Mỹ - Ấn Độ bắt tay mở rộng chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng

Mỹ và Ấn Độ vừa qua đã ký thỏa thuận nhằm mở rộng và đa dạng hóa chuỗi cung ứng các loại khoáng sản quan trọng, vốn đóng vai trò then chốt đối với nền kinh tế và quá trình chuyển đổi xanh của cả Washington và New Delhi.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, thỏa thuận được ký kết nhằm mục đích tận dụng thế mạnh bổ sung lẫn nhau của hai nước để tăng cường khả năng phục hồi trong lĩnh vực khoáng sản quan trọng. Hai nước sẽ tập trung xác định những giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển thương mại các hoạt động thăm dò, khai thác, tinh chế, tái chế và thu hồi khoáng sản quan trọng.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal mô tả đây là mối quan hệ đối tác đa chiều, mở rộng chuỗi cung ứng vật liệu, phát triển công nghệ và dòng đầu tư để thúc đẩy năng lượng xanh. Ông lưu ý rằng Mỹ và Ấn Độ sẽ cần phải hợp tác với các nước thứ ba, bao gồm những quốc gia giàu khoáng sản ở châu Phi và Nam Mỹ.

Khoáng sản quan trọng là một lĩnh vực thiết yếu trong mối quan hệ hợp tác Mỹ-Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ đang thực hiện các chính sách nhằm tăng cường sản xuất và chế biến các loại khoáng sản này, nhằm củng cố vị thế của New Delhi trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, với Mỹ, mối lo ngại phụ thuộc vào nguồn khoáng sản quan trọng nhập khẩu từ Trung Quốc đã thúc đẩy Washington triển khai các chiến lược đa dạng hóa nguồn cung. Ấn Độ-đồng minh chiến lược của Mỹ và cũng là quốc gia đang phát triển đầu tiên tham gia sáng kiến Đối tác an ninh khoáng sản do Washington dẫn đầu-đóng vai trò quan trọng trong chiến lược này.

Cần biết rằng, cả Mỹ và Ấn Độ đều phụ thuộc vào nguồn cung khoáng sản quan trọng từ Trung Quốc. Điều này đặt ra thách thức chiến lược đối với Washington và New Delhi nhưng đồng thời cũng là lý do để hai quốc gia tăng cường hợp tác nhằm mở rộng và đa dạng hóa chuỗi cung ứng các loại khoáng sản quan trọng.

Các nguyên tố đất hiếm và khoáng sản đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với các ngành công nghiệp trong tương lai, cung cấp các thành phần thiết yếu cho sản xuất năng lượng tái tạo, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững và tăng cường quốc phòng. Những năm gần đây, nhu cầu về khoáng sản quan trọng gia tăng song hành với nhu cầu chuyển đổi công nghệ số-công nghệ xanh, kéo theo sự biến động về giá cả và những rủi ro tiềm ẩn trong chuỗi cung ứng.

Mỹ - Ấn Độ bắt tay mở rộng chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng

Mỏ đất hiếm Mountain Pass, ở bang California, Mỹ. Ảnh: Reuters 

Hiện Trung Quốc là nước dẫn đầu trong chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng, chiếm khoảng 60% sản lượng khoáng sản và nguyên liệu đất hiếm trên thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc nếu Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu khoáng sản quan trọng, thì không chỉ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế sử dụng năng lượng sạch của Mỹ và Ấn Độ bị ảnh hưởng, mà mọi hoạt động sản xuất cần các nguyên liệu khoáng sản thiết yếu cũng bị đình trệ.

Những lo ngại về rủi ro nguồn cung xuất hiện từ năm ngoái khi Trung Quốc bắt đầu siết chặt các quy định xuất khẩu một số khoáng sản quan trọng. Tháng 8-2023, Trung Quốc chính thức hạn chế xuất khẩu hai vật liệu là germanium và gallium-những thành phần giúp tạo ra chất bán dẫn. Động thái này đã khiến giá của hai loại vật liệu này tăng đột biến. Không chỉ vậy, tháng 12-2023, Bắc Kinh tiếp tục áp dụng lệnh cấm xuất khẩu công nghệ sản xuất kim loại đất hiếm và các vật liệu hợp kim, công nghệ liên quan đến nam châm đất hiếm.

Đây cũng là lý do Mỹ và đồng minh đẩy mạnh việc thiết lập các chuỗi cung ứng thay thế để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Giới phân tích dự báo, sự ra đời của các liên minh hợp tác khai thác khoáng sản quan trọng sẽ là xu hướng phát triển trong thời gian tới. Và những thỏa thuận hợp tác "đôi bên cùng có lợi" như thỏa thuận vừa được ký kết giữa Mỹ và Ấn Độ sẽ được tận dụng như đòn bẩy để phát triển những chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng mới.

Theo Andrew Miller, Giám đốc điều hành của công ty dữ liệu Benchmark Mineral Intelligence, nỗ lực khu vực hóa chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng là ưu tiên hàng đầu của tất cả các nền kinh tế phương Tây hiện nay. Ông cho rằng, nỗ lực chuyển đổi bền vững sang năng lượng sạch là mục tiêu chỉ có thể đạt được với các chuỗi cung ứng đa dạng hơn.

BẢO CHÂU

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/my-an-do-bat-tay-mo-rong-chuoi-cung-ung-cac-khoang-san-quan-trong-a24711.html