Lạm phát tại Đức đã tăng lên 7,9% trong tháng Năm, mức cao nhất kể từ năm 1990 và cũng vượt xa mục tiêu 2% của nhiều ngân hàng trung ương.
Theo kết quả khảo sát được công bố ngày 28/6 của công ty cung cấp dữ liệu GfK, tâm lý của người tiêu dùng tại Đức đã giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine đang khiến lạm phát tăng mạnh.
Chỉ số về tâm lý tiêu dùng trong khảo sát của GfK đã giảm xuống mức âm 27,4 điểm trong tháng Bảy, mức thấp nhất kể từ khi khảo sát này được bắt đầu tiến hành vào năm 1991.
Chuyên gia về người tiêu dùng của GfK Rolf Buerkl cho biết sự sụt giảm trong chỉ số trên chủ yếu là do chi phí sinh hoạt gia tăng. Xung đột Nga-Ukraine đã khiến giá năng lượng, thực phẩm và nhiều nguyên vật liệu thô tăng mạnh. Đây đều là những mặt hàng mà Nga và Ukraine là các nước cung cấp lớn.
Lạm phát tại Đức đã tăng lên 7,9% trong tháng Năm, mức cao nhất kể từ năm 1990 và cũng vượt xa mục tiêu 2% của nhiều ngân hàng trung ương.
Bên cạnh đó, ông Buerkl cho biết “các chuỗi cung ứng bị đứt gãy,” nguyên nhân khác cho sự gia tăng giá cả, cũng là một yếu tố đứng sau tâm lý ảm đạm của người tiêu dùng.
Khảo sát của GfK cũng cho thấy người dân Đức bi quan hơn về triển vọng của nền kinh tế nước này, với chỉ báo về triển vọng kinh tế giảm 2,4 điểm xuống âm 11,7 điểm trong tháng Sáu. Người tiêu dùng cho rằng kinh tế Đức có “nguy cơ cao” sẽ rơi vào suy thoái do chiến sự tại Ukraine và lạm phát.
Ngoài ra, chỉ báo về dự đoán mức thu nhập giảm xuống âm 33,5 điểm trong tháng Sáu, giảm 9,8 điểm so với tháng trước đó và cũng là mức thấp nhất trong gần 20 năm qua.
GfK cho biết lạm phát cao đang “ăn mòn” sức mua của người tiêu dùng, và số tiền tiết kiệm trong suốt thời kỳ đại dịch có thể sẽ không giúp chi tiêu tiêu dùng gia tăng ở mức độ như kỳ vọng./.
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/duc-tam-ly-cua-nguoi-tieu-dung-cham-muc-thap-nhat-tu-truoc-den-nay-a2601.html