địa bàn tổ chức trực tiếp điều hành, quản lý bến vượt cầu. Thực hiện nhiệm vụ, theo kế hoạch, đơn vị sẽ huy động lực lượng với 12 bộ phận, gồm đầy đủ các thành phần như: Chỉ huy; kiểm tra kỹ thuật; tổ cấp cứu trên cầu; tổ xử lý vật cản trên sông; tổ trực ca nô, đầu kéo; tổ canh gác và hướng dẫn trên cầu; tổ cứu kéo; tổ sửa chữa; tổ xử lý đường lên xuống bến; bộ phận cảnh giới thượng lưu (sử dụng xuồng cao tốc); cảnh giới hạ lưu (sử dụng ca nô)…

Trong đó, ở phạm vi cách đầu bến 450m bờ ta, 150m bờ đối trở vào và khu vực trên cầu do Lữ đoàn 249 đảm nhiệm chỉ huy điều hành giao thông và bảo đảm kỹ thuật, an toàn. Ngoài phạm vi trên, do lực lượng Công an và Thanh tra Giao thông chỉ huy điều hành, điều tiết giao thông. Khi tổ chức cắt cầu, sử dụng tất cả lực lượng để tham gia theo sự điều hành của bến trưởng.

Trên sông, cách cầu 2km về phía thượng lưu và cách cầu 1km phía hạ lưu do lực lượng Lữ đoàn 249 đảm nhiệm; ngoài phạm vi trên do lực lượng Công an và Chi cục Đường thủy nội địa đảm nhiệm.

CHIẾN VĂN

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/quy-dinh-ve-bao-dam-giao-thong-sau-khi-thong-cau-phao-tam-thay-the-cau-phong-chau-a24439.html