Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ đã quy định việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô-tô khi tham gia giao thông. |
Theo đó, từ ngày 1/1/2026, trẻ dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35m sẽ không được ngồi cùng hàng ghế với lái xe và phải sử dụng thiết bị an toàn phù hợp. Đây là một trong những điểm mới, tiến bộ, quan tâm đến đối tượng tham gia giao thông là trẻ em.
Lộ trình phù hợp
Theo đánh giá của các chuyên gia về an toàn giao thông, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 đã chính thức quy định lộ trình nhằm bảo vệ trẻ em. Thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô-tô phù hợp sẽ góp phần giảm thiếu rủi ro chấn thương và tai nạn giao thông cho thế hệ tương lai của đất nước.
Trong cuộc họp chiều 15/11 tại Hà Nội nhằm phổ biến những quy định mới về bảo đảm an toàn cho trẻ em trên xe ô-tô trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) cho hay, tình hình trật tự an toàn giao thông trong 10 tháng vừa qua diễn biến hết sức phức tạp, số người tử vong về tai nạn đã lên tới gần 9.000 người.
“Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ đã quy định việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô-tô khi tham gia giao thông. Theo đó, từ ngày 1/1/2026, trẻ dưới 10 tuổi hoặc có chiều cao dưới 1,35 m không được ngồi cùng hàng ghế với lái xe và phải sử dụng thiết bị an toàn phù hợp. Chúng tôi cho rằng, đây là một trong những điểm mới, tiến bộ, thể hiện sự quan tâm đến đối tượng tham gia giao thông là trẻ em”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật nhấn mạnh.
Chi phí đầu tư thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô-tô khoảng 3-15 triệu đồng. Nếu so với chi phí đầu tư ô-tô, chi phí thiết bị an toàn này chỉ chiếm khoảng 0,3-04% giá trị xe mới. |
Bộ Công an đã đưa vào trong dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, phạt tiền từ 800.000-1 triệu đồng; trừ điểm giấy phép lái xe của người điều khiển xe ô-tô có hành vi vi phạm chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m trên xe ô-tô (trừ loại xe ô-tô chỉ có một hàng ghế) ngồi cùng hàng ghế với người lái xe hoặc không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em theo quy định.
Tiến sĩ Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, theo quy định, từ đầu năm 2026, tất cả các chuyến đi bằng ô-tô có trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m đều cần thực hiện đúng quy định của Luật. “Chi phí đầu tư thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô-tô khoảng 3-15 triệu đồng. Nếu so với chi phí đầu tư ô-tô, chi phí thiết bị an toàn này chỉ chiếm khoảng 0,3-04% giá trị xe mới. Đây là mức mà phần lớn người sở hữu xe ô-tô có khả năng chi trả”, ông Minh bày tỏ quan điểm.
Tuy nhiên, ông Minh cũng lưu ý thực tế nên tập trung triển khai quy định với xe con cá nhân trước, vì đây là loại phương tiện có thể di chuyển ở tốc độ cao trên đường cao tốc (tốc độ tối đa 120km/giờ), tần suất trẻ em sử dụng cao (xe gia đình) và bố mẹ người giám hộ luôn biết trước được nhu cầu này.
Với loại hình phương tiện vận tải công cộng, kinh doanh vận tải, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, trước mắt nên khuyến khích với các loại xe vận tải công cộng có lộ trình dài để có thời gian chuẩn bị bởi phương tiện này có tốc độ thấp, hoạt động trong đô thị, tiêu chuẩn an toàn cao hơn, khó khăn trong đáp ứng nhu cầu ngẫu nhiên chở trẻ em trong vận tải công cộng và kinh doanh vận tải.
“Chúng ta có thể quy định xe chở học sinh mầm non và tiểu học, cần có dây bảo hiểm chuyên dụng thiết kế phù hợp với lứa tuổi học sinh,” ông Minh góp ý.
“Khoảng trống” pháp luật
Ông Lương Thế Khanh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhìn nhận, muốn bảo đảm an toàn cho trẻ em trên ô-tô thì điều đầu tiên chính là ý thức từ phụ huynh. Ngoài việc tuyên truyền, lực lượng chức năng cần xây dựng các chế tài xử phạt, làm quyết liệt thì các quy định này mới đi vào cuộc sống, việc xử phạt phải làm nghiêm giống như xử lý nồng độ cồn, sẽ góp phần bảo vệ thế hệ tương lai của con em.
Ông Dương Kim Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương (Đại học Y tế công cộng) đánh giá, hiện nay xu hướng sử dụng xe ô-tô ở nước ta đang tăng nhanh, vì vậy việc bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe ô-tô là vấn đề cần được quan tâm.
Hiện nay xu hướng sử dụng xe ô-tô ở nước ta đang tăng nhanh, vì vậy việc bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe ô-tô là vấn đề cần được quan tâm. |
“Qua một con số nghiên cứu tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh cho thấy, bình quân chỉ có 1,3% có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em. Do đó, trẻ em không nên ngồi ghế trước bởi sẽ chịu nhiều tác động khi xảy ra tai nạn, va chạm, dễ văng ra ngoài xe; bị tác động trực tiếp của sự va đập túi khí. Bên cạnh đó, trẻ thường hiếu động, tò mò; gây mất tập trung cho người lái xe; trong thiết kế, các xe thường không lắp đặt hệ thống thiết bị an toàn cho trẻ em ở ghế trước”, ông Tuấn nói.
Hiện trên thế giới đã có gần 100 quốc gia quy định bắt buộc việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô-tô từ nhiều năm qua, tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức, thực trạng việc sử dụng dây đai an toàn, thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô-tô còn chưa được chú trọng thực hiện. Vì vậy, trong quá trình cho trẻ em tham gia giao thông trên ô-tô chưa bảo đảm an toàn, nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ.
Đề cập đến thắc mắc nếu không có thiết bị an toàn mà chỉ đeo dây an toàn trên xe ô-tô có bảo đảm an toàn, ông Tuấn khẳng định sẽ không có tác dụng bảo vệ tốt nhất cho trẻ do liên quan đến vị trí điểm tiếp xúc ngồi, cân nặng, chiều cao của trẻ em. Trong khi đó, thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô-tô được thiết kế phù hợp với kích thước và trọng lượng của trẻ em. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ em độ tuổi 12 và chiều cao 1,5m trở lên thì mới sử dụng dây an toàn đạt tiêu chuẩn. Nếu sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô-tô, hoàn toàn có thể hạn chế được những nguy cơ đáng tiếc khi có va chạm hoặc sự cố trong quá trình xe lưu thông.
Muốn triển khai thực thi, theo ông Tuấn, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thiết bị an toàn; cung cấp các chương trình hỗ trợ tài chính, giảm giá hoặc cho vay để các gia đình tiếp cận mua; kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm; theo dõi và đánh giá các biện pháp đã triển khai và điều chỉnh nếu cần thiết.
MINH TRANG
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/dau-nam-2026-o-to-ca-nhan-phai-co-thiet-bi-an-toan-khi-cho-tre-em-a25442.html