![]() |
"Vũ khúc mưa xuân" có sự tham gia của các bạn trẻ yêu văn hóa Việt. |
"Vũ khúc mưa xuân" kể về câu chuyện tình yêu đầy sóng gió giữa Jenny, một Việt kiều là họa sĩ nghiên cứu trang phục dân tộc và Dũng, con trai của một nghệ nhân thêu may cổ phục. Họ gặp nhau khi Jenny trở về Việt Nam tham gia từ thiện và tìm hiểu văn hóa dân tộc. Tình yêu của họ bị ngăn trở khi mẹ của Dũng phát hiện ra cha của Jenny chính là người đã gây ra cái chết của mẹ bà trong quá khứ.
![]() |
Câu chuyện tình yêu tạo nên mạch kết nối cho phim. |
Bà An, mẹ của Dũng, không thể tha thứ và đã ngăn cản lễ cưới, khiến Dũng và Jenny phải chia tay trong đau khổ. Cha của Jenny sau đó thú nhận tội lỗi và xin được tha thứ trước khi qua đời.
Hai năm sau, bà An nhận ra con trai mình vẫn luôn nhớ về Jenny và quyết định kết nối lại với cô. Dũng và Jenny gặp lại nhau trong một buổi triển lãm tranh từ thiện của Jenny và cơn mưa đã xóa tan mọi ký ức đau thương, mang lại cho họ một khởi đầu mới.
![]() |
Nhiều bối cảnh phim được quay ở ngoại thành Hà Nội. |
Lấy bối cảnh chính của câu chuyện xảy ra ở một gia đình nghệ nhân chuyên nghề thêu may trang phục Việt cổ nhằm tôn vinh nét đẹp truyền thống của trang phục Việt và quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống, đồng thời quảng bá hình ảnh Hà Nội qua lăng kính điện ảnh.
![]() |
Vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam được chú trọng khắc họa. |
Bộ phim được quay tại các làng nghề và những bối cảnh làng quê nên thơ tại ngoại thành Hà Nội, như: làng Đào Xá, làng thêu Đông Cứu của huyện Thường Tín... Nét đẹp của Hà Nội cũng như màu sắc bình dị của làng quê sẽ được tái hiện trên phim cùng những cảnh quan mang đậm ý nghĩa lịch sử, như: Dinh Độc Lập, chợ Bến Thành,… của Thành phố Hồ Chí Minh.
![]() |
Vẻ đẹp của cổ phục Việt được đầu tư khá kỹ lưỡng. |
Bên cạnh tính dân tộc, nét văn hóa truyền thống, bộ phim còn chuyển tải một thông điệp quan trọng, đó là sự tha thứ, tính hòa giải dân tộc sau 50 năm kết thúc chiến tranh, mở ra những khởi đầu mới.
Đây là một bộ phim có kinh phí khiêm tốn nên thời gian quay rất ngắn, chỉ 9 ngày tổng quay cả ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Toàn bộ ê-kíp đã rất cố gắng để hoàn thành đúng tiến độ. Chúng tôi đã nỗ lực đưa vẻ đẹp về con người, văn hóa Việt vào điện ảnh với hy vọng lòng thiết tha, tình yêu của người làm điện ảnh với văn hóa dân tộc sẽ được lan tỏa một cách tự nhiên, sâu sắc. Đạo diễn Đặng Thu Trang |
Cơn mưa trong phim là ẩn dụ không chỉ chứa đựng khao khát xóa tan mọi ký ức đau thương mà còn mang lại hy vọng và khởi đầu mới cho các nhân vật chính. Bộ phim khẳng định rằng, dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, tình yêu và sự tha thứ luôn có thể mang lại ánh sáng và hy vọng.
![]() |
Phong cảnh làng quê bình yên. |
Với nỗ lực đưa văn hóa vào điện ảnh, đoàn làm phim đã dựng một lễ hội của làng qua đó giới thiệu tới khán giả vẻ đẹp của những trang phục cổ và chữ viết xưa - chữ Hán Nôm của người Việt. Đồng hành với những nỗ lực của đoàn phim chính là sự góp sức của những người trẻ yêu Việt phục và câu lạc bộ thư pháp Hán Nôm chùa Cự Đà.
![]() |
Ê-kíp phim dành nhiều tâm huyết cho câu chuyện lịch sử, văn hóa Việt. |
Sự giao thoa văn hóa giữa hai thế hệ cũng chính là một sự cộng hưởng đồng điệu ẩn tàng trong phim. Bởi lẽ đó, "Vũ khúc mưa xuân" được kỳ vọng không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là cầu nối để quảng bá và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của làng Việt Nam.
Thượng tá Nguyễn Thu Dung, Giám đốc Điện ảnh quân đội nhân dân đảm nhận vai trò Giám đốc sản xuất và biên kịch phim; đạo diễn phim Đặng Thu Trang; biên tập nghệ sĩ Ưu tú Đặng Thái Huyền.
Mai Lữ
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/vu-khuc-mua-xuan-tac-pham-dien-anh-dam-da-ban-sac-a27102.html