Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột Trần Đức Nhật phát biểu khai mạc giải. |
Giải cờ tướng là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk và 120 năm Buôn Ma Thuột hình thành và phát triển (22/11/1904-22/11/2024).
Giải đấu diễn ra trong thời gian 10 ngày từ ngày 10 đến 19/11, với các nội dung gồm: Thi đấu cờ tiêu chuẩn, cờ nhanh, cờ chớp nam, nữ và cờ nhanh không phân biệt nam, nữ. Giải đấu quy tụ 83 kỳ thủ xuất sắc tham gia Giải Vô địch cờ tướng xuất sắc toàn quốc và hơn 200 kỳ thủ thuộc 22 câu lạc bộ đến từ các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Quảng Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà, Thái Nguyên, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội…
Các đại biểu dự lễ khai mạc giải. |
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột Trần Đức Nhật cho biết: Cờ tướng là môn giải trí quen thuộc được nhiều người yêu thích, không chỉ là môn thể thao, đây còn là thú vui tao nhã được ưa chuộng ở mọi lứa tuổi. Ván cờ không chỉ là cuộc đấu trí giữa hai người chơi mà còn là một cách để rèn luyện tư duy chiến lược, phán đoán và quản lý tình huống dưới áp lực. Mỗi nước đi đòi hỏi sự cân nhắc sâu sắc, không chỉ để chiến thắng mà còn để phát triển kỹ năng tư duy phản biện và ra quyết định của người chơi.
Lãnh đạo Liên đoàn cờ tướng Việt Nam tặng cờ đăng cai cho Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột. |
Giải Vô địch cờ tướng xuất sắc toàn quốc và Giải Cúp các câu lạc bộ cờ tướng toàn quốc năm 2024 được tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột là cơ hội để các kỳ thủ trên cả nước gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng thi đấu, tăng cường thêm tinh thần gắn kết giữa các vận động viên. Thông qua việc tổ chức giải, hy vọng nhiều nét đẹp văn hóa, tiềm năng du lịch của tỉnh Đắk Lắk nói chung và của thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng được quảng bá sâu rộng đến các tỉnh, thành phố trong nước và bạn bè quốc tế; đồng thời đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và phong trào “Khỏe lập nghiệp và giữ nước” trong tuổi trẻ, góp phần nâng cao sức khỏe để phục vụ học tập, lao động, sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột Trần Đức Nhật bày tỏ: Đến với giải lần này, ngoài thưởng thức các trận đấu hay, hy vọng các đại biểu, các kỳ thủ, các đoàn sẽ có những kỷ niệm đẹp, những tình cảm khó quên về mảnh đất và con người thành phố Buôn Ma Thuột. Thành phố Buôn Ma Thuột có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Đắk Lắk, là nơi khởi đầu của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thành phố Buôn Ma Thuột có diện tích hơn 370km2, dân số hơn 500 nghìn người, là nơi sinh sống của 40 dân tộc anh em. Trải qua 120 năm hình thành và phát triển, đến nay Buôn Ma Thuột không chỉ biết đến nhờ hương vị cà-phê nổi tiếng, mà còn là một đại diện tiêu biểu cho những nét văn hóa đặc sắc nhất của vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ.
Lãnh đạo Liên đoàn cờ tướng Việt Nam trao tặng kỷ niệm chương cho lãnh đạo thành phố Buôn Ma Thuột. |
Thành phố Buôn Ma Thuột hội tụ các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, giàu bản sắc văn hóa, được Nhà nước quan tâm với nhiều chính sách đầu tư phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên và là “Thành phố cà-phê của thế giới” theo Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 72/2022/QH15.
Hiện nay, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk nói chung, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng đang nỗ lực triển khai thực hiện các chủ trương trên để sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên và là “Thành phố cà-phê của thế giới”.
NGUYỄN CÔNG LÝ