Sản phẩm của làng nghề Kiêu Kỵ tinh xảo và có giá trị cao. |
Đến bất cứ di tích nào, dù lớn hay nhỏ, ta đều gặp những nét vàng son ở tượng thờ, câu đối, đại tự… Chúng có độ bền hàng trăm năm là bởi được dát bằng vàng thật, bạc thật. Qua hàng thế kỷ vẫn giữ nét đẹp. Tất cả những sản phẩm dát vàng ấy đều gắn với tên tuổi của làng nghề dát vàng Kiêu Kỵ (xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Nghề quỳ vàng bạc xuất hiện ở xã Kiêu Kỵ cách đây hơn 300 năm, từ thời Lê Trung hưng (1740-1786), do ông Nguyễn Quý Trị, người làng Hội Xuyên, xã Liễu Trai (tỉnh Hải Dương) truyền lại cho dân làng. Tưởng nhớ tới công ơn của ông, dân làng Kiêu Kỵ đã suy tôn ông là Tổ nghề quỳ vàng bạc.
Ông Nguyễn Anh Chung đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề dát vàng quỳ. Ông Chung cho biết: “Nghề này rất tỉ mỉ, đòi hỏi sự kiên trì, nóng vội không làm được. Từ một chỉ vàng dát mỏng lên các đồ vật, tính ra khoảng 40 công đoạn mới ra được sản phẩm. Nghề nào thì cũng phải cạnh tranh. Nghề dát vàng, bạc cần kỹ thuật cao mới cho ra sản phẩm đẹp đòi hỏi tất cả những hội viên đến nghệ nhân đều phải học hỏi, tìm hiểu, sao cho khi dát vàng, bạc lên nó phải rộng, đẹp sản phẩm”.
Bà Lê Thị Dậu, một người có nhiều năm làm nghề cho biết, hiện nay, các hiệu vàng đều cán sẵn công đoạn này, nên người thợ bớt đi một phần việc. Lá quỳ là tờ giấy dó có cạnh dài 4cm, loại giấy này được tăng độ bền bằng cách phết thêm một loại mực tự chế làm bằng loại bồ hóng đặc biệt, trộn với keo da trâu. Những lá vàng mỏng được đặt vào lá quỳ. Sau đó, người ta để từng chồng gói lại, đặt lên đe bằng đá, dùng loại búa chuyên dụng đập lên tập lá quỳ.
Người thợ giỏi có thể đập một chỉ vàng dàn mỏng thành tấm lá vàng có diện tích hơn 1m2. Đây chính là thành phẩm của nghề dát vàng và được xuất đi để dát lên các đồ thờ, đồ mỹ nghệ hay các tác phẩm nghệ thuật.
Có một quãng thời gian khá dài, khi các di tích không được quan tâm đúng mức, nhiều di tích thay vì dùng vàng quỳ lại đi sơn bằng các loại sơn nhập ngoại nên làng nghề gặp nhiều khó khăn.
Song những năm gần đây, làng nghề đã hồi sinh khi các di tích được quan tâm đầu tư tu bổ; chưa kể, vàng quỳ còn được các nghệ sĩ, nghệ nhân ứng dụng trên nhiều loại sản phẩm khác nhau như sử dụng trên gốm, trên tranh sơn mài, tranh giấy…
Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Chung cho biết, làng nghề có Hợp tác xã Công nghiệp quỳ vàng Kiêu Kỵ và 13 tổ hợp tác với 60 hộ tham gia. Một bước đột phá của người thợ dát vàng là nếu trước đây, người ta chỉ sản xuất ra vàng quỳ để phục vụ thị trường thì hiện nay, người Kiêu Kỵ chủ động thiết kế sản phẩm, dát vàng rồi bán ra thị trường.
Đáng chú ý, đến nay Hợp tác xã Công nghiệp quỳ vàng Kiêu Kỵ đăng ký 9 sản phẩm dát vàng tiêu biểu tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Nhờ đó, hợp tác xã đã có sản phẩm Điếu cày dát vàng đạt OCOP 3 sao và 8 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, như: Tượng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, bát sen, trống đồng, chậu lan dát vàng… Ngoài ra, còn nhiều sản phẩm độc đáo khác.
Chia sẻ về hướng đi này, nghệ nhân Hoàng Thị Anh cho biết: “Nếu chỉ phục vụ cho làm đồ thờ thì nghề dát vàng sẽ làm theo mùa vụ, hằng năm từ tháng 4 đến tháng 6 sẽ trống việc. Thế nên, chúng tôi là thế hệ trẻ tiếp nối nghề phải nghĩ ra việc để tạo công ăn việc làm cho mọi người trong gia đình và chúng tôi hướng tới các không gian nội thất vì nội thất nhà nào cũng có nên công việc của chúng tôi sẽ nhiều hơn”.
Chị Hoàng Thị Anh là một trong số những người trẻ đi theo nghề của cha ông truyền lại và đã thành danh. Chị được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội về Dát vàng, bạc quỳ và sơn thếp vàng mỹ nghệ.
Biết vận dụng nhu cầu của xã hội, đồng thời sáng tạo ra sản phẩm mới, Kiêu Kỵ đang có những bước hồi sinh vững chắc.
GIANG NAM
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/lang-nghe-dat-vang-kieu-ky-hoi-sinh-a25902.html