Đắk Lắk thông qua chủ trương đầu tư dự án giảm phát thải với kinh phí hơn 468 tỷ đồng

Mục tiêu tổng quát của dự án là giảm thiểu khí thải do mất rừng và suy thoái rừng thông qua giải quyết các nhân tố trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, khuyến khích đầu tư chiến lược, hiệu quả nhằm phục hồi và quản lý bền vững diện tích rừng; trao quyền và cải thiện khả năng thích ứng của các cộng đồng và thể chế mục tiêu nhằm cải thiện sinh kế, giảm nghèo trong cộng đồng và ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu.

Các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk dự kỳ họp chuyên đề.
Các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk dự kỳ họp chuyên đề.

Tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 15, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong ngày 6/11, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án “Giảm thiểu khí thải tại khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu Chương trình hành động quốc gia REDD+ tại tỉnh Đắk Lắk”.

Cơ quan chủ quản dự án là Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Chủ dự án là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Dự án do nhà tài trợ, đồng tài trợ là Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) và Quỹ Khí hậu xanh (GCF).

Mục tiêu tổng quát của dự án là giảm thiểu khí thải do mất rừng và suy thoái rừng thông qua giải quyết các nhân tố trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, khuyến khích đầu tư chiến lược, hiệu quả nhằm phục hồi và quản lý bền vững diện tích rừng; trao quyền và cải thiện khả năng thích ứng của các cộng đồng và thể chế mục tiêu nhằm cải thiện sinh kế, giảm nghèo trong cộng đồng và ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu.

Mục tiêu cụ thể của dự án là hỗ trợ chính quyền địa phương các cấp đưa ra các chính sách thể chế hóa các chiến lược cấp quốc gia và cụ thể hóa vào công tác lập và thực hiện kế hoạch giảm thiểu phát thải từ mất rừng, suy thoái rừng và nỗ lực khôi phục rừng nhằm tạo cơ hội cải thiện sinh kế và nâng cao nhận thức cộng đồng. Nghiên cứu chiến lược tác động và hỗ trợ đưa ra các chính sách nhằm giải quyết các khó khăn trong vấn đề sử dụng đất rừng để sản xuất.

Hỗ trợ xây dựng và thúc đẩy chuỗi giá trị sản phẩm không gây mất rừng, nhằm bảo đảm thu nhập từ sản xuất nông nghiệp cho người dân vùng dự án, giảm áp lực mở rộng canh tác, nguyên nhân chính dẫn tới mất rừng và suy thoái rừng, đồng thời khuyến khích tái trồng rừng và nâng cao trữ lượng carbon.

Đầu tư mới, cải tạo nâng cấp hạ tầng công phục vụ cho sản xuất, tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và các hoạt động bảo vệ rừng.

Quy mô đầu tư của dự án gồm ba hợp phần chính gồm:

Hợp phần 1: Các trụ cột thiết kế REDD+ của Việt Nam được hoàn thiện và lồng ghép hoàn toàn vào các khung thể chế và chính sách cấp tỉnh với quan hệ đối tác công-tư-nhà sản xuất (4P: Sản phẩm-Giá thành-Kênh phân phối-Tiếp thị) được tăng cường để hiện thực hóa REDD+.

Hợp phần này bao gồm các hoạt động sẽ hỗ trợ địa phương đưa ra các chính sách thể chế hóa vào công tác lập và thực hiện kế hoạch giảm phát thải từ mất rừng, suy thoái rừng và nỗ lực phục hồi rừng. Tạo cơ hội cải thiện sinh kế và nâng cao nhận thức cộng đồng của người dân thông qua liên kết khu vực tư nhân và cộng đồng địa phương gần rừng.

Hợp phần 2: Giảm phát thải từ lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất khác (AFOLU) được tạo ra thông qua chuỗi giá trị không gây mất rừng trên nền tảng 4P và tài chính dựa trên hiệu quả thực hiện.

Hợp phần này sẽ bao gồm các hoạt động nhằm hỗ trợ xây dựng và thúc đẩy chuỗi giá trị sản phẩm không gây mất rừng, theo đó sẽ xác định và lựa chọn thực tiễn sáng tạo thích ứng và hỗ trợ cho các chuỗi cung ứng không gây mất rừng, góp phần làm giảm tỷ lệ mất rừng và suy thoái rừng. Qua đó, thúc đẩy một cách bền vững và hiệu quả, thông qua triển khai các hoạt động dự án bảo đảm thu nhập từ sản xuất nông nghiệp cho người dân vùng dự án, giảm áp lực mở rộng canh tác, nguyên nhân chính dẫn tới mất rừng và suy thoái rừng.

Hợp phần 3 quản lý dự án: Hợp phần này sẽ bao gồm các hoạt động nhằm duy trì bộ máy hoạt động của dự án và thực hiện các nội dung giám sát quá trình thực hiện dự án bảo đảm tiến độ, kế hoạch và các quy định của pháp luật.

Địa điểm thực hiện dự án gồm: Huyện M’Drắk bao gồm các xã: Krông Á, Cư San, Ea Trang; huyện Ea Kar bao gồm các xã: Cư Yang, Cư Bông, Cư E’Lang, Cư Prông; huyện Krông Bông gồm các xã: Yang Mao, Cư Đrăm, Cư Pui; huyện Lắk gồm các xã: Bông Krang, Đắk Phơi, Đắk Nuê, Krông Nô, Nam Ka. Đồng thời, để thực hiện các mục tiêu về giảm mất rừng, suy thoái rừng, dự án cũng hỗ trợ thực hiện các nội dung liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng do Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các chủ rừng, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện phù hợp với dự án thuộc chương trình, kế hoạch trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt.

Thời gian chuẩn bị dự án trong hai năm 2024-2025. Dự kiến thời gian thực hiện dự án từ năm 2025 đến 2028.

Dự kiến tổng mức đầu tư dự án “Giảm thiểu khí thải tại khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu Chương trình hành động quốc gia REDD+ tại tỉnh Đắk Lắk” do IFAD và GCF đồng tài trợ khoảng 19,53 triệu USD, tương đương khoảng 468,73 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA viện trợ không hoàn lại là: 153,57 tỷ đồng, tương đương 6,4 triệu USD; vốn vay ODA là: 203,97 tỷ đồng, tương đương 8,5 triệu USD; vốn đối ứng từ ngân sách địa phương là: 111,19 tỷ đồng, tương đương 4,63 triệu USD.

 

CÔNG LÝ

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/dak-lak-thong-qua-chu-truong-dau-tu-du-an-giam-phat-thai-voi-kinh-phi-hon-468-ty-dong-a25206.html