Bà con người Việt ở Đức biểu diễn nghệ thuật chào đón năm mới.
Những doanh nhân thành đạt
Nhiều doanh nhân khởi nghiệp sớm và thành đạt do thích nghi nhanh với với kinh tế thị trường sau khi nước Đức thống nhất. Trên một số lĩnh vực, doanh nhân người Việt có khả năng cạnh tranh với người Đức và các kiều dân khác làm ăn tại Đức. Một số công ty của người Việt ở Đức và Tây Berlin cũ hoạt động tương đối hiệu quả như Asico, Unico, Devico, Mekong, Chi Lăng, Provina… góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động kinh tế đối ngoại, giúp các doanh nghiệp trong nước tiếp cận thị trường, xuất khẩu hàng hóa sang Đức.
Trong những điển hình của sự thành đạt phải kể đến bà chủ của ITC Pacific - một trong hai trung tâm thương mại của người Việt làm ăn thành đạt nhất ở Berlin. Đó chính là nữ doanh nhân Trịnh Thị Mùi- Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành trung tâm. Với diện tích 47.000m2, ITC Pacific đặt tại phố Rihn là một trung tâm buôn bán thuộc loại lớn nhất của người Việt Nam ở Berlin. Đây chính là địa chỉ quen thuộc với nhiều cộng đồng châu Á ở thành phố này. Tại khu vực buôn bán hiện đa phần là người Việt Nam, ngoài ra là người Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc... với nhà hàng ăn, tiệm uốn tóc, cửa hàng thực phẩm, quần áo...
Cùng với ITC Pacific thì Trung tâm Thương mại Đồng Xuân (Đồng Xuân Centre) nằm trên con phố Herzberg ở quận Lichtenberg phía đông Berlin, nơi có gần 4.000 người Việt Nam sinh sống cũng là do một người Việt làm chủ. Ông Nguyễn Văn Hiền, sang Đông Đức lao động từ khi 30 tuổi. Hai năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, ông ở lại làm ăn buôn bán tự do. Chịu khó làm ăn, chắt chiu dành dụm cũng như khả năng nắm bắt thị trường nhạy bén, ông đã mua một miếng đất và thành lập nên trung tâm này.
Đây không chỉ là địa chỉ thân thiết của cộng đồng người Việt Nam ở CHLB Đức, mà còn là điểm du lịch hấp dẫn đối với người dân bản địa và du khách các nước. Tổng diện tích của trung tâm là 18 ha. Trong đó, khu kinh doanh chia làm 4 dãy nhà lớn rộng khoảng 40.000 m2 cho người Việt, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan và Đức thuê kinh doanh buôn bán lương thực, thực phẩm, giày dép, thủ công mỹ nghệ…
Theo Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng, ngoài các thương nhân thì nhiều trí thức Việt kiều ở Đức cũng rất thành đạt trên các lĩnh vực như hóa học, y học, toán học, hàng không- vũ trụ, điện nguyên tử, vật liệu mới…Cộng đồng gắn kết và luôn hướng về quê hương đất nước, giúp đỡ thân nhân; đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế và đa dạng văn hóa Đức, được Chính phủ Đức ghi nhận và đánh giá cao là chịu thương, chịu khó, cần mẫn, chăm chỉ trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, đáng tự hào nhất là con em người Việt học giỏi hơn con em người Đức cũng như các kiều dân khác tại quốc gia này.
Đầu tư cho thế hệ thứ 2
Rất nhiều người kiều bào Đức là công nhân sang đây từ những năm 1980 theo chính sách hợp tác giữa Việt Nam và Đông Đức rồi xin ở lại.Những ngày đầu còn nhiều khó khăn, rào cản bởi ngay sau khi nước Đức thống nhất, các công nhân hợp tác lao động là những người đầu tiên bị mất việc làm. Thế nhưng, nhờ đức tính chịu thương chịu khó, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, họ đã tìm mọi cách xoay xở để sinh sống, như mở quán ăn nhanh, mở cửa hàng rau, quả, buôn bán vỉa hè. Sau thời gian khó khăn đó, có điều kiện họ rất chăm chút vào việc học của con.
Đa phần học sinh người Việt tại Đức học rất giỏi, tỷ lệ đỗ vào trường chuyên và đại học cao hàng đầu trong số các cộng đồng người nước ngoài tại Đức. Theo thống kê sơ bộ, học sinh Việt Nam đỗ vào các trường chuyên đạt 53%, thành tích cao nhất trong cộng đồng người nước ngoài sinh sống tại Đức.
Lo chuyện học cho con chu đáo nhưng cũng giống như các gia đình người Đức, các bậc phụ huynh người Việt ở đây thường để cho các cháu phát triển tự nhiên, không gò ép. Câu chuyện của gia đình chị My Lan, ở quận Lichtenber, TP Berlin là một điển hình. Chị bảo, các cháu ở đây đều đến trường 5 ngày trong tuần, riêng thứ bảy và chủ nhật chúng xếp lại sách vở và dành tất cả thời gian cho vui chơi. Cả năm học phụ huynh không biết mặt thầy cô giáo của con, nếu có chuyện gì thì liên lạc qua điện thoại, email…Cũng mừng là kết quả học tập đa phần đạt rất cao, được các thầy cô đánh giá tốt.
Cùng chia sẻ này, chị Tố Nguyên, ở TP Heidelberg đang có con theo học ở trường Pestalozzi kể, trong các lớp học ở đây, thời gian dành cho vui chơi, âm nhạc và các giờ ngoại khóa nhiều hơn những tiết học văn hóa. Trung bình một năm học, trừ những tháng nghỉ hè, nghỉ lễ các em chỉ học chính thức khoảng nửa năm. Bọn trẻ khá thoải mái trong việc học, không căng thẳng, gò bó hay phải học tủ. Có lẽ với phương pháp giáo dục cộng thêm tố chất thông minh vốn có cùng sự quan tâm, nhắc nhở của bố mẹ nên nhiều cháu đạt được thành tích cao hơn các bạn trong lớp.
Một điều kiện nữa, cũng là động lực để các cháu đạt thành tích cao trong học tập đó là các khoản học phí được miễn 100% từ mẫu giáo đến Đại học. Nếu các em đỗ Đại học có thể vay một khoản tiền từ 400-500 euro/tháng. Số tiền này được sử dụng cho tiêu dùng cá nhân và phải trả sau khi tốt nghiệp, xin được việc làm.
Chỉ còn nửa tháng nữa là đến Tết nguyên đán, cũng giống như bao người Việt xa xứ, ngày này bà con kiều bào tại Đức cũng đang rộn ràng chuẩn bị đón một mùa Xuân xa quê. Phương Hà, sang Đức đã được 17 năm, hiện đang sống ở Donauwörth, thành phố nhỏ cách München khoảng 150 km cho biết, chỉ còn hơn nửa tháng nữa là Tết nhưng bà con người Việt ở đây đã thấy rộn rã lắm rồi. Gần Tết, các gia đình ở gần nhau thường tập trung ở một nhà, rồi dắt con trẻ đi mua nguyên liệu về cùng gói bánh chưng, làm giò, làm nem. Đặc biệt để có được con gà luộc có nguyên đầu mỏ cắm bông hồng, nhiều người Việt phải bắt mối với các chủ trại chăn nuôi ngoài ngoại ô chứ trong các siêu thị không có. Bọn trẻ đều sinh ra và lớn lên ở Đức, được sống không khí chuẩn bị Tết, náo nức lắm. Giờ các gia đình dù bận đến mấy cũng chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa và có mặt ở nhà đúng giao thừa theo giờ Việt Nam (chênh với giờ ở Đức 6g trước đó).
Sưu tầm
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/nguoi-viet-thanh-dat-o-duc-a349.html