Thấm đượm bản sắc văn hóa vùng Đông Bắc

Diễn ra từ ngày 2 đến 4-11, tại Lạng Sơn, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024 mang đến những trải nghiệm độc đáo cho nhân dân và du khách, nêu cao tinh thần bảo tồn, lan tỏa nét đặc sắc văn hóa dân tộc.

Những tập tục độc đáo

Chọn được ngày lành tháng tốt, gia đình anh Tẩn Văn Nghiền ở xóm Khuổi Chủ, xã Thượng Hà, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng mời thầy mo và anh em họ hàng đến làm lễ trưởng thành cho con trai. Lễ vật cấp sắc được gia đình chuẩn bị gồm: Rượu, gạo, thịt lợn, gà luộc và mâm xôi ngũ sắc.

Tham gia thực hành lễ chính có thầy mo Tẩn Văn Chích, thầy mo phụ thứ nhất Phón Văn Tẳng, thầy mo phụ thứ hai Tẩn Văn Ón và người thụ lễ Tẩn Văn Khìn. Sau khi làm lễ xong, gia đình anh Tẩn Văn Nghiền tổ chức khao làng để thể hiện lòng biết ơn đối với làng xóm đã đến giúp đỡ, chứng kiến sự trưởng thành của con trai Tẩn Văn Khìn.

Câu chuyện trên nằm trong trích đoạn Lễ trưởng thành của người Sán Chỉ, được thể hiện bởi các nghệ nhân đến từ Đoàn Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng tại Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024. Dù thời gian tái hiện chỉ khoảng 15 phút, trích đoạn đã giúp nhân dân và du khách hiểu hơn về nét đẹp truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Chỉ.

Thấm đượm bản sắc văn hóa vùng Đông Bắc
 Trích đoạn Lễ trưởng thành của người Sán Chỉ, xã Thượng Hà, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.

Thầy mo Tẩn Văn Chích cho biết: “Lễ trưởng thành của người Sán Chỉ là một nghi lễ truyền thống có từ lâu đời mang đậm nét văn hóa riêng biệt, đánh dấu mốc trưởng thành trong vòng đời của đàn ông. Người Sán Chỉ làm lễ trưởng thành cho con trai từ 12 tuổi trở lên, đàn ông ai cũng phải qua nghi thức này. Có vợ con mà chưa làm lễ thì không được xem là người trưởng thành”.

Hóa thân thành “Ma cỏ”, anh Lu Dỉ Poóng (thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) cùng các nghệ nhân đã tái hiện lại nghi lễ cúng tổ tiên truyền thống của người dân tộc Lô Lô. “Ma cỏ” được quấn cỏ che kín thân, đeo mặt nạ, chỉ hở hai mắt và miệng. Trong lễ cúng tổ tiên có nghi lễ “Ma cỏ” nhảy với người dân trong vài tiếng đồng hồ, vì vậy, những người được chọn làm “Ma cỏ” phải có sức khỏe tốt và lòng nhiệt tình.

Anh Lu Dỉ Poóng cho biết: “Mỗi lần thôn có lễ cúng tổ tiên hay hoạt động trình diễn phục vụ du khách, tôi thường được vào vai “Ma cỏ”. Đây là nghi lễ linh thiêng dạy cho con cháu hướng về nguồn cội, biết ơn tổ tiên, tạo sự gắn bó giữa gia đình và dòng họ".

Nâng cao trách nhiệm với văn hóa dân tộc

Được tổ chức định kỳ 3 năm một lần, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng tham gia giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Ngày hội năm nay có nhiều hoạt động hấp dẫn, như: Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương; trưng bày, chế biến và giới thiệu văn hóa ẩm thực truyền thống; thi trình diễn kỹ năng hướng dẫn viên du lịch; liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc vùng Đông Bắc; hoạt động thể thao và các trò chơi dân gian dân tộc...

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho hay: “Các hoạt động của ngày hội đã tạo nên một bức tranh sinh động nhưng không kém phần tinh tế, đa dạng về toàn cảnh đời sống văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc”.

Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024 gắn với sự kiện kỷ niệm 193 năm Ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn (4-11-1831 / 4-11-2024), 115 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (4-11-1909 / 4-11-2024). Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định: “Việc tổ chức luân phiên Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc là sự kiện chính trị-văn hóa có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc; tạo cơ hội để giao lưu, trao đổi văn hóa, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng như giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần xây dựng vùng Đông Bắc ngày càng giàu đẹp, văn minh”.

Bài và ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/tham-duom-ban-sac-van-hoa-vung-dong-bac-a25130.html