Những trang sử hào hùng về Phó bảng Nguyễn Long - Vị tướng tài ba bên cạnh Tổng đốc Hoàng Diệu

(tapchivietduc.vn) - Sáng ngày 8/11/2024, tại Hoàng thành Thăng Long, Viện Sử học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đã phối hợp cùng dòng họ Nguyễn Long tổ chức Hội thảo khoa học “Phó bảng Nguyễn Long và cuộc chiến đấu bảo vệ thành Hà Nội 1882.”

Đây là sự kiện khoa học trọng điểm, không chỉ nhằm tái hiện và phân tích sâu hơn về cuộc kháng chiến bảo vệ thành Hà Nội năm 1882 mà còn nhân kỷ niệm tròn 115 năm ngày mất của Phó bảng Nguyễn Long (1909 - 2024) và 142 năm trận đánh bảo vệ thành Hà Nội (1882 - 2024). Hội thảo hướng đến nghiên cứu rõ hơn công lao, đóng góp của các tướng lĩnh, trong đó có Phó bảng Nguyễn Long, người phó tướng thân cận sát cánh bên Tổng đốc Hoàng Diệu.

Hội thảo Phó bảng Nguyễn Long và cuộc chiến đấu bảo vệ thành Hà Nội 1882

Hội thảo đã diễn ra thành công, thu hút sự tham dự của hơn 60 đại biểu là các nhà nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử, văn hóa. Đồng thời, sự kiện còn vinh dự đón tiếp nhiều lãnh đạo cấp cao và chuyên gia uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử như ông Trương Quốc Bảo, Phó Vụ trưởng Vụ I, Ban Tổ chức Trung ương Đảng; ông Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; TS. Lê Quang Chắn, Phó Viện trưởng Viện Sử học cùng đông đảo đại biểu từ các bộ, ngành liên quan và đại diện dòng họ Nguyễn Long.

Các khách mời đại biểu cùng gia đình chụp ảnh kỷ niệm tại hội thảo.

Nội dung tham luận đa dạng, khai mở nhiều thông tin mới

Trong khuôn khổ hội thảo gần 20 bài tham luận đã được các nhà khoa học và chuyên gia lịch sử trình bày, tập trung vào hai chủ đề chính: (1) Bối cảnh lịch sử, diễn biến và kết quả của cuộc chiến đấu bảo vệ thành Hà Nội năm 1882; và (2) Thân thế, sự nghiệp và những đóng góp đáng kể của Phó bảng Nguyễn Long trong sự nghiệp bảo vệ thành Hà Nội.

Các nhà khoa học, nhà sử học chủ trì hội thảo.

Các nghiên cứu không chỉ khai thác từ các tài liệu sử cũ mà còn bổ sung từ nhiều nguồn tư liệu quý, làm sáng tỏ hơn về vị trí và vai trò của Phó bảng Nguyễn Long trong bối cảnh lịch sử cuối thế kỷ XIX.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Trong phần phát biểu đề dẫn, TS. Lê Quang Chắn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Sử học, đã nêu rõ: “Sau khi hoàn thành việc chiếm đóng Nam Kỳ lục tỉnh vào năm 1867, thực dân Pháp xác định Bắc Kỳ là trọng tâm bành trướng, và thành Hà Nội trở thành mục tiêu hàng đầu. Vào năm 1882, khi thực dân Pháp tiến hành cuộc xâm lược Bắc Kỳ lần thứ hai, Phó bảng Nguyễn Long đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến bảo vệ thành Hà Nội.”

Những phát hiện đáng chú ý từ các bài tham luận

TS Trần Thị Phương Hoa (Viện sử học), trình bày tham luận “Sự kiện Pháp đánh thành Hà Nội qua một số tài liệu tiếng Pháp”.

Bối cảnh lịch sử cuộc chiến bảo vệ thành Hà Nội: Trong tham luận của mình, TS. Trần Thị Phương Hoa (Viện Sử học) đã trình bày tham luận “Sự kiện Pháp đánh thành Hà Nội qua một số tài liệu tiếng Pháp”, cung cấp thêm một góc nhìn từ phía tư liệu Pháp. Bà nhấn mạnh:“Nhiều chi tiết thực tế về cuộc gặp gỡ và đàm phán giữa Tổng đốc Hoàng Diệu với sĩ quan Pháp không được nhắc đến trong tài liệu công khai, như việc xin hoãn tối hậu thư. Các tài liệu này giúp công chúng có một cái nhìn đa chiều và thực tế hơn về sự kiện này.”

GS.TS Đỗ Quang Hưng (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ thông điệp truyền tải qua tham luận

Vai trò của nhà Thanh và quốc tế trong chiến sự Bắc Kỳ: GS.TS Đỗ Quang Hưng (Đại học Quốc gia Hà Nội) qua tham luận “Thái độ của nhà Thanh đối với cuộc xâm lược Bắc Kỳ lần thứ hai của thực dân Pháp” đã đưa ra những phân tích về cách tiếp cận của triều đình nhà Thanh đối với vấn đề Bắc Kỳ. Ông nhấn mạnh: “Dù là thế lực phong kiến lớn trong khu vực, nhưng thái độ của triều Thanh về sự kiện Bắc Kỳ không thực sự tích cực, thể hiện một sự do dự và phó mặc, dẫn đến việc Bắc Kỳ dễ dàng trở thành chiến trường cho tham vọng của Pháp.”

Thân thế và sự nghiệp của Phó bảng Nguyễn Long: Các bài tham luận của TS. Bùi Thị Hà (Viện Sử học) và ThS. Đỗ Xuân Trường (Viện Sử học) đã khắc họa rõ hơn chân dung của Phó bảng Nguyễn Long – người vừa có tài thao lược quân sự, vừa là một người thầy mẫu mực trong giáo dục võ thuật dân tộc. TS. Bùi Thị Hà nhận định: “Ông là một tấm gương anh hùng không chỉ trong cuộc chiến bảo vệ thành mà còn trong công cuộc đào tạo các thế hệ trẻ yêu nước, khơi dậy tinh thần dân tộc.”

Chân dung Phó bảng Nguyễn Long qua nghệ thuật truyền thần: Trong tham luận “Chân dung vị võ tướng tham gia bảo vệ thành Hà Nội”, nhóm tác giả gồm TS. Phạm Quốc Quân (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), TS. Nguyễn Quốc Sinh (Viện Sử học), và TS. Lê Xuân Dũng (Đại học Mỹ thuật Việt Nam) đã giới thiệu về những bức chân dung cổ của Nguyễn Long. “Bức chân dung cổ của ông không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là một tài liệu lịch sử quý giá, giúp chúng ta hình dung rõ hơn về diện mạo và phẩm chất của người phó tướng này,” TS. Nguyễn Quốc Sinh cho biết.

Trong hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Quý, đại diện dòng họ Phó bảng Nguyễn Long, đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các nhà sử học, các chuyên gia và Viện Sử học Việt Nam vì công lao trong việc nghiên cứu, làm sáng tỏ cuộc đời và sự nghiệp của Phó bảng Nguyễn Long, đặc biệt là trong bối cảnh trận đánh bảo vệ thành Hà Nội năm 1882. Ông chia sẻ: “Thân thế và sự nghiệp của cụ Phó bảng Nguyễn Long mãi mãi là niềm vinh dự tự hào của cả dòng tộc. Con cháu cụ từ đời này sang đời khác đã kế thừa truyền thống yêu nước và cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước.”

 

Ông Nguyễn Ngọc Quý, cháu nội Phó bảng Nguyễn Long chia sẻ tại buổi lễ.

Ông Quý cũng xúc động nhắc đến những trăn trở của các thế hệ trong dòng họ khi tài liệu về Phó bảng Nguyễn Long còn hạn chế và bày tỏ nguyện vọng được ghi nhận công lao của cụ:“Gia tộc chúng tôi rất mong mỏi được đặt bài vị của cụ Phó bảng Nguyễn Long bên cạnh bài vị của cụ Tổng đốc Hoàng Diệu tại Hoàng thành Thăng Long, để hậu thế đời đời ghi nhớ công ơn của các vị anh hùng tiền bối đã xả thân vì Tổ quốc và dân tộc Việt Nam" ông nói.

Bên cạnh đó, ông Quý cũng ôn lại truyền thống gia đình từ thời tổ tiên như cụ Nguyễn Văn Luận – một quan Biện Đại thần thời Hậu Lê, cho đến Phó bảng Nguyễn Long – người đã sát cánh bên Tổng đốc Hoàng Diệu trong trận đánh bi tráng bảo vệ thành Hà Nội. Những trang sử hào hùng của dòng họ Nguyễn được ông Quý thể hiện như một minh chứng cho tinh thần quả cảm, lòng yêu nước của dòng tộc mà thế hệ hậu duệ của cụ Phó bảng Nguyễn Long luôn noi theo.

Với niềm tự hào và sự trân trọng, ông Quý đã khẳng định rằng hội thảo không chỉ là dịp để tưởng nhớ Phó bảng Nguyễn Long mà còn là hành trình ôn lại những giá trị cốt lõi mà dòng họ Nguyễn Long luôn gắn bó và kế thừa qua nhiều thế hệ.

Bên cạnh việc tôn vinh công lao của Phó bảng Nguyễn Long, hội thảo còn là cơ hội để các nhà khoa học nhìn nhận lại ý nghĩa của trận chiến bảo vệ thành Hà Nội trong bối cảnh lịch sử phức tạp của cuối thế kỷ XIX.

 

Các đại biểu trao đổi về nội dung tham luận.

TS. Trương Thị Phương từ Viện Sử học chia sẻ: “Tấm gương anh hùng của Phó bảng Nguyễn Long sẽ mãi được lưu truyền trong lịch sử dân tộc. Cuộc đời và sự nghiệp của ông mãi là niềm vinh dự và tự hào của dòng tộc.”

Hội thảo cũng đánh dấu một bước tiến mới trong nghiên cứu về các tướng lĩnh thời Nguyễn nói chung và Phó bảng Nguyễn Long nói riêng. Với sự bổ sung của nhiều nguồn tư liệu mới, hội thảo kỳ vọng sẽ mở ra nhiều hướng nghiên cứu trong tương lai, đóng góp tích cực vào việc làm sáng tỏ lịch sử đấu tranh của dân tộc.

PV: BẢO CHÂU. Ảnh: SPC, THÀNH VINH, VIỆT HUY, QUỐC THÁI

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/nhung-trang-su-hao-hung-ve-pho-bang-nguyen-long-vi-tuong-tai-ba-ben-canh-tong-doc-hoang-dieu-a25267.html