Các học sinh ở xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) bị bỏng do chế tạo pháo nổ được điều trị tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới. |
Từ thông tin của quần chúng, ngày 15/12, Công an xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) phối hợp Tổ Bảo vệ an ninh trật tự Thôn 1 Phúc Đồng phát hiện học sinh M.D.Đ. (sinh năm 2011) đang có hành vi chế tạo pháo nổ. Công an xã tiến hành lập biên bản, thu giữ ba quả pháo nổ, một gói bột lưu huỳnh, một gói bột natri, một gói bột kali clorat, chín đoạn dây cháy chậm và nhiều dụng cụ chế tạo pháo.
Làm việc với cơ quan Công an, M.D.Đ. thừa nhận học cách làm pháo và đặt mua hóa chất, vật liệu nổ trên mạng xã hội để chế tạo pháo nổ. Sau khi được tuyên truyền, giải thích, học sinh này đã nhận thức được các hành vi vi phạm của mình khi sử dụng hóa chất chế tạo pháo nổ gây nguy hiểm cho bản thân và người khác.
Trước đó, Công an xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch cũng phát hiện, ngăn chặn ba thiếu niên T.B.L., P.M.T. (cùng sinh năm 2010) và N.C.D. (sinh năm 2011) ở thôn Sen mang theo 30 quả pháo tự chế với ý định để sử dụng. Tuy nhiên, các em chưa kịp sử dụng thì bị phát hiện, ngăn chặn. Công an xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa cũng kịp thời ngăn chặn một nhóm bảy học sinh THCS mua nguyên liệu lưu huỳnh và natri trên TikTok về để chế pháo nổ...
Qua các vụ việc nêu trên cho thấy nếu lực lượng công an không phát hiện, ngăn chặn kịp thời thì trong quá trình chế tạo, sử dụng pháo sẽ tiềm ẩn nguy cơ cao gây thương tích, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng cho chính người sử dụng và những người chung quanh. Tự chế, tàng trữ, sử dụng, buôn bán, vận chuyển trái phép pháo nổ, pháo hoa nổ là hành vi vi phạm pháp luật và tai nạn do pháo nổ tự chế gây ra rất nghiêm trọng, không chỉ để lại hậu quả cho chính nạn nhân mà còn biến họ thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Ngày 7/12, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình tiếp nhận bốn học sinh 13-14 tuổi cùng trú thôn Long Sơn, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, nhập viện cấp cứu trong tình trạng bỏng nặng, sưng phù toàn bộ vùng mặt và tay chân, đa chấn thương cơ thể.
Nguyên nhân là do các em tự tìm hiểu và chế tạo pháo nổ theo hướng dẫn trên mạng xã hội thì xảy ra hậu quả nêu trên. Em P.A.T. (14 tuổi) cho biết, vì tò mò cho nên cả nhóm vào YouTube để xem các video hướng dẫn chế tạo pháo. Sau đó, cả nhóm góp nhau 100 nghìn mua 500 gr thuốc qua mạng để về chế pháo. Việc này khá dễ dàng, chỉ sau vài ngày đặt, các vật liệu chế pháo nổ được chuyển đến tận nơi cư trú của các học sinh, dù Trường Sơn là xã biên giới của tỉnh Quảng Bình, cách xa vùng đồng bằng.
Bà Võ Thị Phượng, mẹ của một nạn nhân cho biết: "Đi học về chưa kịp cất cặp sách, nghe nói các bạn cạnh nhà chế tạo pháo cho nên con tôi ghé vào xem, vừa vào thì nghe tiếng nổ, mặt mũi, chân tay cháu đen sì, bị bỏng. Sau khi đưa con đến sơ cứu ở Trạm Y tế xã, tôi vội thuê xe chuyển cháu đến Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới. Khi vào bệnh viện, cháu bị bỏng ở mặt, cổ, hai cánh tay và một phần ở bàn chân trái, hiện đã đỡ hơn nhiều nhưng vẫn còn khá đau, khó ăn uống, trò chuyện vì vết bỏng trên mặt bị nặng".
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới cho biết, các trường hợp bị bỏng do pháo tự chế từ 20 đến 25% trở lên, vào viện được các bác sĩ tiến hành cấp cứu tức thời và hồi sức tích cực bù nước và điện giải, tiến hành cấp cứu cắt lọc các phần hoại tử và dị vật trên cơ thể người bệnh. Những thương tổn do pháo nổ tự chế tác động nhiệt sâu và gây thương tổn sâu trong các thành phần của cơ thể làm cho quá trình điều trị sẽ kéo dài và phức tạp.
Thượng tá Phạm Bá Ngọc, Phó Trưởng Công an huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình), khuyến cáo, theo quy định của pháp luật các hành vi liên quan pháo nổ như sản xuất, mua bán, tàng trữ hay sử dụng đều là trái phép cho nên sẽ bị xử lý nghiêm. Mỗi dịp trước Tết Nguyên đán, lực lượng Công an nói chung và Công an huyện Quảng Ninh nói riêng triển khai kế hoạch, các biện pháp để đấu tranh, phối hợp các lực lượng trên địa bàn cũng như trường học để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ngăn chặn việc chế tạo, mua bán, sử dụng pháo nổ trái phép.
Tại tỉnh Quảng Bình, trong năm 2024, lực lượng Công an đã ngăn chặn, bắt giữ nhiều vụ buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo; nhất là một số thanh, thiếu niên, học sinh tự mày mò sản xuất pháo nổ theo các clip hướng dẫn trên mạng xã hội. Chính vì thế, để ngăn chặn triệt để tình trạng này, các địa phương và trường học cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục giúp học sinh nhận thức hành vi tự chế pháo nổ là vi phạm pháp luật, gây nguy hiểm cho bản thân và những người chung quanh.
Hiện, công an các xã trong tỉnh đang phối hợp các trường học để tuyên truyền phòng, chống việc mua bán, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép; đặc biệt nhấn mạnh sự nguy hiểm khi tự chế pháo nổ; đồng thời cho học sinh viết cam kết không tham gia chế tạo, tàng trữ hàng cấm là pháo nổ trái phép.
Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định: phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với các hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo; hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo dưới mọi hình thức. |
Bài và ảnh: HOÀNG PHÚC
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/ngan-chan-hiem-hoa-tu-phao-tu-che-a26289.html