Phát huy giá trị Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc

Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc tọa lạc tại Phường 4, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp là nơi yên nghỉ của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đây là một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống hiếu học, yêu nước, thương nòi cho thế hệ trẻ của địa phương và cả nước.

Khu mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong Khu di tích.
Khu mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong Khu di tích.

Nhiều năm nay, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân. Việc phát huy tốt giá trị của khu di tích này sẽ thu hút, hấp dẫn khách tham quan, góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Kính trọng, tri ân Cụ Phó bảng

Sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, nhưng Cao Lãnh là miền quê ân tình sâu nặng đối với Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Khi về sinh sống tại làng Hòa An, cụ được nhân dân địa phương kính mến, yêu thương, đùm bọc như người thân ruột thịt. Người dân rất quý trọng tài năng, đức độ và nhân cách cao cả của cụ, một nhà nho yêu nước, thương dân. Cụ Nguyễn Sinh Sắc mất trong vòng tay yêu thương của người dân làng Hòa An vào đêm 26 rạng 27/10 năm Kỷ Tỵ (năm 1929).

Từ khi Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc được hoàn thành đến nay, mỗi ngày, nơi đây tiếp đón nhiều đoàn khách đến viếng mộ Cụ Nguyễn Sinh Sắc và tham quan khu di tích. Tất cả đều tỏ lòng thành kính, tri ân đối với cụ. Trong dòng người đến viếng, chị Nguyễn Thị Hằng ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai bộc bạch: “Lần đầu đến đây, tôi rất xúc động khi thắp nén nhang viếng Cụ Nguyễn Sinh Sắc. Tìm hiểu thêm về cuộc đời của Cụ Phó bảng, thế hệ trẻ chúng tôi nguyện cố gắng học tốt hơn nữa để sau này lập thân, lập nghiệp và giúp ích cho xã hội”.

Theo Ban Quản lý Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, sau khi đất nước thống nhất, ngày 22/8/1975, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành xây dựng Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc và khánh thành vào ngày 13/2/1977. Quần thể khu di tích này gồm: Mộ và vòm mộ, đài sen, nhà trưng bày hình ảnh và hiện vật về cuộc đời Cụ Nguyễn Sinh Sắc; phòng trưng bày hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc đang lưu giữ nhiều hiện vật, tài liệu, quà lưu niệm cùng nhiều loại cây lâu năm, thậm chí có cây khế gần 300 năm tuổi, được người dân dành tặng. Tại đây cũng lưu lại tình cảm của các đồng chí lãnh đạo, các tầng lớp nhân dân đối với Cụ Phó bảng trong rất nhiều sổ lưu niệm. Từng trang lưu niệm là những dòng chữ chứa chan niềm xúc động, bày tỏ niềm kính yêu, tri ân công ơn của Cụ Nguyễn Sinh Sắc.

Lật mở từng trang sổ lưu niệm, chúng tôi bắt gặp những dòng chữ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi ngày 8/3/1991: “Nhân dân Việt Nam đời đời nhớ ơn Cụ Nguyễn Sinh Sắc, nhà nho yêu nước của đất Lam Hồng. Người đã sinh ra và giáo dục người con ưu tú của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta”.

Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Bảo Chung viết: “Anh chị em nghệ sĩ của Đoàn nghệ thuật Ngôi Sao Xanh - Bộ đội Biên phòng vô cùng xúc động được đến thăm khu di tích, nơi có phần mộ Cụ Nguyễn Sinh Sắc. Chúng tôi thấy đây là niềm hạnh phúc lớn lao trong chuyến đi lưu diễn các tỉnh phía nam. Đây chính là niềm động viên to lớn đối với các nghệ sĩ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Việt Nam”…

Theo Ban Quản lý Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, sau khi đất nước thống nhất, ngày 22/8/1975, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành xây dựng Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc và khánh thành vào ngày 13/2/1977. Quần thể khu di tích này gồm: Mộ và vòm mộ, đài sen, nhà trưng bày hình ảnh và hiện vật về cuộc đời Cụ Nguyễn Sinh Sắc; phòng trưng bày hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong quá trình xây dựng, tất cả đều tâm niệm là sự “đền ơn đáp nghĩa” đối với vị thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Suốt 18 tháng thi công, lúc nào cũng có từ 200 đến 700 người dân, các thầy, cô giáo, học sinh, sinh viên, bộ đội và cả những cụ già ngoài 70 tuổi đến xin góp công xây dựng khu mộ Cụ Nguyễn Sinh Sắc.

Nếu như vùng đất Kim Liên, Nam Đàn (Nghệ An) tự hào vì đã sản sinh ra một nhà nho yêu nước, thương dân, thì Cao Lãnh mang nặng nghĩa tình và có vinh dự được chăm sóc Cụ Phó bảng trong những năm tháng cuối đời. Nơi đây còn thay mặt nhân dân cả nước đấu tranh bền bỉ, giữ gìn nguyên vẹn phần mộ cụ cho tới ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Trong những năm tháng chiến tranh, việc tổ chức ngày giỗ của Cụ Phó bảng gặp nhiều trở ngại. Mỗi khi gần đến ngày giỗ cụ, nhân dân Hòa An, Cao Lãnh với sự kính mến, lòng biết ơn sâu sắc đã thay phiên nhau chăm sóc, sửa sang lại mộ phần và mang hoa, quả đến cúng viếng cụ rất chu đáo.

Nhiều năm nay, Ngày giỗ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc hằng năm đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống ở đất sen hồng. Lễ giỗ cụ mang đậm nét cổ truyền của dân tộc, đồng thời mang tính cộng đồng gắn với nhiều hoạt động văn hóa, trong đó, các tầng lớp nhân dân cùng gói bánh tét để phục vụ lễ giỗ.

Giám đốc Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc Võ Thị Tuyết Ngoa cho biết, việc tổ chức lễ giỗ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc hằng năm được tỉnh Đồng Tháp tổ chức trang trọng, thể hiện lòng thành kính, tri ân, ghi nhớ những đóng góp quan trọng của cụ đối với sự nghiệp cách mạng và sự phát triển của đất nước. Cùng với các dịp lễ, Tết, các sự kiện chính trị, văn hóa truyền thống diễn ra tại Khu di tích, vào dịp lễ giỗ cụ, khu di tích đã tổ chức đón tiếp và phục vụ chu đáo hàng chục nghìn lượt khách trong cả nước đến tham dự…

Phát huy giá trị Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc ảnh 1

Du khách viếng cụ Nguyễn Sinh Sắc và tham quan khu di tích.

Hướng đến Di tích quốc gia đặc biệt

Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc hiện có bốn phân khu, gồm: Khu mộ, đền thờ, nhà trưng bày cuộc đời, sự nghiệp của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhà trưng bày cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; khu vực nhà sàn Bác Hồ và vườn, ao cá; không gian văn hóa mô hình làng Hòa An xưa và khu vực tổ chức hội trò chơi dân gian, giải trí với tổng diện tích gần 9 ha. Tổng thể khu di tích là một phức hợp kiến trúc hài hòa, mang đậm dấu ấn lịch sử-văn hóa Đồng Tháp. Năm 2010, Khu di tích đưa vào hoạt động dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị mộ Cụ Nguyễn Sinh Sắc với nhiều hạng mục: Nhà trưng bày cuộc đời Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; phục dựng, tái hiện một góc làng Hòa An xưa giúp du khách hình dung nơi Cụ Nguyễn Sinh Sắc đã từng sống, hoạt động trong khoảng thời gian 1927-1929.

Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc là một trong những điểm du lịch tiêu biểu của Đồng Tháp, một địa chỉ đỏ để tổ chức hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống lịch sử và lòng yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. Đồng Tháp vinh dự được thay mặt đồng bào cả nước và dòng họ Nguyễn Sinh trông coi khu mộ, hương khói thờ cúng Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc…

Qua thời gian, một số hạng mục của khu di tích đã xuống cấp cần được tu bổ, tôn tạo. Nhằm phát huy hơn nữa giá trị lịch sử-văn hóa của di tích, thể theo nguyện vọng của nhân dân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp đang thực hiện dự án “Tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc” để tri ân công lao to lớn của Cụ Nguyễn Sinh Sắc.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Thị Hoài Thu, dự án (thực hiện từ năm 2024 đến 2026) nhằm hoàn thiện kiến trúc, cảnh quan, các hạng mục công trình xây dựng và hạ tầng kỹ thuật được đồng bộ; tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, hướng đến xây dựng hồ sơ khoa học trình cấp thẩm quyền xếp hạng Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc là Di tích quốc gia đặc biệt. Qua đó, sẽ giúp cho du khách khi đến tham quan di tích ngoài mục đích học tập, tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc đời và nhân cách cao cả của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, còn được nghỉ ngơi, thư giãn, trải nghiệm các hoạt động vui chơi giải trí, được thưởng thức đặc sản địa phương và các giai điệu nghệ thuật đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.

Tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc thông qua tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Tăng cường các hoạt động ngoại khóa kết hợp giữa nhà trường với khu di tích cho học sinh trên địa bàn tỉnh đến với khu di tích. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa của địa phương trong các tầng lớp nhân dân. Tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ viên chức làm công tác hướng dẫn khách tham quan tại khu di tích về chuyên môn, nghiệp vụ; về văn hóa, nghệ thuật, kỹ năng ứng xử và vốn ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách tham quan… 

Bài, ảnh: HỒNG LÂM và HỮU NGHĨA

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/phat-huy-gia-tri-khu-di-tich-nguyen-sinh-sac-a24667.html