Vụ việc nâng giá kit xét nghiệm của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) cho thấy sự sa ngã, trục lợi chính sách của những cán bộ lãnh đạo cấp cao giữa đại dịch COVID-19, đã để lại những hậu quả khôn lường.
Trong vụ nâng khống giá kit xét nghiệm của Công ty Việt Á, bất kỳ sai phạm ở khâu nào, thời điểm nào, mọi tổ chức, cá nhân đều bị xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, vì đất nước, nhân dân, vì sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Nhìn lại vụ việc
Ngay khi những ca mắc COVID-19 đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, trên tinh thần “chống dịch như chống giặc,” yêu cầu về kit xét nghiệm được đặt ra vô cùng cấp thiết.
Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia với tên gọi “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)” mã số ĐTĐL.CN.29/20 nhằm nghiên cứu, chế tạo kit xét nghiệm COVID-19, đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt.
Đây là đề tài khởi đầu với mục đích vô cùng tốt đẹp, nhận được sự quan tâm, kỳ vọng rất lớn của Nhà nước và nhân dân.
Ngày 3/2/2020, nhiệm vụ được Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (thời điểm đó là ông Chu Ngọc Anh) phê duyệt với tổng kinh phí nghiên cứu gần 19 tỷ đồng và được công khai trên Cổng thông tin điện tử Bộ Khoa học và Công nghệ.
Theo đó, Học viện Quân y là đơn vị tổ chức chủ trì nhiệm vụ; Chủ nhiệm nhiệm vụ là Phó giáo sư, Tiến sỹ Hồ Anh Sơn (cựu Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự, Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng).
Trong số 17 thành viên tham gia thực hiện, ngoài 13 thành viên của Học viện Quân y, Công ty Việt Á có tới 4 người tham gia với tư cách thành viên nghiên cứu chính (trong đó có cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt).
Tiếp đó, sau khi hoàn thành giai đoạn nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, quá trình kiểm định chất lượng bộ kit xét nghiệm được thực hiện tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Trên cơ sở kết quả kiểm định chất lượng này, ngày 3/3/2020, Hội đồng đánh giá, nghiệm thu giai đoạn 1 của Bộ Khoa học và Công nghệ họp; tại đây toàn bộ 8/8 thành viên Hội đồng nhất trí kiến nghị Bộ Y tế xem xét cấp phép lưu hành.
Căn cứ kiến nghị của Hội đồng đánh giá, nghiệm thu giai đoạn 1 của Bộ Khoa học và Công nghệ, kết quả kiểm định độc lập của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Hội đồng tư vấn cấp số lưu hành sinh phẩm chẩn đoán in vitro (sử dụng trong phòng xét nghiệm) của Bộ Y tế đã họp ngày 3/3/2020, xem xét và thống nhất đề nghị Bộ Y tế cấp phép lưu hành cho bộ sinh phẩm xét nghiệm “của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.”
Đến ngày 4/3/2020, Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng tạm thời cho bộ sinh phẩm nói trên trong thời hạn 6 tháng để sử dụng trong xét nghiệm sàng lọc.
Trong khi đó, theo báo cáo tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học cấp nhà nước ngày 29/10/2021, ghi rõ sản phẩm khoa học đã được ứng dụng là kit xét nghiệm RT-PCR phát hiện chủng 2019-nCoV được ứng dụng từ tháng 3/2020, cơ quan ứng dụng là Học viện Quân y và các đơn vị xét nghiệm SARS-CoV-2 trên toàn quốc, hoàn toàn không có tên Công ty Việt Á.
Tương tự, ở phần danh mục sản phẩm khoa học dự kiến ứng dụng - chuyển giao (nếu có) là bộ sinh phẩm RT-PCR sàng lọc chủng 2019-nCoV, với thời gian dự kiến ứng dụng từ tháng 9/2021 đến tháng 9/2022 cũng chỉ ghi tên đơn vị dự kiến ứng dụng là Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y.
Thế nhưng, ngày 4/12/2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 5071/QĐ-BYT cấp phép lưu hành 5 năm đối với bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 chủng loại LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.
Việc cấp phép này đã tạo cơ hội cho bộ sinh phẩm xét nghiệm được bán tới các bệnh viện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các địa phương từ tháng 3/2020, do chính Công ty Việt Á thực hiện.
Theo Bộ Công an, sau khi được cấp phép đăng ký lưu hành, Việt Á đã cấu kết, thông đồng với lãnh đạo các địa phương, đơn vị y tế để hợp thức hồ sơ chỉ định thầu, nâng khống giá thành của kit xét nghiệm lên 45%, khoảng 470 nghìn đồng/kit.
Đây cũng là mức giá được nêu rõ trong Công văn số 5583/BYT-TB-CT ngày 13/7/2021 do ông Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế, thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Y tế ký ban hành.
Công văn này giới thiệu sản phẩm đến các địa phương, giới thiệu bộ kit xét nghiệm Việt Á (ở vị trí số 1), với khả năng cung ứng 3 triệu kit xét nghiệm/tháng.
Việt Á “bắt tay,” cung ứng đồng loạt kit xét nghiệm cho các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) và các cơ sở y tế khác của 62/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, mang về doanh thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng, trong đó có 800 tỷ đồng dành riêng cho việc “bôi trơn,” “lại quả” cho hàng loạt lãnh đạo các cơ sở y tế.
Xử lý đúng người, đúng tội
Nhìn lại vụ Việt Á, có thể thấy rõ tinh thần sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, không có ngoại lệ.
Ngay từ cuối tháng 12/2021, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thống nhất đưa vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Tại cuộc họp ngày 5/4/2022, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận định, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Học viện và nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong đề xuất, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 và mua sắm vật tư y tế, kit xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19.
Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng và Học viện Quân y, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 bằng hình thức Cảnh cáo; thi hành kỷ luật Trung tướng Đỗ Quyết, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Quân y và Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Quân y kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự, Học viện Quân y bằng hình thức Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025.
Trước đó, ngày 8/3/2022, Cơ quan điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng, thông tin việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Thượng tá Hồ Anh Sơn - Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y, về tội “Tham ô tài sản” quy định tại khoản 4, Điều 353 và tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3, Điều 356, Bộ luật Hình sự; khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đại tá Nguyễn Văn Hiệu - Trưởng phòng Trang bị, vật tư, Học viện Quân y, về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 4, Điều 222, Bộ luật Hình sự.
Đối với trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, tại Kỳ họp thứ 15, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, khai trừ ra khỏi Đảng nhiều cán bộ cấp cục, vụ của 2 Bộ này; đồng thời đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật Ban Cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2016-2021 và ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; xem xét, thi hành kỷ luật Ban Cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021 và ông Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế.
Tiếp theo đó, trong cuộc họp ngày 4/6/2022, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Phạm Công Tạc, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng thời đánh giá: Ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm Quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế.
Ngày 6/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp bất thường để xem xét, thi hành kỷ luật ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long. Sau khi xem xét đề nghị của Bộ Chính trị, căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định Khai trừ ra khỏi Đảng ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long.
Sáng 7/6/2022, tại Kỳ họp thứ 3 khóa XV, Quốc hội đã thông qua nghị quyết bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, phê chuẩn đề nghị cách chức Bộ trưởng Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long. Quốc hội khẳng định, ông Nguyễn Thanh Long (thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long) đã vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân, bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm” (theo khoản 2, Điều 7, Hiến pháp 2013; khoản 2, Điều 40, Luật Tổ chức Quốc hội 2014).
Cùng trong ngày 7/6, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã họp, thống nhất biểu quyết về đề nghị của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 và bãi nhiệm tư cách đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đối với ông Chu Ngọc Anh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.
Chỉ trong vòng 2 ngày, hai ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh đã bị khai trừ khỏi Đảng, xử lý kỷ luật về mặt hành chính, bị khởi tố, tạm giam.
Có thể nói, công tác xử lý kỷ luật Đảng được triển khai thống nhất, đồng bộ với xử lý kỷ luật Đảng, kỷ luật về hành chính, tư pháp, thực hiện khẩn trương, dứt điểm, đúng người, đúng tội.
Tiếp đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, đã khởi tố bị can, bắt tạm giam nhiều lãnh đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, do các sai phạm trong vụ Việt Á.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, ông Chu Ngọc Anh, ông Phạm Công Tạc có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong việc giao, quản lý, sử dụng Đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia nghiên cứu, chế tạo kit xét nghiệm COVID-19, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước, đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí,” quy định tại khoản 3, Điều 219, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Còn đối với ông Nguyễn Thanh Long, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, xác định là có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, làm trái các quy định của pháp luật trong việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương kit xét nghiệm COVID-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước, đã phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Khoản 3, Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Song song với các sai phạm của cán bộ lãnh đạo cấp cao, ngay từ tháng 12/2021 đến nay, hàng loạt lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC), nhiều bệnh viện đã bị khởi tố, bắt giam vì nhận tiền liên quan đến Việt Á.
Điển hình, ông Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương nhận “hoa hồng” lên tới gần 30 tỷ đồng; ông Trần Gia Phú, cựu Phó giám đốc Trung tâm xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, nhận hơn 2 tỷ đồng; Giám đốc CDC Nam Định Đỗ Đức Lưu và một số cán bộ CDC tỉnh Nam Định nhận hơn 3 tỷ đồng… Điều đáng lên án, tất cả những người bị khởi tố, bắt giam trước đó đều khẳng định rằng “không nhận một đồng hoa hồng nào từ Việt Á.”
Chỉ trong vòng 6 tháng cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam trên 60 người là lãnh đạo, cán bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, CDC, bệnh viện ở hàng loạt địa phương; phong tỏa, kê biên, thu hồi ước tính hơn 1.600 tỷ đồng.
Mới đây nhất, ngày 23/6, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ra Quyết định hủy bỏ Quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba đối với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á do vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây dư luận xấu trong xã hội.
Sau đó, ngày 24/6, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định về việc thu hồi số đăng ký lưu hành trang thiết bị đối với bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro phát hiện SARS-CoV-2, chủng loại: LightPower iVASARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.
Đập tan luận điệu xuyên tạc
Qua việc xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm liên quan vụ Việt Á thời gian qua, hàng loạt thông tin được làm sáng tỏ, công khai, minh bạch. Tuy nhiên, một số tổ chức phản động đã phát đi luận điệu xuyên tạc, kích động, gây hoang mang dư luận, chống phá lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Với cách suy diễn mập mờ, quy chụp, chúng cố tình tung tin đồn thất thiệt, gièm pha, bôi nhọ, nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, việc xử lý đúng người, đúng tội đối với từng cá nhân, tổ chức liên quan trong vụ Việt Á như Học viện Quân y, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, CDC, bệnh viện và các cơ sở y tế địa phương… cho thấy những luận điệu xuyên tạc đó là vô căn cứ.
Với tinh thần thượng tôn pháp luật, sai phạm của từng cá nhân, tổ chức chắc chắn sẽ bị xử đúng người, đúng tội. Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào có hành vi gây hại cho nhân dân, đất nước, đều bị xử lý thích đáng. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân!”
Cũng chính việc xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm, càng củng cố và tăng cường thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước, vào công cuộc đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực./.