Năm 2024 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu của Bình Dương khi ước đạt kỷ lục xuất siêu 10 tỷ USD, không chỉ góp phần quan trọng vào thặng dư thương mại quốc gia mà còn khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của khu vực phía Nam.
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2024 ước đạt 34,5 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm trước, vượt kế hoạch năm hơn 2,7%.
Hiện giá trị xuất khẩu của thủ phủ Bình Dương chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Có 6 mặt hàng chủ lực của tỉnh (bao gồm gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hàng dệt may, giày dép, sắt thép và sản phẩm điện tử) đóng góp hơn 19,3 tỷ USD, chiếm 56,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, xuất khẩu gỗ tăng 17,6%, đạt 6,5 tỷ USD, trong khi hàng dệt may tăng 15,1%, đạt 3,2 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 24,5 tỷ USD, tăng 12,2%, chủ yếu là nguyên liệu sản xuất và máy móc thiết bị, với Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất.
Là ngành xuất khẩu chủ lực của Bình Dương, ngành gỗ đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ tỉnh Bình Dương cho biết hiện nay, các doanh nghiệp ngành gỗ trong tỉnh đã nhận được nhiều đơn hàng ổn định từ các thị trường lớn như Mỹ, EU và Nhật Bản, nhờ sự cải thiện chất lượng sản phẩm và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, ngành vẫn đối mặt với không ít thách thức.
Ông Liêm nhấn mạnh, xu thế mới về quy định sản xuất xanh và bảo vệ môi trường đặt ra yêu cầu lớn đối với ngành gỗ.
Để duy trì lợi thế cạnh tranh, cần chủ động thích ứng, đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cao khả năng sản xuất, tập trung chuyển đổi số, đẩy mạnh kênh bán hàng thương mại điện tử… đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn xanh đang là xu hướng toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương nhận định kết quả xuất siêu gần 10 tỷ USD cho thấy các doanh nghiệp trong tỉnh có sức chống chịu tốt trước tác động của thị trường và chủ động thích ứng có hiệu quả trong sản xuất và xuất khẩu.
Các doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường, đặc biệt tại Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc. Điều này phản ánh sự bền vững trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Sở Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường kết nối, giao lưu, xúc tiến thương mại và cung cấp thông tin kịp thời cho hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp thông qua các chương trình giao ban định kỳ hàng tháng của Bộ Công Thương.
Ngành đã tận dụng tối đa 17 hiệp định thương mại tự do; trong đó có 7 hiệp định quan trọng với EU, để thúc đẩy xuất khẩu. Ngoài ra, Bình Dương sẽ chú trọng khai thác các thị trường mới như thị trường Hồi giáo (Halal) để mở rộng cơ hội cho hàng hóa Việt Nam.
Đối với thị trường nội địa, Bình Dương đẩy mạnh các chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi cung ứng nội địa, qua đó tạo động lực cho nền kinh tế địa phương.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đánh giá, thặng dư thương mại hơn 10 tỷ USD là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp. Tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghiệp, chuyển đổi số, và các chính sách ưu đãi để duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025.
Với các dự án đầu tư lớn như Nhà máy Lego trị giá 1,3 tỷ USD dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2025, Bình Dương không chỉ tiếp tục củng cố vai trò thủ phủ công nghiệp mà còn chuyển mình thành trung tâm sản xuất công nghiệp thế hệ mới, tiên phong trong ứng dụng công nghệ xanh và bền vững.
Cùng đó, tỉnh dồn lực trong năm tới tập trung phát triển hạ tầng thương mại và logistics, đầu tư nâng cấp các trung tâm logistics và kết nối hạ tầng vận tải, đặc biệt là các tuyến đường kết nối cảng và khu công nghiệp để tạo những chính sách thuận lợi nhất cho doanh nghiệp duy trì đà sản xuất và xuất khẩu; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế, xúc tiến các hội thảo chuyên đề, hội chợ quốc tế và chương trình kết nối giao thương để doanh nghiệp cập nhật xu hướng thị trường.
Đặc biệt, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số và sản xuất thông minh, tự động hóa và xây dựng quản lý chuỗi cung ứng, từ sản xuất đến xuất khẩu, nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, chú trọng đào tạo nhân lực xuất khẩu chất lượng cao phục vụ cho các ngành xuất khẩu chiến lược; hỗ trợ tài chính và thủ tục pháp lý và cung cấp các gói vay ưu đãi và tư vấn doanh nghiệp về quy định pháp luật tại các thị trường xuất khẩu tiềm năng.
Bình Dương không chỉ tập trung vào thị trường truyền thống như Mỹ, EU và Nhật Bản mà còn tích cực khai thác thị trường mới, đặc biệt là các nước thuộc khối ASEAN. Đồng thời, tỉnh tiếp tục xây dựng các khu công nghiệp sinh thái, phát triển kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.
Thặng dư thương mại kỷ lục và chiến lược phát triển vượt bậc, Bình Dương không chỉ khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của khu vực phía Nam mà còn thể hiện tầm nhìn dài hạn trong phát triển bền vững.
Các dự án lớn như nhà máy Lego cùng các nỗ lực chuyển đổi số, phát triển công nghiệp xanh và mở rộng thị trường mới sẽ là đòn bẩy để Bình Dương vươn tầm trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước; đóng góp mạnh mẽ vào sự thịnh vượng của Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu./.
(TTXVN/Vietnam+)
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/binh-duong-uoc-dat-ky-luc-xuat-sieu-10-ty-usd-trong-nam-2024-a25809.html