Phác họa 80 chân dung văn nghệ sĩ Quân đội

Tròn 30 năm cầm bút, nhà văn Phùng Văn Khai luôn đau đáu hoài niệm về những truyện ngắn, bài viết và kịch bản phim đầu tay khắc họa chân dung văn nghệ sĩ trong Quân đội.

Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, nhà văn như được đánh thức những vùng ký ức trân quý đã qua, góp gom thành cuốn sách “80 gương mặt văn nghệ sĩ Quân đội” vừa được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2024.

Cuốn sách “80 gương mặt văn nghệ sĩ Quân đội” là những lát cắt nhỏ về tài năng, tính cách của các chân dung văn nghệ nhưng đủ ôm chứa và khái quát bao điều thú vị. Tác giả Phùng Văn Khai khiêm nhường chia sẻ: “Cũng phải thành thực thú nhận rằng, văn chương là vô cùng tận và văn tài của mỗi con người chừng mực biết bao. Bởi vậy, trong mỗi chân dung, tôi chỉ dám tìm một nét chính, một vẻ đặc sắc, một vài phác thảo trong sự phong phú vô cùng của các văn nghệ sĩ tài danh”.

Tuy vậy, cuốn sách vẫn đủ sức cuốn hút người đọc qua cách miêu tả sống động, giàu cảm xúc. Chỉ cần điểm qua tên bài viết, người đọc đã có thể nhận thấy công việc cẩn thận, tỉ mỉ và những xúc cảm lắng đọng được gợi lên từ tác giả dành cho các văn nghệ sĩ được nhắc đến trong cuốn sách. Có thể kể đến như: Vũ Cao-Núi Đôi trên đỉnh du ca, họa sĩ Đức Dụ-người như sông trôi mướt mát đôi bờ, nhà văn Lê Minh Khuê-Những trang văn xanh mãi, Nguyễn Đình Thi-Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em...

Phác họa 80 chân dung văn nghệ sĩ Quân đội
Bìa cuốn sách.

Trong “80 gương mặt văn nghệ sĩ Quân đội”, chúng ta sẽ nhận thấy các văn nghệ sĩ Quân đội luôn nổi bật không chỉ ở sự lao động sáng tạo miệt mài đến tận cùng mà còn ở tinh thần gắn bó, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, vì nhân dân. Đó là nhà văn, liệt sĩ Nguyễn Thi sau gần 20 năm cầm bút, hoàn thành hàng chục tập bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút về chiến tranh đã “sùng sục” đòi trở lại chiến trường với tâm niệm “chỉ trở lại cầm bút khi nào việc cầm bút thật sự cần thiết và có ích như cầm súng hoặc là hơn thế”.

Để rồi, nhà văn đã ra đi trong tư thế của người chiến sĩ cảm tử năm 1968. Hay nhà văn Hữu Mai, người đồng hành với nhân dân và đất nước trong các cuộc chiến tranh, góp phần tạo nên vẻ đẹp con người Việt Nam, người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh qua các tác phẩm cháy bỏng ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng...

Cùng với mảng chung nhất mang tính lý tưởng ấy, người đọc sẽ bắt gặp trong cuốn sách những câu chuyện đời tươi ròng, mê mải, chuyện nghề “lãng đãng” mà sâu sắc, ưu tư, chuyện tình cảm đậm chất nhân văn của người làm văn chương, nghệ thuật trong Quân đội. Như họa sĩ Đức Dụ luôn dành cho cuộc sống những ngọt ngào, âu yếm với tâm niệm sống “như sông luôn chảy về phía trước ôm vào biết bao rơm rác củi cành mà vẫn tự biết cách trong xanh bát ngát”. Nhà văn Chu Lai trong sáng tác luôn sầm sập như “mưa dông chớp giật” song cuộc sống đời thường của ông lại hết sức thong dong. Còn nhà thơ Tô Nhuần xuất hiện ở nơi đâu, nơi đó tưng bừng như mở hội. Cũng bởi, ông có thể đọc thơ thâu đêm suốt sáng và nhớ vô số thơ của bạn bè...

Khi nhắc đến việc sáng tác và công tác của mình, nhà văn Phùng Văn Khai tâm sự về điều hạnh phúc đang có: “Ngồi vào bàn viết đã trở thành tập quán, tuyệt không có vẻ gượng gạo, càng không có sự sốt ruột”. Chắc cũng vì điều hạnh phúc ấy, “80 gương mặt văn nghệ sĩ Quân đội” của nhà văn đã mang đến cho người đọc không gian gần gũi, tình cảm ngọt lành, thấm đậm chất văn chương nghệ thuật khi viết về những người nghệ sĩ-chiến sĩ. Cuốn sách cũng là dịp để chúng ta nhìn lại, hình dung lại một cách chân thật nhất những chặng đường và gương mặt văn nghệ sĩ trong Quân đội với dấu mốc 80 năm.

NGUYÊN ĐỨC

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/phac-hoa-80-chan-dung-van-nghe-si-quan-doi-a25825.html