Tổ chức thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 142 của Quốc hội kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả

Kế hoạch Triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 và Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tới việc nâng cao nhận thức về Luật Bảo hiểm xã hội; tổ chức thi hành Luật này và Nghị quyết số 142/2024/QH15 bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.

Người lao động tại Công ty Tân Á - Đại Thành. (Ảnh: SƠN TÙNG)
Người lao động tại Công ty Tân Á - Đại Thành. (Ảnh: SƠN TÙNG)

Nâng cao nhận thức về Luật Bảo hiểm xã hội

Ngày 12/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc ký Quyết định số1370/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Quốc hội (sau đây gọi tắt là Kế hoạch).

Quyết định nêu rõ, ngày 29/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 (dưới đây gọi tắt là Luật Bảo hiểm xã hội), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 và ban hành Nghị quyết số 142/2024/QH15 về Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Kế hoạch nêu rõ, cần nâng cao nhận thức về Luật Bảo hiểm xã hội; tổ chức thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 142/2024/QH15 bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.

Để triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 142/2024/QH15 kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 142/2024/QH15 với các nội dung sau.

Kế hoạch tập trung vào bốn mục đích sau.

Một là, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Quốc hội giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng tại Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 142/2024/QH15.

Hai là, nâng cao nhận thức về Luật Bảo hiểm xã hội; tổ chức thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 142/2024/QH15 bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.

Ba là, xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 142/2024/QH15.

Bốn là, xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 142/2024/QH15.

Trước hết, Kế hoạch yêu cầu bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 142/2024/QH15.

Tiếp đó, các công việc triển khai phải gắn với nội dung quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, trách nhiệm của các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 142/2024/QH15.

Cùng với đó, xác định lộ trình cụ thể để bảo đảm từ ngày 1/7/2025, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội được thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước.

Đồng thời, thường xuyên, kịp thời kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện để bảo đảm tiến độ, hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 142/2024/QH15.

Sớm xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật

Kế hoạch cũng đề cập sáu nội dung chi tiết trong triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Quốc hội.

Thứ nhất, tổ chức tuyên truyền, phổ biến và tập huấn Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thứ hai, tổ chức tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ cơ quan bảo hiểm xã hội, cán bộ trực tiếp làm công tác bảo hiểm xã hội thuộc ngành lao động-thương binh và xã hội, tổ chức công đoàn, tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền và người trực tiếp thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội.

Thứ ba, biên soạn tài liệu phục vụ công tác phổ biến Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành; tài liệu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội.

Thứ tư, tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

Nội dung chủ yếu là: Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Bảo hiểm xã hội thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước được phân công; thực hiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành có liên quan.

Thứ năm, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội.

Các bộ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội theo phân công tại Quyết định số 717/QĐ-TTg ngày 27/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp 7.

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ rà soát, ban hành văn bản để tổ chức thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội.

Thứ sáu, xây dựng các văn bản thực hiện các nhiệm vụ giao tại Nghị quyết số 142/2024/QH15 và Luật Bảo hiểm xã hội. Công tác này cần tập trung vào các điểm chính sau:

Xây dựng, trình Chính phủ quy định đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trước ngày 1/7/2024 (quy định trong Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc).

Xây dựng, trình Chính phủ hồ sơ Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ghi nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của chủ hộ kinh doanh đã tham gia trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 có hiệu lực thi hành để làm căn cứ giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Ban hành Bộ chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Xây dựng, trình Chính phủ Nghị quyết về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Ban hành mẫu sổ bảo hiểm xã hội, mẫu hồ sơ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp.

Xây dựng, trình Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội báo cáo đánh giá và dự báo khả năng cân đối của Quỹ Hưu trí và tử tuất gửi.

Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền chiến lược đầu tư dài hạn Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Xây dựng và trình Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội phương án đầu tư hằng năm.

Tổ chức đánh giá và công bố mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành mới Chiến lược phát triển ngành bảo hiểm xã hội bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024.

Xây dựng Báo cáo của Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc đánh giá, dự báo khả năng cân đối của quỹ hưu trí và tử tuất (trong Báo cáo của Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội và quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội).

Kinh phí bảo đảm thực hiện Kế hoạch này được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước hằng năm của các bộ, cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, nguồn chi tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Đối với các nhiệm vụ triển khai trong năm 2024, các bộ, cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động bố trí trong nguồn ngân sách nhà nước, nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội được giao năm 2024 để triển khai thực hiện.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan bố trí kinh phí chỉ thường xuyên theo pháp luật về ngân sách và pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Các cơ quan được phân công chủ trì thực hiện nhiệm vụ theo Kế hoạch này có trách nhiệm lập kế hoạch, dự toán, quyết toán, quản lý sử dụng và báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan.

Về tổ chức thực hiện, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thực hiện Kế hoạch này.

Căn cứ nội dung Kế hoạch này và tình hình thực tiễn, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội trong phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương mình. Hằng năm hoặc đột xuất báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 gồm 11 chương, 141 điều (tăng 2 chương và 16 điều so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014), sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, qua 9 tháng đầu năm 2024, cả nước có 19,026 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội. Trong đó, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 17,033 triệu người; bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,993 triệu người.

 

NGÂN ANH

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/to-chuc-thi-hanh-luat-bao-hiem-xa-hoi-va-nghi-quyet-so-142-cua-quoc-hoi-kip-thoi-dong-bo-thong-nhat-hieu-luc-hieu-qua-a25418.html