Đánh thức tiềm năng khu du lịch Mẫu Sơn

Trong Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu du lịch Mẫu Sơn (tỉnh Lạng Sơn) là 1 trong 46 điểm đến hấp dẫn trong toàn quốc.

Toàn cảnh khu du lịch Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn).
Toàn cảnh khu du lịch Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn).

Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tiềm năng du lịch đặc sắc, độc đáo riêng có, Mẫu Sơn hội tụ đầy đủ các điều kiện để xây dựng phát triển thành khu du lịch quốc gia.

Điểm đến du lịch hấp dẫn giàu tiềm năng

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lộc Bình, Trịnh Tuấn Đông cho biết: Mẫu Sơn nằm trên địa bàn 3 xã: Công Sơn, Mẫu Sơn huyện Cao Lộc và Mẫu Sơn huyện Lộc Bình, với tổng diện tích 10.470ha.

Khu du lịch Mẫu Sơn bao gồm một quần thể khoảng 80 ngọn núi lớn, nhỏ. Các đỉnh núi cao nhất là Phia Pò (Núi Cha) cao 1.541m, đỉnh Phia Mè (Núi Mẹ) cao 1.520m.

Đánh thức tiềm năng khu du lịch Mẫu Sơn ảnh 1

Các chàng trai người Dao Mẫu Sơn thổi kèn Pí Lè trong ngày hội xuân.

Khí hậu Mẫu Sơn mang nét đặc thù của vùng á nhiệt đới và ôn đới với nhiệt độ trung bình trong năm là 15,6 độ C với 2 mùa rõ rệt. Mùa hè từ tháng 4 đến tháng 10, thời tiết mát mẻ, nhiệt độ trung bình từ 16-21 độ C rất thích hợp cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Mùa đông từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, có nhiệt độ trung bình từ 7,2-13,2 độ C, năm lạnh nhất tới -5 độ C, thường xuyên có sương mù bao phủ, có băng tuyết vào những ngày giá rét.

Hệ thống thủy văn ở Mẫu Sơn khá đa dạng với hơn 10 dòng suối chảy từ các đỉnh núi xuống xung quanh như suối Khuổi Lầy, Khuổi Tẳng, Khuôn Van, Nà Mìu, Lặp Pịa, Bản Khoai ở phía Nam; suối Pắc Đây, Co Khuông, Làng Kim, Khuổi Phiêng, Khuổi Luông ở phía Bắc Mẫu Sơn. Các dòng suối này dồi dào lượng nước quanh năm, chưa bao giờ khô hạn.

Đánh thức tiềm năng khu du lịch Mẫu Sơn ảnh 2

Tiết mục múa chào đón khách của người Dao Mẫu Sơn.

Thảm thực vật ở Mẫu Sơn khá phong phú trên diện tích gần 5.000ha rừng. Rừng tự nhiên ở đây có nhiều sinh vật quý, hiếm như sồi, dẻ, trầm hương, tùng la hán, vối thuốc. Một số loài hoa như đỗ quyên và các loài phong lan đẹp chỉ vùng núi này mới có. Mẫu Sơn còn có rất nhiều loại cây, con quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như chè san tuyết cổ thụ, đào, chanh rừng, ếch hương…

Đặc sắc về văn hóa tâm linh

Bên cạnh những giá trị về tự nhiên, Mẫu Sơn còn đặc biệt hấp dẫn bởi những giá trị về văn hóa tâm linh và bản sắc văn hóa dân tộc thuần khiết của cộng đồng các dân tộc sinh sống nơi đây.

Trong văn hóa tâm linh, khu Linh địa - Đền cổ Mẫu Sơn nằm ở nơi “đắc địa” giữa Núi Cha và Núi Mẹ tại thôn Lặp Pịa, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, đã trở thành huyền tích bí ẩn.

Nhân dân quanh vùng Mẫu Sơn vẫn truyền tụng nhiều chuyện kể, huyền tích, huyền thoại về khu Linh địa - Đền cổ này, trong đó có câu chuyện khá ấn tượng là huyền tích về “những phiến đá thiêng rỉ máu”.

Đánh thức tiềm năng khu du lịch Mẫu Sơn ảnh 3

Trang phục của phụ nữ người Dao Mẫu Sơn.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Đăng Ân chia sẻ: Từ xa xưa, nhân dân các dân tộc trong vùng sử dụng ngôi đền này làm nơi sinh hoạt tâm linh, là một di tích tín ngưỡng, tôn giáo linh thiêng. Không chỉ đơn thuần là nơi thờ tự, lăng mộ, đền cổ-mộ đá trên khu Linh địa - Đền cổ còn là biểu tượng của sức mạnh văn hóa, thể hiện đời sống tinh thần phong phú của người Tày cổ trong khu vực.

Ngoài ra, Mẫu Sơn còn có cả huyền thoại, truyền thuyết dân gian về Núi Cha, Núi Mẹ, núi Phặt Chỉ… Những giá trị phi vật thể về một vùng đất thiêng tạo cho Mẫu Sơn một sức hấp dẫn tâm linh đặc biệt.

Mẫu Sơn còn là vùng đất có nhiều giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc Tày, Nùng, Dao sinh sống xung quanh khu vực được bảo tồn khá nguyên vẹn.

Đánh thức tiềm năng khu du lịch Mẫu Sơn ảnh 5

Các sản vật của bà con người Dao Mẫu Sơn được bày bán trong các lễ hội.

Trong đó phải kể đến lễ cấp sắc, lễ cầu mùa, tục thờ cúng tổ tiên, thờ thổ công thần núi, thờ cúng núi Phặt Chỉ; trang phục, kiến trúc nhà trình tường và các làn điệu dân ca như Pảo Dung, thổi khèn Pí Lè của người Dao Lù gang; lễ hội Lồng tồng (xuống đồng) và những làn điệu then đàn tính tẩu, hát sli, lượn của người Tày, Nùng.

Mẫu Sơn còn nổi tiếng với nét văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc có tính chất, đặc trưng rất riêng như rượu được chưng cất từ men lá, mật ong, chanh rừng, đào và chè tuyết từ những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên các đỉnh núi cao.

Để khai thác tiềm năng khu du lịch Mẫu Sơn, năm 2022, tỉnh Lạng Sơn đã khởi công dự án Quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn tại đỉnh Mẫu Sơn. Dự án có tổng mức đầu tư 7.352 tỷ đồng do Công ty trách nhiệm hữu hạn Mặt trời Lạng Sơn, thuộc Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư, trong đó giai đoạn 1 dự án sẽ triển khai xây dựng các hạng mục công trình gồm: khu ga đi, khu vui chơi giải trí đỉnh núi Mẫu Sơn và khu Tâm linh Phật Chỉ với diện tích sử dụng đất hơn 692ha.

Đánh thức tiềm năng khu du lịch Mẫu Sơn ảnh 6

Bà con người Dao ở Mẫu Sơn tham dự các lễ hội xuân tại huyện Lộc Bình (Lạng Sơn).

Dự kiến, khi hoàn thành, quần thể này sẽ đưa Mẫu Sơn trở thành điểm đến “bốn mùa tuyết phủ” phục vụ nhân dân và du khách. Quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn là một dự án trọng điểm trong lộ trình phát triển du lịch Mẫu Sơn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để trở thành khu du lịch quốc gia, với sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch văn hóa tâm linh và du lịch sinh thái của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước.

HÙNG TRÁNG - QUỐC ĐẠT

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/danh-thuc-tiem-nang-khu-du-lich-mau-son-a24487.html