Ngành cao-su chủ động thích ứng quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu

Tại Thành phố Hồ Chí Minh Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam (VRG) tổ chức Lễ công bố thích ứng với Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) của các đơn vị thành viên vào chiều 3/12.

Công ty Cổ phần Cao-su Chư Sê Kampong Thom và Tập đoàn Sailun ký kết hợp đồng mua bán mủ cao-su đáp ứng EUDR.
Công ty Cổ phần Cao-su Chư Sê Kampong Thom và Tập đoàn Sailun ký kết hợp đồng mua bán mủ cao-su đáp ứng EUDR.

Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) ngày 16/5/2023. EUDR là quy định mới nhất của EU liên quan vấn đề phát triển xanh và bền vững, quy định cụ thể về các sản phẩm nông sản không gây mất rừng, trong đó có mặt hàng cao-su. Trong bối cảnh Ủy ban châu Âu đưa ra nhiều yêu cầu đối với các nhà xuất khẩu để thực thi EUDR, VRG đã triển khai thực hiện các hoạt động để thích ứng với quy định này, nhằm tránh ảnh hưởng tới việc xuất khẩu cao-su sang thị trường EU.

Phát biểu về quá trình thích ứng với EUDR của VRG, ông Trương Minh Trung, Phó Tổng Giám đốc VRG, Phó Ban Chỉ đạo Phát triển bền vững VRG cho biết, chủ động thích ứng với Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR), từ năm 2019, Tập đoàn VRG đã triển khai thực hiện Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam VFCS/PEFC.

Đến nay, toàn tập đoàn có 18 đơn vị thành viên được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo VFCS/PEFC với khoảng 120.000ha cao-su và 38 nhà máy (chế biến cao-su thiên nhiên, chế biến gỗ và sản phẩm công nghiệp cao-su) đã được cấp chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC.

Hằng năm, các đơn vị thành viên VRG có thể đáp ứng sản lượng hơn 100.000 tấn mủ cao-su các loại có Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo VFCS/PEFC.

Ngành cao-su chủ động thích ứng quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu ảnh 1

Ông Trương Minh Trung, Phó Tổng Giám đốc VRG, Phó Ban Chỉ đạo Phát triển bền vững VRG phát biểu.

“Trong sự kiện hôm nay, ngoài việc công bố thích ứng yêu cầu EUDR của 3 đơn vị, tập đoàn còn muốn khẳng định quyết tâm trong việc đi đầu thực hiện thích ứng EUDR trong lĩnh vực mủ và gỗ cao-su với quyết tâm hoàn thành đáp ứng EUDR trong quý I/2025 đối với các công ty đã đạt Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (VFCS/PEFC) và phấn đấu đến hết quý II/2025 hoàn thành đáp ứng cho các công ty tại Lào và Campuchia”, ông Trương Minh Trung nhấn mạnh.

Theo các tiêu chí đánh giá đáp ứng để đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững thì diện tích rừng trồng được chuyển đổi từ rừng tự nhiên sau ngày 31/12/2010 không được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, có khả năng truy xuất nguồn gốc; có bản đồ hiện trạng sử dụng đất; hệ thống quản lý bản đồ số; có ý kiến tham vấn các bên liên quan (người lao động, cộng đồng dân cư…) và hằng năm đều có tổ chức chứng nhận đánh giá giám sát.

Bên cạnh đó, các diện tích cao-su chưa thực hiện chứng chỉ rừng đều thực hiện trách nhiệm giải trình (DDS) cho sản phẩm gỗ và mủ cao-su. Ngoài ra, các diện tích cao-su tập đoàn quản lý đều hình thành từ rất lâu, không có diện tích cao-su nào được mở rộng sau năm 2020 có nguồn gốc từ rừng và thời gian kiến thiết cơ bản trước khi đưa vào khai thác mủ cao su là 5-7 năm.

Do đó, các công ty có chứng chỉ quản lý rừng bền vững nói riêng và các công ty cao-su thành viên của VRG nói chung, đều đáp ứng được hầu hết các yêu cầu của EUDR. Đây cũng là nền tảng và lợi thế để VRG thực hiện EUDR trong thời gian tới.

Ngành cao-su chủ động thích ứng quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu ảnh 2

Công ty Cao-su Dầu Tiếng và Công ty Đặng Thái Gia ký kết hợp đồng mua bán mủ cao-su đáp ứng EUDR.

Ông Huỳnh Tấn Siêu, Trưởng Ban Công nghiệp VRG cho biết, VRG hiện có 3 đơn vị thành viên đã hoàn thành việc đáp ứng theo yêu cầu EUDR, được khách hàng chấp nhận là Tổng Công ty Cao-su Đồng Nai, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cao-su Dầu Tiếng và Công ty Cổ phần Cao-su Chư Sê Kampong Thom.

Hiện nay, nhiều khách hàng đã liên hệ các công ty thành viên của Tập đoàn để cung cấp mủ cao-su thích ứng EUDR. Tổng công ty Cao-su Đồng Nai đã tiêu thụ được 767 tấn mủ cao-su thích ứng EUDR và Cao-su Dầu Tiếng tiêu thụ được hơn 40 tấn, giá trị cộng thêm là 250 USD/tấn.

Theo các tiêu chuẩn quy định, tập đoàn đã xác định sẽ ưu tiên thực hiện cho các công ty đã có chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC trước, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để triển khai cho các công ty còn lại ở trong nước cũng như tại Lào và Campuchia trong thời gian sớm nhất.

Ngành cao-su chủ động thích ứng quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu ảnh 3

Công ty Cổ phần Cao-su Chư Sê Kampong Thom đã báo cáo quá trình thực hiện và áp dụng EUDR tại công ty.

Tại buổi lễ, đại diện Công ty Cổ phần Cao-su Chư Sê Kampong Thom đã báo cáo quá trình thực hiện và áp dụng EUDR tại công ty. Đây là công ty tiêu biểu trong việc thực hiện thích ứng với quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu tại nước bạn Campuchia.

 

NGUYÊN ANH

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/nganh-cao-su-chu-dong-thich-ung-quy-dinh-chong-pha-rung-cua-lien-minh-chau-au-a25866.html